Tôi sẽ đi trên giấc mơ tuổi trẻ

Tôi từng đọc được bút ký của nhà báo Thu Nguyệt với những chiêm nghiệm khi đứng trước khu phi quân sự ngăn cách 2 miền Nam - Bắc Hàn. Từ vị trí địa lý đặc biệt ấy nhìn về đất nước mình để thấy chúng ta đã đánh đổi tất cả để đổi lấy điều thiêng liêng nối liền đôi bờ Bến Hải, nơi vĩ tuyến 17 chia cắt suốt 21 năm đằng đẵng…

Đứng ở thời điểm 50 năm sau ngày Bắc - Nam thống nhất, giữa những biến động chính trị trên thế giới, ngoái nhìn lại, tôi càng thêm thấm thía giá trị về sức mạnh nội sinh của dân tộc mình, sự đón gió thời đại và tránh gió thôn tính hậu chiến thật chẳng dễ dàng. 21 năm chia cắt ấy rất có thể sẽ là mãi mãi, nếu…

*

Có một sự thật gắn với cụm từ giản dị “chiến tranh vệ quốc”, đất nước này vẫn ở yên đây, chỉ có những cuộc chiến chinh gồng mình trước những tác động từ bên ngoài, khi các thế lực ngoại biên nắm cán cân hòa bình thế giới coi một quốc gia nhỏ như miếng bánh hợp khẩu vị, chỉ vì ý thức hệ khác nhau mà áp đặt, vì sự tồn tại này mà đi đến hủy diệt sự tồn tại khác. Những thế lực ấy vì lợi ích mà bỏ qua những khác biệt, ngồi lại với nhau để sắp xếp và thỏa hiệp, coi ta như những con bài. Bài học ấy chưa bao giờ cũ.

viber_image_2025-03-20_22-53-35-670.jpg

Chúng ta đã có một ký ức âm nhạc cách mạng, đã phải trải qua những Bước chân trên dải Trường Sơn, để có Bài ca thống nhất, Non sông liền một dải, vẹn toàn một Đất nước bên bờ sóng. Đất nước ở phía Tây Thái Bình Dương chưa bao giờ hết chống chọi với những cơn bão từ biển lớn, những người dân cần lao đã quen “sáng chắn bão giông, chiều ngăn nắng lửa” như hàng ngàn năm qua, còn phải hứng chịu những cơn lốc xoáy của “thời tiết chính trị”, sự xoay trục đảo điên của những đối cực chính trị, thế rồi mũi con thuyền ở phía Đông bán đảo Đông Dương ấy vẫn lựa sóng lựa gió để vững vàng với quan điểm bất biến về độc lập dân tộc, toàn vẹn lãnh thổ.

Tôi cứ mải miết hình dung về con đường ven biển theo dọc dài đất nước như một nét tô theo đường biên trên bộ ở phía điểm đầu của bản đồ hình chữ S, mũi Sa Vĩ đến điểm cuối mũi Cà Mau. Tôi nghĩ về tuyến đường sắt tốc độ cao đi dọc Việt Nam trong tương lai thay cho tuyến đường sắt Bắc - Nam đã oằn mình trong chiến tranh và nặng nhọc vươn mình qua những năm đổi mới. Bây giờ thế giới dù thu lại trong những màn hình điện thoại với những kết nối tức thời, những cập nhật mau lẹ thì tuyến đường sắt ấy vẫn như một biểu tượng hữu hình, như xương sống của một cơ thể chạy dọc qua những miền quê mà mỗi địa danh như một tính từ, như những lát cắt ký ức dọc dài lịch sử mở cõi và cuộc chiến đấu thống nhất non sông.

*

Âm vọng của những tiếng còi tàu luôn dẫn dụ tôi về những miền xa thẳm, nhất là những tiếng còi trên tuyến đường sắt Bắc - Nam, ở đó hình ảnh “con tàu hì hục đuổi theo tiếng còi” (ý một bài thơ của Thái Nam Anh, con của một người lính Cà Mau đi tập kết) như một biểu trưng lam lũ về đất nước mình trong đằng đẵng mấy chục năm hướng về miền Nam. Dọc theo tiếng còi ấy là Nghĩa trang Trường Sơn, Nghĩa trang Đường 9, là tượng Mẹ Suốt chèo đò chở bộ đội qua sông, là tượng Mẹ Thứ tóc bạc trắng tung bay theo gió, ánh mắt vời vợi nhìn ra biển cả, bất khuất và đau thương...

