Cuộc thi Tài năng trẻ đạo diễn sân khấu năm 2013 sẽ kết thúc hôm nay 3-5 với nhiều hy vọng tìm kiếm được cái mới, cái lạ về nghệ thuật dàn dựng.
Hiện nay, đạo diễn sân khấu trẻ đang ở đâu trong đời sống sân khấu hoạt động theo thị trường cạnh tranh? Về mặt lý thuyết đạo diễn là người chỉ huy, hướng dẫn, là tấm gương soi cho diễn viên. Anh ta là người tổ chức, chỉ đạo nghệ thuật, chịu trách nhiệm về khuynh hướng nghệ thuật của nhà hát hoặc đơn vị biểu diễn. Trong sáng tác, anh ta là tác giả của vở diễn sân khấu. Cái “mác” ấy, cái vỏ ấy vẫn còn, vẫn bao bọc quanh hào quang đạo diễn đến mức có rất nhiều sinh viên thích thi vào môn này, thích được mang danh đạo diễn hơn là làm nhà này, nhà kia? Cái phẩm chất cốt lõi, uy lực chỉ huy của người đạo diễn khi dựng vở đang bị xói mòn bởi áp lực của diễn viên.
Đạo diễn trong thực tế công việc đã phải nhân nhượng diễn viên, nhân nhượng trước những thiếu thốn về kỹ thuật, nhân nhượng khi thực hiện các ý đồ nghệ thuật. Đạo diễn phải rút gọn kịch bản, rút ngắn thời lượng tập vở, chiều theo sở thích các “sao” lớn nhỏ, chạy theo thị hiếu tầm thường của khán giả “tầm thấp”. Sân khấu chuyển dần sang làm giải trí, là sân khấu tiêu khiển, phục vụ riêng cho sở thích của một vài bộ phận nhỏ công chúng. Hiện nay, những ai quan tâm đến sân khấu lo lắng thật sự trước nguy cơ bản chất diễn xuất của diễn viên đang thay đổi do đi mãi vào lối mòn của sân khấu thị trường, sân khấu giải trí.
Lời đối thoại (lời kịch) của tác giả bây giờ không được tuân thủ nghiêm ngặt bởi cách diễn tùy hứng của diễn viên. Những lời ngầm, ý ngầm chưa được hiểu cặn kẽ, đầy đủ nên ý tưởng rất mù mờ, rối rắm nhạt nhòa thay vì phải được thể hiện chính xác, lối diễn cảm tính thay cho lý tính, trực giác thay cho suy luận, tùy hứng thay cho luyện tập, tài năng diễn thay cho kỹ thuật...
Một sân khấu ồn ào vui vẻ thay cho sự sâu lắng, nói trực tiếp bằng lời của đời thường thay cho những ý triết lý sâu xa. Thay vì hành động tích cực, sân khấu đưa ra những khái niệm. Một sân khấu rập khuôn, sáo mòn như vậy chắc chắn không thu hút sự quan tâm chú ý của khán giả. Sân khấu cải lương (sàn diễn) vắng khách vì có quá ít vở mới, diễn viên mới, đạo diễn mới. Ba yếu tố non kém này không thể tạo ra công chúng mới cho cải lương. Kịch nói cũng đang là con bệnh tương tự nếu kịch không thay đổi, không cách tân.
Từ khi chúng ta có trường lớp đào tạo người làm nghề chuyên nghiệp, có những người thầy lớn như GSTS. NSND Đình Quang, NSND Ngọc Phương, NSND Đình Nghi, NSND Dương Ngọc Đức, NSND Xuân Đàm, NSND Phạm Thị Thành... Những người hôm nay đều đã luống tuổi nhưng những gì họ làm cho sân khấu thật là to lớn: Đào tạo ra cả một thế hệ làm trụ cột cho cả một thời đại lịch sử sân khấu.
Các đạo diễn trẻ được đào tạo từ Trường ĐH Sân khấu - Điện ảnh TPHCM đang là đội ngũ có tiềm năng và tiềm lực thay đổi bộ mặt sân khấu thành phố hiện nay. Có hiểu biết, có tình yêu sân khấu, ham khám phá. Đạo diễn trẻ phải biết nắm lấy cơ hội định hướng diễn vào những vùng chưa biết, cùng diễn viên tiến hành những khám phá mới. Ngày nay sự sáng tạo sân khấu không chỉ từ kịch bản hay từ dàn dựng đơn thuần của đạo diễn. Sự sáng tạo tốt nhất của ngày hôm nay là sự cộng hưởng của nhiều tài năng sân khấu, là sự tổng hòa các nghệ thuật biên kịch, diễn xuất, đạo diễn, trang trí, âm nhạc, âm thanh, ánh sáng.
Dưới sự chỉ huy của đạo diễn, sự dẫn đường của anh ta đưa tập thể vào cách làm sân khấu thử nghiệm. Giống như NSND Lan Hương làm sân khấu hình thể, các đạo diễn trẻ có thể thử nghiệm nhiều lĩnh vực và một số những biểu hiện tích cực ấy đã tìm thấy trong cuộc thi Tài năng trẻ đạo diễn sân khấu năm 2013.
NSƯT TRẦN MINH NGỌC