Toàn quốc hiện có hơn 246.000 người nghiện ma túy có hồ sơ quản lý

Sáng 24-12, tại Hà Nội, Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy (C04, Bộ Công an) tổ chức hội nghị cung cấp thông tin về Luật Phòng, chống ma túy 2021 và các văn bản hướng dẫn thi hành. 
Người nghiện chịu sự quản lý 1 năm của cấp xã
Tại hội nghị, Thiếu tướng Nguyễn Văn Viện, Cục trưởng C04 thông tin, cả nước có gần 1.000 đơn vị sản xuất, kinh doanh (nhập khẩu, xuất khẩu) tiền chất công nghiệp, thuốc và nguyên liệu làm thuốc là dược chất gây nghiện, dược chất hướng thần và tiền chất dùng làm thuốc. Số lượng nhập khẩu hằng năm tăng khoảng 10% so với năm trước.
Toàn quốc hiện có hơn 246.000 người nghiện ma túy có hồ sơ quản lý ảnh 1 Thiếu tướng Nguyễn Văn Viện thông tin tại hội nghị. Ảnh: ĐỖ TRUNG
Năm 2021, số lượng nhập khẩu tiền chất công nghiệp khoảng 640.000 tấn, thuốc và nguyên liệu làm thuốc là dược chất gây nghiện, dược chất hướng thần và tiền chất dùng làm thuốc khoảng 15 tấn. 

Lãnh đạo C04 cho rằng, thời gian qua công tác kiểm soát tiền chất, thuốc hướng thần, thuốc gây nghiện, thuốc thú y có chứa chất ma túy, tiền chất trong hoạt động mua bán đến sản phẩm cuối cùng còn nhiều khó khăn. Đối với các đơn vị nhập khẩu về để kinh doanh không chỉ bán lại cho các đối tượng trực tiếp sử dụng mà còn bán cho nhiều đối tượng kinh doanh khác, các đơn vị này lại bán cho các đối tượng khác tạo thành một khâu trung chuyển phức tạp. Do đó, việc kiểm soát đến sản phẩm cuối cùng còn nhiều khó khăn.

"Việc kiểm soát đối với nguyên liệu làm thuốc là dược chất gây nghiện, dược chất hướng thần và tiền chất dùng làm thuốc chưa được thực hiện", Thiếu tướng Viện cho biết. 

Thông tin thêm, Thiếu tướng Nguyễn Văn Viện cho hay, so với Luật cũ, Luật Phòng, chống ma túy 2021 đã bổ sung hoạt động tạm nhập, tái xuất, tạm xuất, tái nhập; nguyên liệu làm thuốc là dược chất gây nghiện, dược chất hướng thần, tiền chất dùng làm thuốc, thuốc tiền chất, thuốc thú y có chứa chất ma túy, tiền chất vào kiểm soát hoạt động hợp pháp liên quan đến ma túy.

Đối với việc quản lý người sử dụng trái phép chất ma túy, trọng Luật Phòng, chống ma túy 2021 có nhiều điểm mới so với Luật cũ. Theo Thiếu tướng Viện, Luật Phòng, chống ma túy 2021 đưa vấn đề quản lý người sử dụng trái phép chất ma túy là biện pháp phòng ngừa nhằm giúp người sử dụng trái phép chất ma túy không tiếp tục sử dụng trái phép chất ma túy, phòng ngừa các hành vi vi phạm pháp luật của họ.

Thời hạn quản lý 1 năm  kể từ ngày có quyết định quản lý của Chủ tịch UBND cấp xã.

Việc quản lý người sử dụng trái phép chất ma túy thực hiện ngay từ lần đầu phát hiện người đó có hành vi sử dụng trái phép chất ma túy và không phải là biện pháp xử lý vi phạm hành chính. Công an cấp xã giúp UBND cùng cấp lập danh sách và chủ trì quản lý người sử dụng trái phép chất ma túy cư trú tại địa phương.  

