
Làm việc trên những cung đường ra trận, hàng vạn con trai, con gái còn ở tuổi đôi mươi. Việc yêu nhau thời chiến tuy không được phép nhưng không vì thế mà thủ trưởng các đơn vị ngăn cấm. Đã có nhiều đám cưới tổ chức dọc các cung đường. Có một mối tình đẹp trên đường 10 hiện vẫn còn lưu dấu Trường Sơn. Một chàng trai người miền Nam đã yêu và cưới người con gái Vân Kiều. Sau chiến tranh, họ vẫn chọn đường 10 làm nơi sinh sống.

Vợ chồng ông Lộc hạnh phúc trong căn nhà ven đường 10.
Mối tình giữa bom đạn
Ông Nguyễn Đức Lộc (sinh năm 1937), người gốc TP Nha Trang (Khánh Hòa), hiện ở tại xã Ngân Thủy, Lệ Thủy, Quảng Bình, kể: “Năm 1954, tui theo ba má tập kết ra Bắc, học trường học sinh miền Nam ở Quảng Xương, Thanh Hóa. Sau đó về Trung đoàn 136 làm trợ lý tham mưu rồi đi B. Vào Quảng Bình, ở mảnh đất này, đơn vị đóng ở Ngân Thủy. Những tháng ngày mới vào, ai cũng bị sốt rét, phải ở lại nhiều ngày, được mấy cô y tá địa phương cứu chữa, đồng đội được sống, tui được sống, cảm kích vô cùng”. Vì cảm động, ông Lộc đã thầm yêu y tá Hồ Thị Đóa, người tận tình cứu chữa cho ông và đồng đội.
Y tá Hồ Thị Đóa, người Vân Kiều, ở bản Cẩm Ly, có nhiệm vụ chăm sóc thương bệnh binh tại cung đường 10. Khi đơn vị ông Lộc đóng quân đầu đường 10, sốt rét bắt đầu hoành hành, ông Lộc sốt nhiều nhất, nằm li bì mấy tháng trời, bà Đóa bón cho ông từng thìa cháo, bát cơm, chăm cho ông từng giấc ngủ. Sau hơn 3 tháng bị sốt rét hoành hành cứ tưởng ông Lộc không qua khỏi, nhưng ông lành bệnh, tuy có để lại biến chứng lãng tai. Được sống, được chăm sóc chu đáo, ông Lộc đã yêu người con gái Vân Kiều trên núi rừng Trường Sơn.
Đơn vị hai người ở cách nhau hơn một cây số, đêm nào ông Lộc cũng tìm cách đến thăm y tá Hồ Thị Đóa. Bà kể: “Chiến tranh, tình cảm con người như cây trên núi, như cá dưới suối. Biết thế nhưng không dám nói ra. Rồi ông ấy mở lời nói ưng tui. Lúc đầu tui nghe mà sợ cấp trên rầy la, nhưng mãi thấy không ai nói gì nên xiêu lòng”.
Ông Lộc kể thêm: “Nói thiệt, ngoài cảm ơn cái lòng tốt của bà thì tui còn thích cái giọng hát hay nhất núi rừng bản Cẩm Ly thời đó. Rứa nên mới đánh liều tìm hiểu, đánh liều vượt bom đạn để đến với bà ấy”.
Đám cưới đường 10
Đầu năm 1974, chàng trai miền Nam Nguyễn Đức Lộc và cô gái Vân Kiều Hồ Thị Đóa đã tổ chức đám cưới.
Ngày họ làm đám cưới, lãnh đạo đã tổ chức thành hôn cho họ. Trong đám cưới, cô dâu mặc bộ quần áo màu cỏ úa của TNXP, trên đầu và toàn thân choàng tấm dù sáng trắng mỏng, thắt nơ trắng. Còn chú rể, phù dâu, phù rể mặc quần áo đồng phục của TNXP nhuốm màu thuốc súng. Khách đến dự ai cũng có quà, những món quà giản đơn được chế tác từ mảnh đạn hay xác máy bay rất ý nghĩa. Và những bó hoa rừng thơm ngát được trao tay cho khách, rồi những chiếc khăn quàng, khăn mùi xoa, đôi áo gối tự may, tấm phông che đều bằng vải dù pháo sáng của Mỹ có thêu đôi chim bồ câu hoặc đủ loại hoa văn do bàn tay khéo léo của chị em tự làm tặng cô dâu chú rể.
Chương trình văn nghệ cũng bắt đầu, những tràng vỗ tay như sấm vang vọng cả một góc rừng trên đường 10.
Đơm hoa kết trái
Ông Lộc bây giờ tuổi ngoài 80 nhưng vẫn còn minh mẫn, đi lại vững chãi. Giọng nói sang sảng. Họ cưới nhau, ông vào Nam chiến đấu, hẹn với vợ ngày nước nhà thống nhất sẽ trở lại. Bà Đóa nói: “Nghe là nghe vậy, chứ đâu có biết ổng còn sống hay chết. Ngày 30-4-1975, tui nghe nước nhà thống nhất, hân hoan vui mừng. Chờ mãi đến cuối năm không thấy về, cứ nghĩ ổng hy sinh. Nhưng không ngờ đầu năm 1976, ổng trở về trước mặt tui, nói “anh vẫn giữ lời hứa trở về với em” mà ứa nước mắt. Vợ chồng bịn rịn hồi lâu chẳng nói được câu chi”.
Để kỷ niệm những năm tháng gian khổ ở Trường Sơn, ông bà quyết định ở lại ven đường 10 sinh cơ lập nghiệp. Họ có với nhau 5 mặt con. Đứa con đầu làm ăn tươm tất ở bản Cửa Mẹc cùng xã, là hộ khá giả của bản. Đứa thứ hai hiện là trưởng trạm y tế của xã. Đứa thứ 3 làm bác sĩ ở Bệnh viện Đa khoa Tam Kỳ (Quảng Nam). Hiện người con gái kế Nguyễn Thị Lê đang dạy tại trường SOS (Đồng Hới), còn con gái út Nguyễn Thị Liễu hiện là sinh viên năm thứ tư Trường Đại học Kinh tế Đà Nẵng.
Ông Lộc, bà Đóa hiện vui thú điền viên trong căn nhà ngói 3 gian giữa núi rừng Trường Sơn. Họ vẫn miệt mài gieo cấy trên 6 sào ruộng và chăm chút mảnh vườn hơn 1 mẫu cũng như hồ cá trắm, nuôi thêm heo nái, con bò để cuộc sống ổn định thêm. Ông Lộc nói: “Cũng được nhà nước trợ cấp nhiều, nhưng cần phải lao động thêm để không thể quên những ngày khó khăn trong chiến tranh”.
* Ông Lộc bị thương tật vĩnh viễn 60%. Khói lửa cuộc chiến nhiều lúc vẫn hiện về trong tâm trí khiến nhiều hôm ông choàng dậy hô xung phong. Bà Đóa lại giã gừng nấu nước nóng pha cho ông uống để ổn định lại thần kinh. Thân hình ông Lộc vạm vỡ, nhưng trong người nhiều mảnh đạn còn bám chặt vào da thịt. Tuy thế, ông vẫn lạc quan vì có một người vợ Vân Kiều đảm đang, chịu thương chịu khó. Ông nói vợ chồng ông mãn nguyện khi được sống ở đường 10, một trong những cung đường ra trận cho nước nhà thống nhất. |
Minh Phong