Tìm giải pháp để kinh tế biển phát triển bền vững

Nghị quyết số 36-NQ/TW đặt mục tiêu đến năm 2030, Việt Nam trở thành quốc gia biển mạnh. Đến năm 2045, Việt Nam trở thành quốc gia biển mạnh, phát triển bền vững, thịnh vượng, an ninh, an toàn. Để hiện thực hóa, nhiều chuyên gia, nhà quản lý đưa ra đề xuất về cơ chế chính sách, bộ tiêu chí đánh giá, ưu tiên phát triển các ngành có thế mạnh như logistic, đẩy mạnh hạ tầng, thị trường xuất khẩu.
Khu neo đậu tàu thuyền tại âu thuyền Thọ Quang (quận Sơn Trà, TP Đà Nẵng). Ảnh: XUÂN QUỲNH
Khu neo đậu tàu thuyền tại âu thuyền Thọ Quang (quận Sơn Trà, TP Đà Nẵng). Ảnh: XUÂN QUỲNH

Ngày 24-5, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam phối hợp Viện Khoa học xã hội vùng Trung Bộ và Sở KH-CN TP Đà Nẵng tổ chức hội thảo khoa học: “Phát triển kinh tế biển ở Việt Nam: Thực trạng và những vấn đề đặt ra”.

Nhiều dư địa

Theo PGS.TS Trần Thị Lan Hương, Viện Hàn lâm khoa học xã hội Việt Nam, vùng Duyên hải Bắc Trung bộ và Trung bộ là nơi tập trung nhiều khu kinh tế ven biển quan trọng như: Nghi Sơn (Thanh Hóa), Vũng Áng (Hà Tĩnh), Chu Lai (Quảng Nam), Dung Quất (Quảng Ngãi), Nhơn Hội (Bình Định); có nhiều hệ thống cảng biển nước sâu như: Chân Mây, Liên Chiểu, Tiên Sa, Kỳ Hà, Chu Lai, Dung Quất, Quy Nhơn.

Đây cũng là khu vực có khả năng kết nối phát triển kinh tế giữa các vùng biển của Việt Nam và các trung tâm phát triển kinh tế năng động của khu vực và thế giới; có nhiều vùng biển đẹp có tiềm năng phát triển du lịch biển; tài nguyên dầu khí và nhiều tài nguyên biển khác. Đồng thời là vùng tập trung nguồn tài nguyên nuôi trồng và đánh bắt gắn liền với chế biến thủy sản hải lớn trên cả nước.

Toàn cảnh hội thảo diễn ra ngày 24-5. Ảnh: XUÂN QUỲNH

Toàn cảnh hội thảo diễn ra ngày 24-5. Ảnh: XUÂN QUỲNH

Trong 5 năm qua, vùng Duyên hải Bắc Trung bộ và Trung bộ đã hình thành khu kinh tế ven biển, mở rộng các dịch vụ logistic, thúc đẩy liên kết giữa vùng ven biển, nội địa với khu vực, thế giới. Du lịch biển, nuôi trồng và đánh bắt hải sản trở thành động lực phát triển nhiều địa phương.

Tuy vậy, đóng góp của kinh tế biển trong GDP các tỉnh còn thấp. Các khu công nghiệp ven biển chưa lấp đầy diện tích được quy hoạch. Nhiều địa phương thay vì liên kết lại thì cạnh tranh nhau khi phát triển các loại hình kinh tế biển tương đồng như du lịch biển, logistics, thu hút nhân lực...

Cần khát vọng của các cấp chính quyền địa phương

Để phát triển các khu kinh tế ven biển, PGS.TS Bùi Quang Bình, Trường Đại học Kinh tế - Đại học Đà Nẵng nhìn nhận, yếu tố cốt lõi chính là quyết tâm chính trị và khát vọng phát triển khu kinh tế ven biển từ các nhà lãnh đạo. Các nhà lãnh đạo Trung ương đã thể hiện khát vọng phát triển quốc gia biển bằng tư tưởng phát triển kinh tế - xã hội, an ninh quốc phòng dựa vào biển. Tuy nhiên, để thành công cần khát vọng phát triển của các cấp chính quyền địa phương và nỗ lực bền bỉ xây dựng và phát triển khu kinh tế ven biển ở địa phương. Cần thiết có cơ chế, chính sách đặc thù để thúc đẩy phát triển, do các khu kinh tế ở mỗi địa phương có yếu tố và đặc thù khác nhau. Tiếp đó, có sự đổi mới, điều chỉnh bổ sung quy hoạch các khu kinh tế ven biển theo hướng tích hợp với quy hoạch không gian biển quốc gia. Cuối cùng là tập trung nguồn lực đầu tư phát triển, trong đó đầu tư nhà nước có vai trò “đầu tư mồi” để huy động đầu tư tư nhân.

Hội thảo thu hút sự tham gia của nhiều chuyên gia, nhà quản lý. Ảnh: XUÂN QUỲNH

Hội thảo thu hút sự tham gia của nhiều chuyên gia, nhà quản lý. Ảnh: XUÂN QUỲNH

Để phát triển đúng định hướng, theo TS Huỳnh Huy Hòa, Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế xã hội Đà Nẵng, mặc dù đã có các chỉ tiêu/tiêu chí về đánh giá phát triển bền vững được các tổ chức quốc tế ban hành và công bố nhưng chưa có tính hệ thống, chưa toàn diện để đánh giá riêng về phát triển bền vững kinh tế biển và nhất là chưa sát với thực tiễn Việt Nam. Do đó, ông đề xuất Bộ tiêu chí đánh giá phát triển bền vững các ngành kinh tế biển gồm 5 nhóm tiêu chí với 22 tiêu chí thành phần, 81 chỉ tiêu.

Đa dạng các hoạt động đánh bắt, chế biến, đẩy mạnh xuất khẩu thủy sản. Ảnh: XUÂN QUỲNH

Đa dạng các hoạt động đánh bắt, chế biến, đẩy mạnh xuất khẩu thủy sản. Ảnh: XUÂN QUỲNH

Trong khi đó, TS Hoàng Hồng Hiệp, Viện Khoa học xã hội vùng Trung bộ cho rằng, cần khuyến khích ngư dân nhanh chóng chuyển từ đánh bắt tại các ngư trường truyền thống vùng lộng sang đánh bắt viễn dương tại các ngư trường Hoàng Sa và vùng phụ cận. Chú trọng phát huy vai trò chủ đạo của chính quyền địa phương trong kiến tạo kênh kết nối giữa ngư dân và doanh nghiệp trong việc cung cấp các máy móc, thiết bị, công nghệ hiện đại phục vụ hoạt động khai thác và bảo quản thuỷ sản cho hoạt động đánh bắt xa bờ. Chuẩn hóa các cảng cá hiện nay trên địa bàn các tỉnh để đảm bảo phục vụ ngư dân, nhất là mở rộng, nâng cấp các cảng cá lớn của các tỉnh. Không chỉ phát triển đa dạng các hoạt động chế biến, tiêu thụ sản phẩm thủy sản để hỗ trợ cho ngư dân, các địa phương cần quản lý tốt các đầu nậu thu mua, cơ sở thu mua thủy sản trong vùng đáp ứng yêu cầu của thị trường xuất khẩu thủy sản.

Tin cùng chuyên mục