Tôn vinh ngành ghép tạng Việt Nam

12 bệnh viện thực hiện ghép tạng với gần 600 trường hợp ghép thận thành công, đặc biệt hơn việc thực hiện các kỹ thuật ghép tạng rất khó như ghép tim, ghép gan, ghép tế bào gốc… cũng đã thực hiện được với kỹ thuật chuyên môn không hề thua kém nhiều nước tiên tiến trên thế giới. Đây là những kết quả nổi bật được công bố tại lễ Kỷ niệm 20 năm ngày tiến hành ca ghép tạng đầu tiên trên người tại Việt Nam (4-6-1992 – 4-6-2012), diễn ra ngày 1-6 tại Bệnh viện Quân y 103, Học viện Quân y.
Tôn vinh ngành ghép tạng Việt Nam

12 bệnh viện thực hiện ghép tạng với gần 600 trường hợp ghép thận thành công, đặc biệt hơn việc thực hiện các kỹ thuật ghép tạng rất khó như ghép tim, ghép gan, ghép tế bào gốc… cũng đã thực hiện được với kỹ thuật chuyên môn không hề thua kém nhiều nước tiên tiến trên thế giới. Đây là những kết quả nổi bật được công bố tại lễ Kỷ niệm 20 năm ngày tiến hành ca ghép tạng đầu tiên trên người tại Việt Nam (4-6-1992 – 4-6-2012), diễn ra ngày 1-6 tại Bệnh viện Quân y 103, Học viện Quân y.

Các bác sĩ đang thực hiện một ca ghép thận ở Bệnh viện Quân y 103. Ảnh: Q. KHÁNH

Các bác sĩ đang thực hiện một ca ghép thận ở Bệnh viện Quân y 103. Ảnh: Q. KHÁNH

Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Xuyên nêu rõ, sau 20 năm kể từ ngày tiến hành ca ghép tạng đầu tiên trên người đến nay chuyên ngành ghép tạng của Việt Nam đã phát triển vượt bậc, với trình độ kỹ thuật, chuyên môn ngang tầm với nhiều nước trên thế giới. Từ chỗ chỉ có Bệnh viện Quân y 103 là cơ sở y tế đầu tiên thực hiện được ghép tạng đến nay cả nước đã có 12 bệnh viện thực hiện được kỹ thuật ghép tạng. Đáng chú ý, trong số này tại nhiều bệnh viện, các kỹ thuật ghép thận, ghép gan, ghép giác mạc… đã trở thành thường quy.

Đặc biệt, Bệnh viện Quân y 103, Bệnh viện Việt Đức, Bệnh viện Trung ương Huế… đã trở thành những cơ sở y tế đi đầu thực hiện thành công lấy ghép đa tạng từ người cho chết não. Từ một người chết não hiến tạng, các bác sĩ đã triển khai cấy ghép đồng thời tim, gan, thận, giác mạc... cho 4 - 5 bệnh nhân. “Việc cho và ghép tạng là một kỳ tích trong y học, rất tiết kiệm, thuận tiện đạt hiệu quả cao và mang ý nghĩa nhân văn lớn lao, góp phần từng bước thay đổi quan niệm chết toàn thây trong cộng đồng…”, Thứ trưởng Bộ Y tế nhấn mạnh.

Thiếu tướng, PGS-TS Hoàng Mạnh An, Giám đốc Bệnh viện Quân y 103, cho biết, sau ca ghép gan đầu tiên vào năm 2004 thực hiện thành công thì đến năm 2010, bệnh viện đã thực hiện được ca ghép tim thành công. Sau 2 thập kỷ, không chỉ có Bệnh viện Quân y 103, nhiều bệnh viện khác cũng đã thực hiện ghép thành công ghép thận, gan, tim… với trên 600 trường hợp được ghép thận, cùng hàng chục ca ghép gan và tim. Nhiều bệnh viện ghép thận có thể thực hiện đồng thời 2 - 3 ca ghép tạng trong cùng ngày với thời gian ghép trung bình là 3 giờ, thời gian nằm viện rút ngắn xuống chỉ còn 8 đến 10 ngày.

Mặc dù chuyên ngành ghép tạng của nước ta đã có tiến bộ vượt bậc nhưng theo đánh giá của Bộ Y tế cùng nhiều chuyên gia y tế thì số bệnh nhân may mắn được ghép tạng để thoát khỏi các bệnh hiểm nghèo vẫn còn quá ít so với nhu cầu thực tế của số người cần được ghép tạng ở nước ta. PGS-TS Hoàng Mạnh An nhấn mạnh, hiện nay trên cả nước có khoảng 6.000 người suy thận mãn cần được ghép thận. Còn theo điều tra sơ bộ mới được thực hiện tại 5 bệnh viện lớn ở Hà Nội cho thấy, có tới 4.143 người mắc bệnh gan có đến 1.353 người được chỉ định ghép gan nhưng vẫn chưa thể ghép được.

Thiếu tướng Hoàng Mạnh An cho biết, lượng người chờ được ghép tạng ở Việt Nam là rất lớn mà không thể được ghép là do nguồn tạng để ghép cho những bệnh nhân mắc bệnh hiểm nghèo này hiện rất ít ỏi, thậm chí là khan hiếm. Từ trước đến nay, đa phần các ca ghép tạng đều cùng huyết thống do chính cha mẹ ruột, anh chị, em... trong gia đình hiến, tặng. Bởi lẽ, người phương Đông, nhất là người Việt Nam lâu nay vẫn nặng quan niệm “sống để đức, chết phải toàn thây”.

Vì vậy, có nhiều trường hợp khi còn sống thì đồng ý hiến tạng nhưng khi mất đi gia đình lại không đồng ý hiến tạng. Trong khi đó, ghép tạng là phương thức điều trị tối ưu trong việc cứu chữa, điều trị cho những bệnh nhân bị bệnh hiểm nghèo giai đoạn cuối như suy gan, suy thận.

Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Xuyên cho rằng, cần phải có sự phối hợp đồng bộ, sự chung tay góp sức của các cấp ngành, tổ chức, cá nhân để làm thay đổi về nhận thức, phong tục tập quán, thói quen của người dân về vấn đề liên quan tới việc hiến tạng, bên cạnh các bệnh viện phải không ngừng hoàn thiện kỹ thuật ghép tạng, cũng như việc điều trị, chăm sóc bệnh nhân ghép tạng. Chính phủ cũng cần có những chính sách hỗ trợ để khuyến khích, động viên việc hiến mô tạng và thiết lập hệ thống quản lý hiến và ghép mô tạng thật hiệu quả.

Dịp này, Đảng và Nhà nước đã trao tặng Huân chương Độc lập hạng ba cho tập thể cán bộ y bác sĩ Bệnh viện Quân y 103, Học viện Quân y để ghi nhận những đóng to lớn trong lĩnh vực ghép tạng. 

KHÁNH NGUYỄN

Tin cùng chuyên mục