Dọc theo những tiếng còi ấy còn có những dòng sông vắt ngang mình ra biển, là sông Mã với cầu Hàm Rồng, chiếc yết hầu huyết mạch, rốn bom suốt 7-8 năm đứng vững trước bão đạn mưa bom để nối liền mạch máu giao thông Bắc - Nam, là sông Lam với cầu Bến Thủy, là sông Gianh, sông Nhật Lệ… Và con sông ấy - Bến Hải - với bao thổn thức quặn đau.

Năm 2004, tôi có chuyến công tác về Quảng Trị, đi dọc dòng sông Bến Hải, dừng lại bên bến đò Tùng Luật, đứng trên cầu Hiền Lương lịch sử mà tưởng tượng về một thời bên này, bên kia. Ở đó có những hiện vật của một thời, những dàn loa công suất lên đến hàng trăm oát, những chiếc loa mà miệng của nó có đường kính lên đến 2m mà âm thanh có thể làm vỡ kính, từ bờ Nam có thể vượt đất Quảng Trị ra tận Quảng Bình. Cuộc chiến âm thanh và những tiếng pháo dội từ Cồn Tiên, Dốc Miếu khiến nhiều người dân thành nạn nhân khiếm thính của chiến tranh.

viber_image_2025-03-20_22-53-31-284.jpg
Cụm di tích đôi bờ Hiền Lương nhìn từ bờ Nam - nơi cắm cột cờ giới tuyến. Ảnh: KHIẾU MINH

Trong sự ngỡ ngàng của tuổi trẻ ở một vùng đất quá đỗi đặc biệt và xa xót, tôi nghe một cán bộ địa phương nói rằng, tỷ lệ người điếc ở bên bờ Bến Hải cao hơn những nơi khác rất nhiều. Ở Bảo tàng Thành Cổ còn lưu giữ những bức thư của vợ gửi chồng, con gửi cha, anh gửi em với ước mong cháy bỏng một ngày giải phóng miền Nam, non sông về một mối và những người lính được về nhà, trong vòng tay của mẹ. Đứng ở bên bờ Hiền Lương - Bến Hải, chiến tranh như thấm vào da thịt, ý thức về cái giá của sự đoàn tụ dân tộc sao mà lớn lao.

Tôi đến Sư đoàn 968 thuộc Quân khu 4 đóng trên đất Quảng Trị, gặp chàng sĩ quan trẻ quê Hà Nội Trần Văn Nghị. Giữa những câu chuyện của chúng tôi, trong ước mơ của Nghị có hình ảnh con tàu cao tốc Bắc - Nam, để mỗi lần về thăm mẹ được nhanh hơn. Dưới đêm trăng Cam Lộ năm ấy, tôi cũng đã thầm mơ cùng Nghị về con tàu cao tốc với những chuyến đi như gió, chở sự phiêu bồng của tuổi trẻ. Cho đến nay, sau 20 năm tôi chưa gặp lại Nghị.

Tôi nhớ đến anh là bởi tuy giấc mơ của chàng sĩ quan trẻ năm xưa chưa thành hiện thực nhưng nó đã hiện hình đến mức có thể chạm tay vào. Dự án xây dựng tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam vừa được Quốc hội thông qua cuối năm 2024 có tốc độ thiết kế 350km/h, tốc độ khai thác 320km/h. Chuyến tàu của gió năm xưa nay đang hiện hình. Ngày ấy chúng tôi tuổi đôi mươi, có những khát vọng, có những giấc mơ tuổi trẻ. Tuổi trẻ của chúng tôi không được đi trên ước mơ của mình nhưng tuổi trẻ của con em chúng tôi, ước mơ ấy sẽ là hiện thực.

*

Ngày hôm nay tôi đã lại thấy một hình hài của gió khi ngân lên khúc hát về một con tàu mới. Tôi nghĩ về những cơn gió thổi qua đất nước mình. Như Lưu Quang Vũ từng tự vấn qua những vần thơ: Gió và tình yêu thổi trên đất nước tôi/ Chưa xóm mạc đã bắt đầu ngọn gió/ Thổi không yên suốt dọc dài lịch sử/ Qua đất đai và đời sống con người. Thập niên 70 của thế kỷ trước thực sự đã có một cơn lốc thổi dọc dải đất hình chữ S để lại một dấu ấn thời đại. Những năm 1970 ấy cũng đã có một thế hệ sinh ra từ làn gió mới của đất nước, của dân tộc, là thế hệ chúng tôi. Thế hệ ấy bây giờ cũng đã trên dưới 50 tuổi, thế hệ ấy đã lớn lên cùng đất nước, cùng sự thống nhất, toàn vẹn.

