Tìm lối ra cho lao động mất việc

Khủng hoảng kinh tế toàn cầu đã ảnh hưởng xấu đến kinh tế các nước trên thế giới và tác động tiêu cực đến công ăn việc làm của người lao động tại nhiều nước, trong đó có Việt Nam. Ở hầu hết thị trường lao động ngoài nước, nhiều nhà máy, xí nghiệp có tiếp nhận lao động Việt Nam cũng đang thu hẹp sản xuất, đóng cửa. Ở trong nước, tình trạng này cũng không sáng sủa hơn.
Tìm lối ra cho lao động mất việc

Khủng hoảng kinh tế toàn cầu đã ảnh hưởng xấu đến kinh tế các nước trên thế giới và tác động tiêu cực đến công ăn việc làm của người lao động tại nhiều nước, trong đó có Việt Nam. Ở hầu hết thị trường lao động ngoài nước, nhiều nhà máy, xí nghiệp có tiếp nhận lao động Việt Nam cũng đang thu hẹp sản xuất, đóng cửa. Ở trong nước, tình trạng này cũng không sáng sủa hơn.

  • Xuất khẩu lao động 2009: Vô vàn khó khăn đang đợi…

Hiện tại số lao động phải về nước trước thời hạn chưa được thống kê chính xác do có thay đổi từng ngày. Theo ông Đào Công Hải, Phó Cục trưởng Cục Quản lý lao động ngoài nước, các doanh nghiệp đang lo giải quyết chế độ cho người lao động (NLĐ) nên chưa báo cáo về số lượng NLĐ phải về nước.

Tìm lối ra cho lao động mất việc ảnh 1
Xem thông tin tuyển dụng việc làm tại Trung tâm Giới thiệu việc làm Thanh niên (TPHCM) Ảnh: ĐỨC TRÍ

Tuy nhiên, theo ghi nhận, lao động tại thị trường Đài Loan về nước trước thời hạn nhiều nhất. Đáng lo ngại nhất là gần đây, xuất hiện thông tin Malaysia tuyên bố dừng tiếp nhận lao động nước ngoài, trong đó có Việt Nam do đình trệ sản xuất. Hiện Cục Quản lý lao động ngoài nước đang kiểm chứng thông tin này.

Tuy nhiên, nếu đúng, thì xuất khẩu lao động 2009 sẽ là một bài toán vô cùng khó khăn, vì Malaysia hiện vẫn là thị trường lao động trọng điểm của Việt Nam.

Trước tình hình XKLĐ có những diễn biến phức tạp, để đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của NLĐ Việt Nam được đưa đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, cũng như giảm thiểu rủi ro và những thiệt hại cho doanh nghiệp XKLĐ, Cục Quản lý lao động ngoài nước đã công bố chính sách của một số thị trường đối với lao động nước ngoài phải chấm dứt hợp đồng lao động trước thời hạn. Cụ thể, tại Đài Loan, NLĐ có quyền đăng ký tìm việc làm mới và không bị hạn chế số lần chuyển chỗ làm việc. Trong thời gian 60 ngày mà NLĐ không tìm được việc làm mới thì về nước.

Tại Nhật Bản, đối với lao động là kỹ sư hoặc lao động kỹ thuật cao, chủ sử dụng phải thông báo trước 1 tháng cho NLĐ để người lao động chủ động tìm việc làm khác. Tại Hàn Quốc, NLĐ được các trung tâm hỗ trợ tuyển dụng lao động nước ngoài (thuộc Bộ Lao động Hàn Quốc) đăng ký và giới thiệu việc làm mới. Trong thời gian 2 tháng, nếu NLĐ không có chủ sử dụng mới tiếp nhận thì phải về nước.

