Tiếng gọi từ Berlin

“Bạn nào là Ng. Nguyễn làm ơn liên lạc gấp với nhóm bác sĩ Mai Thy...”. Lời kêu gọi, chia sẻ trên mạng xã hội như thế này gần đây đã trở nên quen thuộc trong cộng đồng người Việt tại Berlin (Đức). Ai được gọi, ngầm hiểu mình đã mắc Covid-19 và sẽ được hướng dẫn cách ly, điều trị.
Nhóm bác sĩ Mai Thy và các tình nguyện viên
Nhóm bác sĩ Mai Thy và các tình nguyện viên

Từ cuối tháng 5, đã bắt đầu hình thành một nhóm làm việc thiện nguyện - nhận giúp người Việt Nam tại Đức xét nghiệm Covid-19. Phòng mạch Praxis Wünsche - Bernhard-Bästlein-Straße 1 - tại thủ đô Berlin - nơi bác sĩ Mai Thy làm việc - đã làm xét nghiệm cho khoảng 800 người gốc Việt tính đến hết tháng 6, phát hiện 60 ca dương tính với virus SARS-CoV-2. Không chỉ ở Berlin, một số người Việt từ các tỉnh, thành khác thuộc Đức cũng tới xét nghiệm vì tại đây được hướng dẫn phòng tránh, cách ly trực tiếp bằng tiếng Việt. Tính riêng đợt xét nghiệm đầu tiên suốt 3 ngày, từ 31-5 đến 2-6, có 12 ca mắc Covid-19 trong tổng số 329 người đến làm xét nghiệm. Ngày thứ ba dành xét nghiệm riêng cho người làm trong những doanh nghiệp tại Trung tâm thương mại Đồng Xuân, tin vui là không ai cho kết quả dương tính.

Ngay sau khi Berlin cũng như toàn nước Đức nới lỏng giãn cách xã hội thì xảy ra biểu tình chống phân biệt chủng tộc. Dịch bệnh có dấu hiệu trở lại. Chị Mai Phương, tình nguyện viên và thành viên khởi xướng công việc thiện nguyện này, chia sẻ: “Đã xuất hiện tin đồn nhiều người Việt ở Berlin mắc Covid-19, gây hoang mang trong cộng đồng. Thực tế, ai cũng có thể bị lây nhiễm loại virus này. Chúng tôi nghĩ trong khả năng mình làm được thì nên chung tay giúp đỡ cộng đồng, trước mắt cần có trách nhiệm với chính bà con gốc Việt mình ở đây. Phòng mạch Praxis Wünsche và nhóm tình nguyện viên đã công bố số điện thoại để bà con gọi đăng ký xét nghiệm. Trường hợp không có thẻ bảo hiểm y tế thì chỉ phải tự trả tiền labor 96 EUR. Tự nguyện xét nghiệm là trách nhiệm chung và cũng là việc làm tốt cho cộng đồng”.

Chị Mai Phương cũng cho biết, nhiều trường hợp người Việt tại đây mắc Covid-19 nhưng không có biểu hiện triệu chứng rõ rệt, hoặc rất nhẹ. Khi nhóm bác sĩ Mai Thy gọi điện thông báo kết quả dương tính, những người này chỉ cần thực hiện nghiêm túc nguyên tắc cách ly, làm theo hướng dẫn, ăn uống đủ chất, tập vận động thể chất đều, dùng Paracetamol và thuốc ho (nếu sốt và ho), có thể kết hợp xông hơi sả chanh, dầu xanh... theo cách truyền thống của người Việt. Nhiều bệnh nhân đã tự khỏi, không cần tới viện điều trị. 

Do nhu cầu tăng, nhóm bác sĩ Mai Thy tiếp tục giúp bà con làm thêm 3 đợt xét nghiệm khác trong tháng 6. Dự án thiện nguyện này còn kéo dài, các đợt xét nghiệm mới sẽ được thông báo trong tháng tới. Hỗ trợ cho nhóm bác sĩ Mai Thy còn có bác sĩ An Dũng, y tá Falk Lemanski, y tá Nga. Gia đình anh Nguyễn Văn Hiền, Tổng Giám đốc Trung tâm thương mại Đồng Xuân, giúp bố trí phòng khám, cung cấp nước uống và nhiều dụng cụ cần thiết. Nhiều gia đình gốc Việt khác cũng chia nhau mang các bữa ăn trưa tặng nhóm làm xét nghiệm.

Mở các đợt xét nghiệm Covid-19 cho người gốc Việt là hành động nối dài lời kêu gọi thực hiện dự án “Chung tay” từ Berlin do chị Đỗ Thu Hà khởi xướng. Từ khi đại dịch hoành hành, nhóm hoạt động thiện nguyện “Chung tay” đã may, nhập khẩu trang cũng như nấu các suất ăn tặng đội ngũ y tá bác sĩ bệnh viện địa phương. Dự án còn giúp đỡ tài chính cho các trường hợp đồng hương lâm vào hoàn cảnh khó khăn vì mất việc. Người góp tiền góp gạo, người ủng hộ bằng những chiếc nem rán, giỏ trái cây... Nhóm còn nhận được cả những hộp găng tay, thùng dung dịch sát khuẩn của người Việt đóng góp. Tất cả đều trở nên hết sức thiết thực, ý nghĩa trong thời điểm khó khăn chung này.

Tin cùng chuyên mục