Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng: Nâng cao bản lĩnh chính trị, niềm tin của nông dân với Đảng và Nhà nước

Trong bài phát biểu chỉ đạo tại Đại hội Đại biểu toàn quốc Hội Nông dân Việt Nam lần thứ VIII, nhiệm kỳ 2023- 2028, sáng nay (26-12), Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng yêu cầu Hội Nông dân Việt Nam tiếp tục đổi mới mạnh mẽ hơn nữa nội dung, phương thức, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động để phát huy vai trò nông dân là chủ thể, là trung tâm trong phát triển nông nghiệp, kinh tế nông thôn và xây dựng nông thôn mới.

img-4634-699.jpeg
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng phát biểu chỉ đạo đại hội. Ảnh: QUANG PHÚC

Phát biểu chỉ đạo đại hội, thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã chúc mừng và biểu dương những nỗ lực của giai cấp nông dân và của các cấp hội nông dân trong cả nước.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh, Đảng, Nhà nước đánh giá cao những đóng góp quan trọng của nông dân trong sự nghiệp xây dựng và đổi mới đất nước, góp phần vào sự thành công của công cuộc xây dựng nông thôn mới, đưa ngành nông nghiệp, kinh tế nông thôn ngày càng trở thành trụ đỡ vững chắc của nền kinh tế quốc dân, góp phần quan trọng vào sự phát triển chung của đất nước.

“Sự phát triển của khoa học công nghệ, nhất là cách mạng công nghiệp lần thứ 4, gắn với chuyển đổi số, kinh tế số là động lực dẫn dắt xu thế phát triển nông nghiệp, sẽ tác động sâu sắc tới sản xuất, đời sống, việc làm của nông dân. Xu thế biến đổi xã hội nông thôn truyền thống, mặt trái của toàn cầu hóa và không gian mạng cũng là những thách thức lớn đối với việc giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc, đòi hỏi chúng ta phải nâng cao hơn nữa bản lĩnh chính trị, niềm tin của nông dân đối với Đảng và Nhà nước”, Tổng Bí thư nhấn mạnh.

img-4631-7849.jpeg
Tổng Bí thư cùng Chủ tịch nước, Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch Quốc hội và lãnh đạo Đảng, Nhà nước tới dự Đại hội Đại biểu toàn quốc Hội Nông dân Việt Nam lần thứ VIII. Ảnh: QUANG PHÚC

Cùng với những kết quả tích cực, nỗ lực đổi mới nội dung, phương thức hoạt động của Hội Nông dân Việt Nam, Tổng Bí thư cũng chỉ ra một số mặt còn hạn chế và tồn tại, như phong trào nông dân vẫn chưa bắt kịp yêu cầu của thực tiễn tình hình đất nước, chưa theo kịp sự phát triển nhanh chóng của xã hội công nghệ và hội nhập quốc tế sâu rộng. Hoạt động của các cấp hội ở một số nơi còn chậm đổi mới, hiệu quả chưa cao; dịch vụ, tư vấn, hỗ trợ, đào tạo nghề cho nông dân quy mô còn nhỏ, chưa đa dạng.

Bên cạnh đó, việc nắm bắt tâm tư, nguyện vọng, khó khăn, vướng mắc của nông dân có lúc, có nơi chưa kịp thời. Việc phổ biến, thông tin cho hội viên, nông dân về chính sách nhập khẩu của các nước, của thị trường quốc tế, vận động, thu hút các nguồn lực quốc tế hỗ trợ nông dân, nông thôn còn hạn chế. Việc tham gia giám sát, phản biện xã hội hiệu quả chưa cao. Một bộ phận cán bộ hội còn chậm đổi mới tư duy; trình độ, năng lực chưa đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ. Phong trào nông dân phát triển chưa đồng đều; sự hợp tác, liên kết sản xuất kinh doanh còn thiếu bền vững. An ninh nông thôn một số nơi còn tiềm ẩn nhiều yếu tố bất ổn, nhất là ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số...

img-4635-1331.jpeg
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng phát biểu chỉ đạo Đại hội Đại biểu toàn quốc Hội Nông dân Việt Nam lần thứ VIII. Ảnh: QUANG PHÚC

Trong bối cảnh phát triển nền nông nghiệp sinh thái, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng lưu ý người nông dân cần có những thay đổi trong tư duy và hành động để thực sự là chủ thể, là trung tâm của quá trình phát triển nông nghiệp, kinh tế nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cũng đặt ra vấn đề: Trong xu thế số lượng nông dân làm nông nghiệp giảm và già hóa, lao động dư thừa ở các đô thị, khu công nghiệp sẽ di chuyển về nông thôn tìm sinh kế từ nông nghiệp. Do đó, các cấp Hội Nông dân Việt Nam cần đổi mới phương thức hoạt động để ngang tầm với nhiệm vụ; đủ sức đồng hành, giúp sức, hỗ trợ nông dân trong 5 năm tới và xa hơn nữa trong xây dựng giai cấp nông dân Việt Nam vững mạnh, cùng cả nước hướng tới mục tiêu trở thành một nước có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao vào năm 2030 và là nước phát triển, thu nhập cao vào năm 2045.