Thế hệ ấy như thế hệ chứng nhân, như dấu gạch nối, để nhìn về phía trước, ngoái lại phía sau, cảm nhận những cơn gió thổi qua đất nước mình. Giữa những cơn cuồng phong thời đại, để tìm một hướng đi tận dụng sức gió mà không bị cuốn đi, không bị tàn phá, vẫn đến được nơi cần đến, đâu phải dân tộc nào cũng làm được! Để đến một ngày “gió và tình yêu” lại “thổi trên đất nước tôi” trong lời thơ của nhà thơ họ Lưu: Gió và tình yêu thổi trên đất nước tôi/ Như tiếng gọi ngàn đời không khuất phục/ Đất nước giống như con thuyền xuyên gió mạnh/ Những mối tình trong gió bão tìm nhau.

viber_image_2025-03-20_22-53-43-673.jpg

Không có dân tộc vĩ đại, không có quốc gia nhược tiểu, chỉ có những vĩ đại trong những điều nhỏ bé để làm nên kích cỡ của Tổ quốc mình. Ngày 27-1-1973, Hiệp định Paris về lập lại hòa bình tại Việt Nam được ký kết. Ngày 29-3-1973, người lính chiến đấu cuối cùng, Trung sĩ Max Beilke, đã rời Việt Nam, hoàn thành cuộc rút quân của Mỹ. Hai năm sau đó, Sài Gòn hoàn toàn được giải phóng, đất nước Việt Nam thống nhất. Vượt qua những vết thương của lịch sử, những khác biệt lớn lao, Mỹ xóa bỏ cấm vận, bình thường hóa quan hệ với Việt Nam năm 1995. Và năm 2000, một làn gió mới lại thổi qua dải đất hình chữ S.

Khi ấy tôi đang làm nhiệm vụ người lính tại Trường Sa, mọi tin tức thời sự chỉ biết từ chương trình thời sự buổi tối nhờ vào sóng vệ tinh và máy nổ phát điện. Hôm ấy, cả đảo không thể chờ đến tối, chiếc đài của vị Trạm trưởng Trạm radar của đơn vị mở to nhất có thể, xung quanh là những người lính cùng chụm đầu nghe tường thuật sự kiện Tổng thống Mỹ Bill Clinton thăm Việt Nam. Ông chính là người quyết định bỏ qua những khác biệt, gác lại quá khứ, đặt quan hệ ngoại giao với nước ta.

Trên đảo Trường Sa giữa Biển Đông, chúng tôi cùng nín lặng nghe Đài Tiếng nói Việt Nam phát bài phát biểu của Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu khi tiếp Tổng thống Mỹ. Sau này tôi tìm hiểu về bài phát biểu của Tổng thống Bill Clinton khi đó với một hình ảnh ví von rất hay về một mối quan hệ đặc biệt bắt đầu: “Nay những ký ức băng giá về quá khứ đã bắt đầu tan. Những phác thảo của một tương lai ấm áp chung đã bắt đầu hình thành”. Từ khởi đầu nối tiếp những chuyến thăm, cuộc gặp cấp cao, để rồi đã nâng tầm Đối tác Chiến lược toàn diện vào năm 2023.

Khép lại quá khứ nhiều thương tổn để mở ra tương lai tốt đẹp, lựa chọn hướng đi đúng đắn cho một Việt Nam mới trước những làn gió của thời đại mới, chúng ta vẫn đã và đang nỗ lực. Những làn gió thời đại vẫn thổi, những người con ở vị trí đứng mũi chịu sào, chèo lái con thuyền đất nước vẫn đang tìm đến những làn gió lành, những hướng đi phù hợp để đưa mũi thuyền Tổ quốc nghênh diện năm châu.

*

Tôi có một lời hứa với bản thân, vào dịp kỷ niệm 60 năm thống nhất đất nước, năm 2035, khi tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam nối ga Ngọc Hồi (Hà Nội) với ga Thủ Thiêm (TPHCM) hoàn thành, tôi sẽ nắm trong tay tấm vé của tuổi 60 để nói với tôi tuổi đôi mươi rằng: Tôi đang đi trên giấc mơ tuổi trẻ của thế hệ mình. Tôi tin trên chuyến tàu nối những bờ vui ấy sẽ có những chứng nhân 7X khác, và biết đâu còn có cả chàng sĩ quan Trần Văn Nghị chung giấc mơ về chuyến đi của gió với tôi năm nào…

Tin cùng chuyên mục