TPHCM có nhiều lợi thế xây dựng trung tâm y tế chuyên sâu

Việc thành lập và sớm đi vào hoạt động một trung tâm tầm soát, chẩn đoán bệnh sớm bằng công nghệ cao sẽ đáp ứng mong đợi của người dân TPHCM, cung cấp thêm một loại hình cung ứng dịch vụ du lịch y tế cho người dân trong khu vực các tỉnh, thành phía Nam và khu vực ASEAN.
Bệnh viện Ung bướu (số 3, đường Nơ Trang Long) sẽ trở thành địa điểm xây dựng trung tâm y tế chuyên sâu
Bệnh viện Ung bướu (số 3, đường Nơ Trang Long) sẽ trở thành địa điểm xây dựng trung tâm y tế chuyên sâu

Ngày 6-2, Sở Y tế TPHCM cho biết, dự kiến ngày 10-2, sở sẽ tổ chức hội thảo lắng nghe các ý kiến của các chuyên gia về quản lý nhà nước thuộc các lĩnh vực; nguyện vọng, ý kiến của các bệnh viện đầu ngành và nhà đầu tư; kiến nghị các cơ chế, chính sách để huy động nguồn lực xã hội tham gia xây dựng một trung tâm y tế chuyên sâu của thành phố ngang tầm các nước trong khu vực ASEAN.

Theo Sở Y tế TPHCM, để triển khai một trung tâm tầm soát và chẩn đoán bệnh sớm bằng công nghệ cao, cần quy hoạch đất để xây dựng mới cơ sở hạ tầng đáp ứng yêu cầu của một trung tâm chuyên tầm soát và chẩn đoán sớm bệnh; đầu tư các trang thiết bị mới, hiện đại giúp phát hiện sớm các bệnh (ưu tiên các bệnh nguy hiểm như: ung thư, tim mạch...).

Bên cạnh đó là nguồn nhân lực chuyên môn vận hành các trang thiết bị hiện đại, tư vấn hướng điều trị khi phát hiện bệnh; nghiên cứu, học tập kinh nghiệm trong và ngoài nước về tổ chức, quản lý, vận hành một trung tâm chẩn đoán bằng công nghệ cao và sự phối hợp chặt chẽ giữa trung tâm với các bệnh viện trong sử dụng nguồn nhân lực chuyên khoa sâu, giới thiệu và tiếp nhận điều trị khi phát hiện ra bệnh...

Đối chiếu với năng lực của ngành y tế TPHCM, Sở Y tế nhận thấy TPHCM có những lợi thế: về đất để xây dựng trung tâm có thể sử dụng đất tại cơ sở cũ của Bệnh viện Ung bướu (số 3, đường Nơ Trang Long), do bệnh viện đã dời sang cơ sở mới.

Về nhân lực chuyên môn của TPHCM hoàn toàn có thể đáp ứng khi có cơ chế 2 huy động sự tham gia của các bệnh viện chuyên khoa, đa khoa tuyến cuối của TPHCM. Về sự phối hợp giữa trung tâm và các bệnh viện cũng là điểm thuận lợi khi có cơ chế rõ ràng.

Tuy nhiên, việc huy động ngân sách hay huy động nguồn lực tư nhân cùng tham gia để xây dựng và đầu tư các trang thiết bị mới, hiện đại là vấn đề rất cần các sở, ngành góp ý cho ngành y tế để có thể xây dựng đề án trình UBND TPHCM phê duyệt thực hiện.

Theo Sở Y tế TPHCM, đến nay, các bệnh viện trên địa bàn TPHCM, bao gồm các bệnh viện trực thuộc Bộ Y tế và bệnh viện đa khoa, chuyên khoa của TPHCM, đã không ngừng phát triển các kỹ thuật chuyên sâu thuộc nhiều chuyên khoa khác nhau nhằm đáp ứng nhu cầu khám chữa bệnh của người dân TPHCM và các tỉnh, thành khu vực phía Nam.

Tuy nhiên, một nhu cầu thiết thực của người dân về tầm soát sức khỏe và phát hiện sớm các bệnh nguy hiểm bằng công nghệ cao vẫn chưa đáp ứng nhu cầu về số lượng của người dân.

Việc thành lập và sớm đi vào hoạt động một trung tâm tầm soát và chẩn đoán bệnh sớm bằng công nghệ cao trên địa bàn TPHCM không những đáp ứng mong đợi của người dân mà còn cung cấp thêm cho TPHCM một loại hình cung ứng dịch vụ du lịch y tế cho người dân trong khu vực các tỉnh, thành phía Nam và khu vực các nước ASEAN trong tương lại không xa.

Tin cùng chuyên mục