TPHCM: Nhiều giải pháp sáng tạo giúp phát triển y tế cơ sở

Tại buổi giao ban trực tuyến với các quận huyện và TP Thủ Đức chuyên về y tế cơ sở nhằm cập nhật, thống nhất và thúc đẩy triển khai các giải pháp củng cố y tế cơ sở trên địa bàn thành phố được tổ chức vừa qua, PGS-TS-BS Tăng Chí Thượng, Giám đốc Sở Y tế TPHCM cho biết, nhiều giải pháp sáng tạo giúp phát triển y tế cơ sở được các đơn vị đưa ra bàn luận và tập trung đẩy mạnh trong thời gian tới.

Nhân viên y tế thăm khám sức khỏe cho người dân
Nhân viên y tế thăm khám sức khỏe cho người dân

Cụ thể, tập trung vào các vấn đề chính như: hướng dẫn quy trình tuyển chọn cộng tác viên sức khỏe cộng đồng (CTV) hướng đến mục tiêu phát triển mạng lưới rộng khắp với hơn 16.000 cộng tác viên sức khỏe cộng đồng; triển khai chương trình khám sức khỏe, tầm soát bệnh không lây dành cho người cao tuổi đang sinh sống trên địa bàn thành phố trong năm 2024; xây dựng và triển khai bộ tiêu chí đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ chăm sóc sức khỏe theo địa bàn quận, huyện trong năm 2024 và điều chỉnh chương trình thí điểm thực hành tại bệnh viện gắn liền với trạm y tế dành cho các bác sĩ mới tốt nghiệp cho phù hợp với Luật Khám, chữa bệnh có hiệu lực từ tháng 1-2024.

Theo PGS-TS-BS Tăng Chí Thượng, Sở Y tế ghi nhận và hoan nghênh quận Bình Tân và Bình Thạnh đã chủ động triển khai tuyển chọn cộng tác viên sức khỏe cộng đồng, cụ thể là quận Bình Tân đã tuyển chọn được 256 CTV (trong tổng số 1.499 CTV theo kế hoạch) và quận Bình Thạnh tuyển chọn được 138 CTV (trong tổng số 1.000 CTV theo kế hoạch).

Sở Y tế yêu cầu các UBND quận, huyện còn lại khẩn trương triển khai quy trình tuyển chọn CTV sức khỏe cộng đồng theo hướng dẫn của ngành y tế, đảm bảo mỗi 150-200 hộ dân ở khu vực nội thành và 100-150 hộ dân ở khu vực ngoại thành có 1 CTV.

"Theo kế hoạch của Sở Y tế, kể từ tháng 3-2024, các khóa tập huấn dành cho CTV sức khỏe cộng đồng sẽ được triển khai, Sở Y tế phân công Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TPHCM (HCDC) đảm trách hoạt động này. Đồng thời, đề nghị UBND phường, xã mỗi năm đánh giá kết quả hoạt động của từng CTV sức khỏe cộng đồng và bổ sung lực lượng này (khi cần)", PGS-TS Tăng Chí Thượng thông tin.

Đối với chương trình khám sức khỏe, tầm soát bệnh không lây dành cho người cao tuổi đang sinh sống trên địa bàn thành phố trong năm 2024, Sở Y tế đề nghị UBND các quận huyện, TP Thủ Đức xây dựng kế hoạch triển khai khám sức khỏe theo Kế hoạch của UBND TPHCM đã ban hành, qua đó chủ động phát hiện sớm bệnh không lây nhiễm ở người cao tuổi để tư vấn, điều trị và quản lý.

Sở Y tế yêu cầu UBND các quận, huyện dự toán kinh phí cho hoạt động khám sức khỏe người cao tuổi, gửi về Chi Cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình để tổng hợp báo cáo Sở Y tế. Căn cứ vào kế hoạch và dự toán này, Sở Y tế sẽ phối hợp Sở Tài chính tham mưu UBND TPHCM bố trí kinh phí thực hiện trong năm 2024.

Sở Y tế lưu ý các địa phương cần tuân thủ theo đúng hướng dẫn đã được triển khai trong năm 2023, đảm bảo tất cả người cao tuổi trên địa bàn mắc/nghi ngờ mắc các bệnh không lây nhiễm sau khám sức khỏe được quản lý, chăm sóc và điều trị bệnh, thực hiện chuyển đổi số dữ liệu khám sức khỏe của người dân, và chỉ được thanh quyết toán kinh phí sau khi thực hiện chuyển đổi số đầy đủ dữ liệu khám sức khỏe theo quy định.

Về kiến nghị điều chỉnh chương trình thí điểm thực hành tại bệnh viện gắn liền với trạm y tế dành cho các bác sĩ mới tốt nghiệp cho phù hợp với Luật Khám, chữa bệnh có hiệu lực từ tháng 1-2024, theo PGS-TS Tăng Chí Thượng, qua thực tiễn hơn hai năm triển khai thí điểm chương trình thực hành tại bệnh viện gắn liền với trạm y tế dành cho các bác sĩ mới tốt nghiệp cho thấy việc tăng cường lực lượng bác sĩ trẻ cho trạm y tế đã góp phần nâng cao chất lượng khám chữa bệnh ban đầu cho người dân tại trạm y tế, và giúp cho các bác sĩ trẻ hiểu hơn và có thêm trải nghiệm thực tế trong sự nghiệp chăm sóc sức khỏe ccộng đồng.

Tuy nhiên, theo quy định mới của Luật Khám bệnh, chữa bệnh 2023 (có hiệu lực từ ngày 1-1-2024), Sở Y tế sẽ tham mưu UBND TPHCM điều chỉnh chương trình thực hành đối với các bác sĩ tham gia đợt 3 (tổng số lượng 164 bác sĩ) như sau: các bác sĩ sẽ thực hành liên tục 12 tháng tại bệnh viện và được cấp Giấy phép hành nghề bác sĩ tham gia chương trình nếu hội đủ điều kiện (không phải đóng học phí), và được hỗ trợ 100% kinh phí thực hành.

Sau khi được cấp giấy phép hành nghề tiếp tục tham gia hành nghề khám bệnh, chữa bệnh 6 tháng tại trạm y tế và được hưởng chính sách hỗ trợ 60.000.000 đồng theo Nghị quyết 01/2022/NQ-HĐND.

Tin cùng chuyên mục