Vì vậy, Tổng Bí thư yêu cầu Hội Nông dân Việt Nam cần tiếp tục đổi mới mạnh mẽ hơn nữa nội dung, phương thức, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của hội; xây dựng Hội Nông dân Việt Nam ngày càng vững mạnh, thực sự là tổ chức đại diện cho quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của nông dân; phát huy thật tốt vai trò là trung tâm, nòng cốt cho phong trào nông dân, là cầu nối giữa nông dân với Đảng, Nhà nước; là nhân tố tích cực trong khối đại đoàn kết toàn dân tộc, liên minh “công nhân - nông dân - trí thức”; chủ động, tích cực hội nhập và nâng cao hiệu quả hợp tác quốc tế, đối ngoại nhân dân.

img-4643-691.jpeg
img-4642-5308.jpeg
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và lãnh đạo Đảng, Nhà nước chụp ảnh lưu niệm với các đại biểu dự Đại hội Đại biểu toàn quốc Hội Nông dân Việt Nam, sáng 26-12. Ảnh: QUANG PHÚC

Tổng Bí thư yêu cầu, việc đổi mới nội dung, phương thức hoạt động của hội phải đáp ứng được yêu cầu nâng cao trình độ, đời sống vật chất và tinh thần của nông dân cùng với sự phát triển của đất nước; phát huy vai trò nông dân là chủ thể, là trung tâm trong phát triển nông nghiệp, kinh tế nông thôn và xây dựng nông thôn mới, tăng cường dân chủ ở cơ sở, giữ vững ổn định chính trị, bảo đảm quốc phòng, an ninh; tích cực hội nhập quốc tế, giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, bảo vệ môi trường sinh thái của đất nước.

Các cấp hội cần tích cực tham gia phát triển kinh tế tập thể trong nông nghiệp, tập trung vận động, hướng dẫn, hỗ trợ nông dân thành lập các tổ hợp tác, hợp tác xã; triển khai có hiệu quả các mô hình liên kết, hợp tác theo chuỗi giá trị; hướng dẫn nông dân tích cực tham gia xây dựng nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu, thông minh, ứng dụng công nghệ số...

img-4641-196.jpeg
Các đại biểu dự đại hội tham quan gian hàng OCOP trưng bày tại đại hội. Ảnh: QUANG PHÚC

Cùng với đó, các cấp hội cần tiếp tục củng cố, kiện toàn tổ chức bảo đảm tinh gọn, hoạt động hiệu quả, sáng tạo.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cũng yêu cầu đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả tham gia giám sát và phản biện xã hội của hội nông dân các cấp, nhất là các nội dung liên quan về nông nghiệp, nông dân, nông thôn; tham gia giám sát hoạt động của chính quyền, thực hiện công vụ của đảng viên, cán bộ, công chức.

Hội Nông dân các cấp phát huy quyền làm chủ của nông dân ở cơ sở, tham gia giải quyết, hòa giải những mâu thuẫn trong nội bộ nông thôn, giải quyết những khó khăn, bức xúc của nông dân, giữ gìn sự đoàn kết; tích cực tham gia xây dựng các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước; tuyên truyền, vận động nông dân, ngư dân tích cực tham gia xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, bảo đảm quốc phòng, an ninh, giữ vững độc lập dân tộc và toàn vẹn chủ quyền lãnh thổ, biển, đảo của đất nước.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tin tưởng sau đại hội này, công tác hội và phong trào nông dân sẽ có bước phát triển mới, mạnh mẽ hơn, sáng tạo hơn nữa, đóng góp xứng đáng để thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và các Nghị quyết Hội nghị Trung ương Đảng khóa XIII, góp phần cùng toàn Đảng, toàn quân và toàn dân giữ vững và phát huy các thành quả cách mạng, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc ngày càng giàu đẹp, hùng cường; tất cả vì một nước Việt Nam phồn vinh, hạnh phúc, dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.

Tin cùng chuyên mục