Tìm lời giải khả thi cho bài toán thiếu điện

Trao đổi với phóng viên Báo SGGP, ông Lê Hồng Tịnh, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học Công nghệ và Môi trường của Quốc hội, chia sẻ lo ngại về khả năng thiếu điện trong tương lai rất gần.
Trong bối cảnh hiện nay thì Việt Nam vẫn phải phát triển các nhà máy nhiệt điện than
Trong bối cảnh hiện nay thì Việt Nam vẫn phải phát triển các nhà máy nhiệt điện than

Phóng viên: Theo số liệu cập nhật từ Hiệp hội Năng lượng, dự kiến đến năm 2020, lượng điện cần sản xuất 265 - 278 tỷ kWh và khoảng 572 - 632 tỷ kWh vào năm 2030. Như vậy tổng công suất nguồn điện cần đưa vào vận hành từ nay đến năm 2030 bình quân tăng thêm khoảng 6.000 - 7.000 MW/năm. Trong khi đó, hiện nhiều dự án trong Tổng sơ đồ điện VII điều chỉnh đang chậm tiến độ và việc phát triển các nhà máy nhiệt điện than lại vẫn có những ý kiến trái chiều. Xin ông cho biết quan điểm về vấn đề này?

Ông LÊ HỒNG TỊNH: Tôi nghĩ trong bối cảnh hiện nay thì Việt Nam vẫn phải phát triển các nhà máy nhiệt điện than, thậm chí cả điện hạt nhân. Vì tiềm năng thủy điện có thể nói là đã khai thác hết, làm thủy điện nhỏ thì mất rừng. Các nguồn năng lượng sạch khác thì có suất đầu tư cao và cũng chỉ là nguồn bổ sung, vì không ổn định. Và tuy nói “sạch”, nhưng các dự án năng lượng tái tạo cũng có những vấn đề riêng. Chẳng hạn, để làm điện mặt trời thì cũng cần sử dụng diện tích đất rất lớn và phải có nguồn dự phòng. Kinh nghiệm quốc tế cho thấy không có quốc gia nào định hướng phát triển công nghiệp mà lại không làm điện hạt nhân. Và thực ra điện hạt nhân là điện sạch, nếu làm chuẩn.

Nhưng theo ông, tại sao Quốc hội đã quyết định dừng 2 dự án điện hạt nhân tại Ninh Thuận?

°Xét tổng thể điều kiện kinh tế, khả năng quản lý, quản trị rủi ro ở thời điểm này thì chưa làm, nhưng chỉ là tạm dừng chứ không phải thôi không làm hẳn. Tôi cho rằng trong tương lai không xa thì vẫn nên làm. Chỉ có điện hạt nhân mới đủ “chạy nền” để các nguồn khác chạy đỉnh, nếu không thì cứ tình hình này khoảng 2020, 2021 lại thiếu điện trầm trọng. Công nghệ điện hạt nhân ngày càng hiện đại hơn, hệ số an toàn ngày càng lớn. Đi máy bay thi thoảng cũng có sự cố, nhưng so với giao thông đường bộ vẫn là xác suất rất thấp.

Còn nhiệt điện than, vốn là tâm điểm của các ý kiến trái chiều?


°Vẫn phải làm, nhưng kể cả với nhiệt điện than nữa cũng vẫn thiếu, nhất là khi nguồn than trong nước cũng đã khai thác gần tới hạn, chúng ta đã phải nhập nhiều than từ bên ngoài rồi và càng ngày càng phải nhập nhiều hơn.

Nhiều ý kiến cho rằng nhiệt điện than tiềm tàng nguy cơ gây ô nhiễm môi trường... Ông nghĩ sao?

Đúng là có nguy cơ đó. Nhưng như tôi đã nói, các nguồn năng lượng khác giá đắt và không ổn định, nền kinh tế và người dân có chấp nhận không? Nhiệt điện than có giá thành sản xuất khoảng 7 cent/kWh, trong khi điện mặt trời giá 9,35 cent/kWh, điện gió 8,7 - 9,8 cent/kWh.

Chỉ riêng lượng xỉ thải từ các nhà máy nhiệt điện than vừa qua đã là vấn đề vướng mắc rất lớn rồi, thưa ông?

°Tại phiên chất vấn trong kỳ họp thứ 6 vừa qua của Quốc hội, các đại biểu đã nêu chính chất vấn này với Bộ trưởng Bộ Xây dựng và Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường. Tôi đã đi thực tế nhiều nhà máy nhiệt điện và tôi biết, như ở Nhật Bản, rất nhiều nhà máy điện than xử lý đến 95% lượng xỉ thải, chứ không đem chôn lấp như mình. Họ đưa vào làm đường cao tốc. Đây là giải pháp rất đáng tham khảo, nhất là khi nguồn cát xây dựng đang ngày càng khan hiếm. Hay như Nhà máy nhiệt điện Phả Lại cũng thế, có bao nhiêu xỉ thải họ đã từng sử dụng hết bấy nhiêu, để đóng gạch, làm bê tông đầm lăn, phụ gia xi măng… hoặc san lấp mặt bằng. Nhưng do tiêu chuẩn về việc mức độ tác động môi trường chưa được ban hành nên chưa có lối ra cho xỉ thải nhiệt điện.

Bộ Xây dựng cần sớm làm xong quy chuẩn này, tôi biết họ cũng đang phối hợp với Bộ Khoa học - Công nghệ làm rồi. Bộ trưởng Bộ Xây dựng Phạm Hồng Hà đã hứa đẩy nhanh tiến độ và trong năm nay là xong. Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng sẽ phải sửa đổi một số quy định hiện hành, ví dụ như quy định coi tất cả chất xỉ thải của nhiệt điện than là chất thải công nghiệp, phải xử lý, không được đưa ra khỏi nhà máy. Thực tế chỉ khi than đầu vào quá xấu, công nghệ cũ thì đốt xong xỉ thải mới có chất độc hại cần xử lý nghiêm ngặt thôi. Các bộ trưởng cũng đã cam kết sẽ làm sớm.

Đầu ra phụ thuộc đầu vào và công nghệ, nghĩa là cần có quy chuẩn riêng cho từng nhà máy?

°Có thể hiểu như thế. Công nghệ của các nhà máy phụ thuộc than đầu vào, than nào công nghệ đó. Quy chuẩn của bộ chủ quản sẽ phải bao quát được điều này. Tôi cho là rất nên xúc tiến việc này, đấy cũng là cơ hội phát triển kinh tế tuần hoàn, một xu hướng mới, tiên tiến. Tiềm năng sử dụng xỉ thải nhiệt điện than là rất lớn.

Nhưng còn một câu chuyện nữa cần đề cập tới, đó là giá điện và những chính sách có liên quan nhằm khuyến khích nhà đầu tư phát triển nguồn cung năng lượng?

°Đó là một câu chuyện dài khác, cũng rất quan trọng, nhưng tôi không phải chuyên gia về giá.

Xin cảm ơn ông! 

Tin cùng chuyên mục