Tìm lối ra cho lao động mất việc ảnh 2
Lao động Việt Nam được đánh giá cao ở nước ngoài Ảnh: H. KHÁNH

Tại Malaysia, lao động sang làm việc thông qua công ty out-sourcing (chuyên cung ứng nhân lực) khi bị chấm dứt hợp đồng lao động trước hạn thì công ty có trách nhiệm chuyển NLĐ sang chỗ làm việc mới. Trong thời gian chờ việc làm mới, công ty out-sourcing có trách nhiệm lo phí sinh hoạt cho NLĐ. Trường hợp NLĐ không tìm được việc làm mới thì phải về nước và được chủ sử dụng chi trả tiền vé máy bay về nước, bồi thường 2 tuần lương cơ  bản cho 1 năm làm việc...  

  • Gần 900 tỷ đồng hỗ trợ lao động mất việc làm 

Tại thị trường trong nước, lao động cũng đang đối mặt với việc cắt giảm việc làm hàng loạt. Tại Hà Nội, năm 2009 này, chỉ tính riêng hơn 400 doanh nghiệp trong các KCN-KCX, có khả năng sẽ cắt giảm khoảng 10% số lao động. Số liệu báo cáo về Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam số lao động bị cắt giảm ở trong nước đã lên tới trên 50.000 người.

Điển hình như Công ty Panasonic Việt Nam (với hơn 6.000 công nhân thuộc 3 công ty con) đã báo cáo xin giảm 500 lao động; Công ty Nishei xin giảm 1.600 lao động; Canon Việt Nam xin giảm 1.200 lao động… Tổng số lao động của 19 doanh nghiệp báo cáo xin cắt giảm đã lên đến hơn 4.300.  Tại TPHCM, ước tính đã có trên 35.000 lao động bị mất việc.

Tìm lối ra cho lao động mất việc ảnh 3
Nhiều lao động mất việc trở vế quê Ảnh: Đình Lý

Theo ông Phạm Minh Huân, Vụ trưởng Vụ Lao động-Tiền lương, Bộ LĐ-TBXH, với tình hình sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp trong nước năm 2009 gặp nhiều khó khăn, số lượng công nhân mất việc làm có thể xảy ra nhiều ở các ngành dệt may, da giày, chế biến thủy, hải sản…

Bộ LĐ-TBXH đã kiến nghị Chính phủ tăng cường các chương trình tạo việc làm như thông qua các chương trình xúc tiến thương mại để thúc đẩy xuất khẩu, duy trì sản xuất trong nước; đẩy mạnh hoàn thiện các dự án và công trình đầu tư xây dựng cơ bản đưa vào sản xuất để gia tăng giá trị sản xuất công nghiệp… Đồng thời, kiến nghị Chính phủ lập kinh phí dự phòng để đào tạo và nâng cao tay nghề ngay trong thời gian NLĐ  mất việc làm.

Bộ LĐ-TBXH hiện đang phối hợp cùng Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam hỗ trợ lao động mất việc làm tại các địa phương. “Theo đề án về hỗ trợ lao động mất việc làm trong bối cảnh khó khăn hiện nay do Bộ LĐ-TBXH chuẩn bị, năm 2009 này, Chính phủ sẽ dành khoảng 900 tỷ đồng để hỗ trợ lao động mất việc.

Chính phủ sẽ xem xét đề án này trong thời gian sớm nhất”, ông Huân cho biết. Còn theo dự báo của ông Đặng Quang Điều, Phó ban Chính sách Kinh tế-xã hội (Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam), khoảng đến giữa năm nay, tình trạng cắt giảm lao động sẽ giảm xuống.

NLĐ sẽ có cơ hội tìm việc mới, vì “đầu năm các doanh nghiệp tiếp tục cắt giảm lao động song cùng với quá trình đó, các gói giải pháp của Chính phủ áp dụng với doanh nghiệp cũng bắt đầu đi vào vận hành và cần một thời gian để phát huy hiệu quả”, ông Điều phân tích.

Dự báo này khá trùng với nhận định của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng khi cho rằng đến tháng 6 năm nay, Việt Nam có thể chặn được đà suy giảm kinh tế. Nếu được như vậy thì NLĐ sẽ sớm thoát khỏi cảnh vất vả hiện nay.

LÂM NGUYÊN

Tin cùng chuyên mục