TPHCM: Miễn dịch cộng đồng với SARS-CoV-2 có xu hướng giảm

Miễn dịch cộng đồng với SARS-CoV-2 của người dân thành phố từ 98,7% vào tháng 9-2022 nay giảm xuống còn 96,7%
Nhân viên y tế tiêm vaccine cho người dân
Nhân viên y tế tiêm vaccine cho người dân

Ngày 18-4, Sở Y tế TPHCM cho biết, số ca mắc Covid-19 bắt đầu có dấu hiệu tăng nhẹ, hầu hết tập trung ở người cao tuổi, cùng với sự xuất hiện của biến thể phụ XBB.1.5 và miễn dịch cộng đồng đối với Covid-19 đang bắt đầu có xu hướng giảm ngành y tế đang xem xét kích hoạt trở lại “Chiến dịch bảo vệ người thuộc nhóm nguy cơ”.

Cụ thể, miễn dịch với SARS-CoV-2 của người dân thành phố từ 98,7% vào tháng 9-2022 nay giảm xuống còn 96,7%. Việc kích hoạt trở lại “Chiến dịch bảo vệ người thuộc nhóm nguy cơ” cần được xem xét trong bối cảnh hiện nay. Đây là chiến dịch được triển khai hiệu quả trong thời gian dịch bùng phát vừa qua.

Điểm nổi bật của chiến dịch là sau 1 tháng triển khai, Thành phố đã lập danh sách 639.972 người thuộc nhóm nguy cơ, trong đó, phát hiện 25.642 người chưa tiêm vaccine Covid-19 (chiếm tỷ lệ 4,0%), xét nghiệm tầm soát phát hiện 5.437 người mắc Covid-19 (chiếm tỷ lệ 0,8%).

Qua chiến dịch, người chưa tiêm vaccine đã được thuyết phục tiêm tại nhà hoặc tại cơ sở y tế, người mắc Covid-19 nhưng không biết đã được điều trị bằng thuốc kháng virus, nhờ đó đã kéo giảm rõ rệt số trường hợp tử vong.

Qua phân tích các trường hợp tử vong do Covid-19 trên địa bàn Thành phố cho thấy phần lớn các trường hợp tử vong tập trung ở nhóm người trên 50 tuổi, có bệnh nền, chưa được tiêm chủng, chưa được sử dụng thuốc kháng virus trước đó.

Sở Y tế TPHCM nhận thấy việc ngăn ngừa những người thuộc nhóm nguy cơ bị nhiễm Covid-19, phát hiện sớm người thuộc nhóm nguy cơ bị nhiễm Covid-19 để kịp thời điều trị đặc hiệu với thuốc kháng virus và theo dõi sức khỏe nhằm hạn chế thấp nhất các trường hợp tử vong là vấn đề cốt lõi và cấp thiết trong thời điểm lúc bấy giờ.

Tiếp nối những thành công của chiến dịch, TPHCM tiếp tục triển khai giai đoạn 2 của Chiến dịch cho đến hết năm 2022, theo đó đối tượng người thuộc nhóm nguy cơ sẽ được mở rộng theo chỉ đạo của Bộ Y tế (người có bệnh nền, người trên 50 tuổi, phụ nữ có thai, người trên 18 tuổi chưa tiêm đủ vaccine Covid-19)...

Trước thực trạng, số ca mắc đang có dấu hiệu tăng nhẹ và tập trung ở người cao tuổi như hiện nay; cùng với sự xuất hiện của biến thể phụ XBB.1.5 và miễn dịch cộng đồng đối với Covid-19 đang bắt đầu có xu hướng giảm, việc kích hoạt trở lại “Chiến dịch bảo vệ người thuộc nhóm nguy cơ” là cần thiết”, đại diện Sở Y tế nhìn nhận.

Tin cùng chuyên mục