Tín hiệu vui từ những hội sách

Ngày 18-4, Sở TT-TT TPHCM phối hợp Cục Xuất bản, In và Phát hành (Bộ TT-TT) và Sở VH-TT TPHCM tổ chức họp báo công bố Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam lần I. Đây là lần đầu tiên Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam cấp quốc gia được tổ chức, diễn ra từ ngày 19 đến 24-4 tại phố đi bộ Nguyễn Huệ (quận 1, TPHCM). 

Lễ khai mạc lúc 19 giờ 45 ngày 19-4 tại phố đi bộ Nguyễn Huệ và được phát trực tiếp trên Đài Truyền hình TPHCM, Đài Tiếng nói nhân dân TPHCM, fanpage Trung tâm Báo chí TPHCM. 

Sôi nổi các hoạt động tại ngày sách

Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam lần I có sự tham gia của hơn 20 đơn vị xuất bản và phát hành trong cả nước, mang đến hơn 500.000 tựa sách và các mô hình xuất bản, phát hành sách điện tử, sách nói, thư viện thông minh. Ngày hội sẽ được phân chia thành 3 không gian, với các nội dung: Không gian chuyển đổi số; Không gian thành phố sách; Không gian tổ chức giới thiệu các mô hình văn hóa đọc. Đặc biệt, ngoài phố đi bộ Nguyễn Huệ, Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam lần I còn diễn ra tại Đường sách TPHCM, trên địa bàn TP Thủ Đức và các quận, huyện. Song song đó là các hoạt động hưởng ứng được tổ chức đồng loạt tại 63 tỉnh, thành phố. 

Bạn đọc tham gia mua sách tại Đường sách TPHCM trong khuôn khổ Hội sách xuyên Việt lần 2 diễn ra đầu tháng 4-2022

Đến với Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam năm nay, người dân TPHCM có thể tham gia vào các chương trình giao lưu tác giả, giới thiệu sách, tọa đàm với các chuyên đề về sách, các hoạt động tìm hiểu nội dung về sách. Cùng với đó, từ nay đến ngày 24-4, tại Đường sách TPHCM diễn ra nhiều hoạt động trưng bày và giới thiệu các tủ sách theo nhiều chủ đề khác nhau, như: trưng bày gần 700 tựa sách trong dự án “Danh mục sách hỗ trợ dạy và học bậc tiểu học” do Hội Xuất bản Việt Nam thực hiện; Tủ sách dành cho con trong gia đình; tốp 100 quyển sách đáng có trong tủ sách doanh nghiệp và những tựa sách do doanh nhân Việt viết; Tủ sách “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”; Tủ sách giới hạn, Tủ sách Nobel và các xuất bản phẩm đặc biệt.  

Cũng trong thời gian này, khi đến Đường sách TPHCM, bạn đọc còn có cơ hội trải nghiệm sách nói, sách điện tử, đọc sách bằng công nghệ thực tế ảo từ 2 đơn vị Voiz FM và Joikids. 

Khuyến khích hội sách nhỏ

Sau hơn 2 năm phải tạm ngưng, một số hội sách trên thế giới vừa trở lại, như Hội sách thiếu nhi Bologna (Italy) lần thứ 59, Hội sách quốc gia Bangkok (Thái Lan) lần thứ 50, Hội sách bản quyền quốc tế Bangkok lần thứ 20, Hội sách quốc tế La Habana (Cuba) lần thứ 30 (diễn ra từ ngày 20 đến 30-4-2022)… Được xem là một trong những sự kiện lớn nhất của ngành xuất bản thế giới, Hội chợ sách quốc tế London (tổ chức lần đầu tiên vào năm 1971) cũng vừa mở cửa trở lại. 

Là đơn vị hiếm hoi của Việt Nam có mặt tại Hội chợ sách quốc tế London 2022, ông Nguyễn Văn Tuân, Giám đốc điều hành 1980 Books, cho biết, trước đây, khi chưa có dịch Covid-19, đơn vị của ông vẫn giao dịch trực tuyến với các nhà xuất bản ở nước ngoài. Tuy nhiên, khi Hội chợ sách quốc tế London được mở cửa trở lại, ông muốn đích thân tham dự hội sách để cảm nhận tốt hơn sự dịch chuyển của xuất bản thế giới cũng như tìm thêm những đối tác mới. Đây là điều mà phương thức làm việc trực tuyến không có được. 

Có một thực tế là hiện tại, một số hội sách có quy mô lớn và lâu năm như Hội sách TPHCM, Hội sách Hoàng thành Thăng Long vẫn trong tình trạng “án binh bất động”. Các hội sách đã và đang diễn ra trong thời điểm này đa phần có quy mô nhỏ do các nhà xuất bản hay công ty sách tổ chức. Ông Lê Hoàng, Phó Chủ tịch Hội Xuất bản Việt Nam, đánh giá cao nỗ lực từ các hội sách nhỏ, phần nào giúp đời sống của sách được tái hồi phục. Theo ông, những hội sách này giống như những lạch nước nhỏ, đã đi vào đời sống của người dân ở các địa phương rất sinh động và hiệu quả. “Đối với Hội Xuất bản, chúng tôi rất khuyến khích những hội sách nhỏ như vậy”, ông Lê Hoàng chia sẻ.

Ông Nguyễn Văn Tuân cho rằng, để ngành xuất bản trong nước khôi phục hoàn toàn thì cần thêm thời gian. Bởi khi dịch Covid-19 bùng phát ở Việt Nam, không riêng gì ngành xuất bản mà các lĩnh vực khác cũng bị ảnh hưởng nặng nề. Theo ông Tuân, thị trường sách rất rộng, xuất bản của Việt Nam cũng chỉ đang là “cái ngọn” so với thế giới. Thậm chí, so với một số quốc gia trong khu vực như Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, xuất bản của Việt Nam vẫn còn thua xa. “Thế nên, tôi muốn tìm kiếm những nguồn bản thảo phong phú hơn để có thể xuất bản ở Việt Nam. Tôi có niềm tin là trong tương lai ngành xuất bản của Việt Nam sẽ xuất bản rộng hơn nguồn sách hiện tại đang có”, ông Tuân bày tỏ.

Tin cùng chuyên mục