Tìm hài cốt liệt sĩ trên đất bạn

Với những người lính làm nhiệm vụ đặc biệt, có ý nghĩa nhân văn cao cả ở các đội K, khi vẫn còn những liệt sĩ chưa được trở về với quê hương, họ vẫn tiếp tục lên đường.

Hơn 18 năm qua, dấu chân của các chiến sĩ 4 đội K của Quân khu 7 (Đội K70 - Cục Chính trị Quân khu 7, Đội K71- Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Tây Ninh, Đội K72 - Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Bình Phước, Đội K73 - Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Long An) đã đi qua hơn 10 tỉnh, thành của Campuchia. Với những người lính làm nhiệm vụ đặc biệt, có ý nghĩa nhân văn cao cả ở các đội K, khi vẫn còn những liệt sĩ chưa được trở về với quê hương, họ vẫn tiếp tục lên đường.

Cán bộ, chiến sĩ Đội K73 - Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Long An tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ tại Campuchia vào mùa khô 2018-2019


Nguồn thông tin quý

Đội K73 phát hiện, quy tập được 141 bộ hài cốt liệt sĩ và 3 khu mộ tập thể (chưa xác định số lượng liệt sĩ) ở các tỉnh Battambang, Pailin, S’VayRieng và Quân khu Đặc biệt, Vương quốc Campuchia, trong giai đoạn XVIII (mùa khô 2018-2019) xuất phát từ tin báo của người dân địa phương. 

Thượng tá Trần Chí Công, Đội trưởng Đội K73 kể: “Sau khi nắm được thông tin từ một số người dân Campuchia cho biết thông tin về 3 khu mộ tập thể liệt sĩ bộ đội Việt Nam, chúng tôi đã tiếp xúc ngay với các nhân chứng và được kể lại: khoảng từ 3 đến 7 giờ sáng 12-12-1972, một đơn vị bộ đội Việt Nam (trú đóng tại ấp Tà Ran Bal, phường Koi T’rò Béc, thành phố S’VayRieng) lọt vào ổ phục kích của một tiểu đoàn chủ lực Lon Nol. Sau trận chiến đẫm máu đó, người dân thu gom thi hài liệt sĩ bộ đội Việt Nam chôn chung vào một hố chôn tập thể. Lúc đó họ chỉ biết vậy chứ không biết rõ tên đơn vị”. Từ kết quả xác minh, Đội K73 đã tiến hành cất bốc, phát hiện được 15 gói xương, di vật liệt sĩ.

Đội K72 nhận được thông tin từ ông Lê Công Hòa, từng là Việt kiều tại Campuchia, rằng có một khu mộ chôn cất các liệt sĩ hy sinh từ năm 1970-1975 tại phum Srae Sdau, xã Ou Ruessei, thị xã Kratie, tỉnh Kratie. Ông Hòa khẳng định khu vực này còn rất nhiều mộ liệt sĩ chưa được tìm thấy. “Tuy nhiên, thời điểm này, khu vực đất xác định có hài cốt đang được xây dựng trường học”, Trung tá Phan Việt Phương, Đội trưởng Đội K72 kể. Sau nhiều lần thuyết phục, ông chủ thầu người Campuchia gật đầu đồng ý cho đội tìm kiếm hài cốt liệt sĩ, nhưng với điều kiện chỉ được làm vào... ban đêm. Lập tức, Trung tá Phan Việt Phương lên kế hoạch cho các chiến sĩ chia ca hối hả đào sâu vào lòng đất, khoét vào gầm móng nhà. Ngay trong những hố đào dò đầu tiên, các chiến sĩ phát hiện 2 mộ liệt sĩ. Trong 28 ngày (từ 21-3 đến 18-4 -2018), Đội K72 tìm được 64 hài cốt liệt sĩ. 

Đưa hài cốt liệt sĩ về đất mẹ

Theo thông tin thu thập, các nguồn tin cung cấp của nhân dân, cựu chiến binh, hiện nay các đội chuyên trách Quân khu 7 tiếp tục tìm kiếm hàng ngàn mộ hài cốt liệt sĩ chưa được quy tập, nằm rải rác ở nhiều nơi trên đất bạn Campuchia. Sự tàn phá của thời gian trên các vật chứng, di cốt; địa bàn rộng, trải dài nhiều nơi với địa hình phức tạp; thiếu thông tin về liệt sĩ... là những khó khăn mà các đội K - Quân khu 7 phải đối mặt. Đại tá Lê Văn Mỹ, Chính trị viên Đội K71, cho rằng, chỉ có làm tốt công tác dân vận (thông qua các hoạt động giúp dân sản xuất, khám chữa bệnh cho người dân địa phương, cùng nhân dân địa phương dọn dẹp, tu sửa nhà cửa, chùa chiền...), gây dựng tình đoàn kết với người dân Campuchia thì mới có thể thu thập được nhiều thông tin hữu quý giá về mộ liệt sĩ.

Qua những chia sẻ của Đại tá Lê Văn Mỹ, khó khăn, gian khổ nhất với những người lính các đội K không phải là sự thiếu thốn về nhân lực và vật lực. Điều các anh lo hơn là thời gian và những biến động của lịch sử đã xóa nhòa hầu hết những dấu vết năm xưa. Có điểm đội chuyên trách phải đào tới 2,3 lần, có lúc sâu tới cả chục mét, khối lượng đất, đá lên tới hàng ngàn mét khối mới phát hiện những mẩu xương đã đen sạm và vài mảnh vải dù rách nát. “Mỗi lần tìm thấy “các bác, các chú”, cả đoàn ai cũng mừng rớt nước mắt. Ngày về với đất mẹ quê hương đã rất gần rồi”, Đại tá Lê Văn Mỹ bộc bạch.

Tin cùng chuyên mục