Sáng 30-10 tại Nhà hát Thành phố đã diễn ra lễ kỷ niệm 40 năm thành lập Hội Điện ảnh TPHCM (28-10-1982 – 28-10-2022).
Tham dự sự kiện có các đồng chí: Nguyễn Văn Hiếu, Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy TPHCM; Nguyễn Thọ Truyền, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy TPHCM; Trần Thế Thuận, Giám đốc Sở VH-TT TPHCM; Ngô Thanh Sơn, Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam TPHCM…
Trong bài phát biểu tại lễ kỷ niệm, Giám đốc Sở VH-TT TPHCM Trần Thế Thuận nhấn mạnh, từ ngày đầu thành lập chỉ với 100 hội viên đến nay Hội Điện ảnh TPHCM đã thực sự lớn mạnh và trưởng thành trên mọi phương diện với hơn 800 hội viên đang hoạt động trên tất cả các lĩnh vực: sáng tác, biểu diễn, kỹ thuật, quản lý, kinh doanh…
“Hội Điện ảnh Thành phố đã không ngừng nỗ lực, góp phần xây dựng nền điện ảnh cách mạng đạt được những thành tựu to lớn, bắt nhịp cùng công cuộc hội nhập quốc tế và phát triển mạnh mẽ. Sự nghiệp xã hội hóa điện ảnh ở TPHCM đã phát triển tiên phong và đạt nhiều thành công lớn; đã khuyến khích, phát huy vai trò của các doanh nghiệp, nhà đầu tư trong việc xây dựng rạp chiếu, sản xuất phim, xuất nhập khẩu, phát hành và phổ biến phim, xây dựng cơ sở vật chất cho sản xuất phim và xây dựng đội ngũ làm phim”, Giám đốc Sở VH-TT nhấn mạnh.
Đề nghị hội tiếp tục quan tâm và có kế hoạch thực hiện tốt các nội dung đẩy mạnh thực hiện Chương trình hành động 45-CTHĐ/TU của Thành ủy về thực hiện Nghị quyết 33-NQ/TW Hội nghị lần thứ IX Ban chấp hành Trung ương khóa XI về “Xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước”; Chương trình hành động 45-CTHĐ/TU của Thành ủy về thực hiện Nghị quyết 23-NQ/TW của Bộ Chính trị về “Tiếp tục xây dựng và phát triển văn học, nghệ thuật trong thời kỳ mới”.
Xây dựng các hoạt động và công tác hội với trọng tâm sáng tạo nhiều tác phẩm điện ảnh và truyền hình có sức hấp dẫn, sức lan tỏa sâu rộng trong công chúng, có những chuyển đổi phù hợp với xu hướng và quy luật khách quan, vừa làm nhiệm vụ phục vụ chính trị vừa đáp ứng nhu cầu giải trí lành mạnh của công chúng, đồng thời phải có chiến lược xuất khẩu các tác phẩm điện ảnh ra thị trường quốc tế, nhằm quảng bá văn hóa Việt Nam ra thế giới.
Ngoài ra cần làm tốt công tác chăm sóc hội viên, nâng cao vai trò tập hợp, đoàn kết, giữ vững định hướng của Đảng, thực hiện nhiệm vụ chính trị trong hoạt động văn học nghệ thuật; góp phần định hướng, giáo dục chính trị tư tưởng trong sáng tác, quảng bá cho đội ngũ hội viên. Đồng thời xây dựng tổ chức hội mạnh cả về chất lượng.
Hội cũng cần quan tâm nhiều hơn đến việc xây dựng, đề xuất các chính sách tôn vinh, khen thưởng các tác phẩm điện ảnh và truyền hình có giá trị cao về tư tưởng và thẩm mỹ nghệ thuật, tính nhân văn, tôn vinh đội ngũ những người làm điện ảnh một cách phù hợp tình hình thực tiễn của phát triển kinh tế - xã hội.