Nâng độ tuổi người cai nghiện từ đủ 12 tuổi đến dưới 18 tuổi 

Trao đổi tại hội nghị, Trung tá Hoàng Văn Hiều, Phó Trưởng phòng 2, C04 cho biết, về quản lý sau cai nghiện ma túy, Luật Phòng, chống ma túy cũ quy định việc quản lý sau cai tại cơ sở quản lý sau cai, tác động đến quyền con người, thực tế không hiệu quả. Luật phòng, chống ma túy năm 2021 không quy định việc quản lý sau cai nghiện tại cơ sở quản lý sau cai, chỉ quy định áp dụng quản lý sau cai nghiện ma túy tại nơi cư trú. Chủ tịch UBND cấp xã ra quyết định và tổ chức quản lý, hỗ trợ xã hội sau cai nghiện ma túy.

Luật mới cũng quy định, người đã hoàn thành cai nghiện ma túy tự nguyện, người đã hoàn thành điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc thay thế, người từ đủ 12 tuổi đến dưới 18 tuổi đã chấp hành xong quyết định đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc chịu sự quản lý sau cai nghiện ma túy trong thời hạn 1 năm kể từ ngày hoàn thành việc cai nghiện hoặc chấp hành xong quyết định.

Theo thống kê của C04, tính đến 11-2021, toàn quốc hiện có hơn 246.000 người nghiện ma túy có hồ sơ quản lý. Tỷ lệ người nghiện tăng tự nhiên trung bình trong 5 năm gần đây là 3%/năm. Luật Phòng, chống ma túy năm 2021 quy định về cai nghiện ma túy đảm bảo tính đồng bộ với pháp luật xử lý vi phạm hành chính và phù hợp với thực tiễn. Khác với luật cũ, Luật Phòng, chống ma túy năm 2021 đã quy định cụ thể các trường hợp xác định tình trạng nghiện để cho công an cấp xã kịp thời đưa đi xác định tình trạng nghiện, nhằm sớm phát hiện người nghiện ma túy, áp dụng biện pháp cai nghiện phù hợp

Biện pháp cai nghiện ma túy, gồm cai nghiện ma túy tự nguyện và cai nghiện ma túy bắt buộc. Cai nghiện ma túy tự nguyện được thực hiện tại gia đình, cộng đồng hoặc tại cơ sở cai nghiện ma túy. Cai nghiện ma túy bắt buộc được thực hiện tại cơ sở cai nghiện ma túy công lập. So với luật cũ, luật mới không quy định cai nghiện ma túy bắt buộc tại cộng đồng.

Cai nghiện ma túy tự nguyện tại gia đình, cộng đồng được thực hiện với sự trợ giúp chuyên môn của tổ chức, cá nhân cung cấp dịch vụ cai nghiện ma túy, sự phối hợp, trợ giúp của gia đình, cộng đồng và chịu sự quản lý của UBND cấp xã.

Đây là điểm tiến bộ của Luật mới, quy định của Luật cũ giao cho cán bộ ở cấp xã kiêm nhiệm, thực hiện do vậy không chuyên sâu, làm hình thức, không hiệu quả. Quy định của luật mới đảm bảo tính chuyên sâu trong công tác cai nghiện tại gia đình, cộng đồng, đảm bảo công tác cai nghiện có hiệu quả. 

Theo thống kê của Bộ Công an, tình hình người sử dụng trái phép chất ma túy ngày càng gia tăng. Cụ thể: năm 2017 phát hiện hơn 128.000 người, năm 2018 phát hiện hơn 135.000 người, năm 2019 phát hiện hơn 143.000 người sử dụng trái phép chất ma túy. Riêng năm 2020, do tình hình dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, các lực lượng dồn sức chống dịch, nhiều địa phương áp dụng giãn cách, các dịch vụ không thiết yếu như quán bar, vũ trường, karaoke, khách sạn không được hoạt động nên số lượng người sử dụng ma túy mới bị phát hiện tăng không đáng kể.

Tin cùng chuyên mục