Đồng thời tổ chức các sinh hoạt điện ảnh với quy mô lớn, vừa giao lưu, xem phim và bình phim; trao giải thưởng theo chuyên đề cho từng loại; tổ chức các cuộc thi kịch bản; sản xuất phim thể nghiệm, phim đầu tay; thi tài năng trẻ; thi tuyển diễn viên. Bên cạnh đó cũng chú trọng công tác lý luận - phê bình nhằm định hướng nhận thức giá trị nội dung của tác phẩm và giáo dục chức năng thẩm mỹ, góp phần xây dựng đội ngũ lý luận phê bình chuyên nghiệp.
Cũng theo Giám đốc Sở VH-TT, sẽ sớm triển khai việc phối hợp với Hội Điện ảnh và các cơ quan liên quan tổ chức những sự kiện điện ảnh phù hợp với đặc trưng của thành phố, không trùng lặp với những sự kiện đã có, đặc biệt chú trọng khai thác nguồn lực xã hội hóa. Xây dựng đề án cho những LHP mang dấu ấn riêng của thành phố: đề tài thiếu nhi, môi trường,... theo định kỳ.
Tại lễ kỷ niệm, phía Hội Điện ảnh TPHCM đã trình chiếu một phim ngắn ghi lại lịch sử 40 năm hình thành và phát triển.
Ngày 30-10-1982, UBND TPHCM đã chính thức thành lập Hội Điện ảnh TPHCM gồm những người làm công tác sáng tác nghệ thuật, kỹ thuật, lý luận phê bình, tuyên truyền phát hành phim… do cố đạo diễn – NSND Mai Lộc làm tổng thư ký đầu tiên.
Trong 40 năm qua, hội đã tổ chức nhiều hoạt động chính trị nghề nghiệp, đúng với chức năng nhiệm vụ: chủ động thực hiện và hoàn thành tốt các công tác hội; có nhiều hoạt động nhằm tập hợp hội viên, bồi dưỡng nâng cao trình độ và kỹ năng chuyên môn; không ngừng lao động sáng tạo nghệ thuật, đoàn kết, giữ vững định hướng của Đảng, thực hiện nhiệm vụ chính trị trong hoạt động văn học nghệ thuật; góp phần định hướng, giáo dục chính trị tư tưởng, xây dựng mối quan hệ xã hội và con người mới xã hội chủ nghĩa.
Ngay từ những ngày đầu thành lập, hội đã có rất nhiều phim tài liệu, hoạt hình, phim truyện điện ảnh được thực hiện với chất lượng nội dung, nghệ thuật tốt mà nòng cốt là phim của Xí nghiệp phim Tổng hợp, tiền thân là Xưởng phim Giải Phóng.
Có thể kể đến các tác phẩm kinh điển như: Ván bài lật ngửa, Vị đắng tình yêu, Gấu cổ trắng, Mùa gió chướng, Cánh đồng hoang, Dấu ấn của quỷ, Ai xuôi vạn lý, Chung cư, Mùa len trâu, Trăng nơi đáy giếng…
Năm 1985, Hội Điện ảnh tổ chức hội thi phim thành phố lần đầu tiên rất thành công. Các lớp đào tạo phim ngắn, hay cuộc thi tuyển chọn diễn viên điện ảnh Ngôi sao ngày mai được tổ chức từ năm 1991 cũng góp phần tạo nên nhiều gương mặt nghệ sĩ điện ảnh tên tuổi.
Sau này, khi TPHCM trở thành trung tâm điện ảnh của cả nước, xã hội hóa điện ảnh cũng tạo nên phong trào sôi động với sự tham gia của nhiều đơn vị sản xuất tư nhân, tạo nên những tác phẩm gây tiếng vang: Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh, Song lang, Cô ba Sài Gòn…
Tại sự kiện, Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật TPHCM đã trao giấy khen cho 10 chi hội và 40 hội viên tiêu biểu có những đóng góp tích cực trong hoạt động công tác hội của Hội Điện ảnh TPHCM.