TPHCM phong tỏa nhiều khu vực

Sáng 8-2, liên quan đến các ca mắc mới Covid-19 và dương tính lần 1 với SARS-CoV-2 trên địa bàn, Bộ Y tế đã có cuộc họp khẩn với UBND TPHCM. 

Tại điểm cầu Bộ Y tế có Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long và Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn chủ trì. Tại đầu cầu UBND TPHCM có các đồng chí: Nguyễn Thành Phong, Ủy viên Ban chấp hành Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND TPHCM; Dương Anh Đức, Phó Chủ tịch UBND TPHCM chủ trì.

Các trường hợp xác định dương tính đều đang cách ly tập trung

Báo cáo tại cuộc họp, GS-TS Nguyễn Tấn Bỉnh, Giám đốc Sở Y tế TPHCM cho biết, ngoài 4 trường hợp mắc Covid-19 đã được Bộ Y tế công bố, đến sáng nay, TPHCM xác định thêm 24 trường hợp dương tính lần 1 với SARS-CoV-2.

Quang cảnh buổi họp tại điểm cầu TPHCM. Ảnh: THÀNH AN

Tất cả các trường hợp được xác định dương tính đã được chuyển đến khu cách ly tập trung. Hiện HCDC đang tiếp tục điều tra truy vết đối với các trường hợp tiếp xúc. Nhiều điểm trên địa bàn thành phố đang được phong tỏa, cách ly. 

TPHCM phong tỏa nhiều khu vực ảnh 2
Cụ thể, liên quan đến bệnh nhân 1.979 và 20 trường hợp nghi ngờ mắc Covid-19 tại sân bay Tân Sơn Nhất, ngành y tế đã khẩn trương thực hiện xét nghiệm tầm soát cho hơn 1.000 nhân viên sân bay Tân Sơn Nhất (tổng cộng 7.300 nhân viên) bằng phương pháp gộp mẫu (5 mẫu/ống nghiệm).

Khi ghi nhận có 4 ống nghiệm cho kết quả dương tính với SARS-CoV-2, trong khi thực hiện lấy mẫu lần 2 của 20 người trong nhóm này để xét nghiệm xác định, ngành y tế đồng thời tiến hành điều tra truy vết các trường hợp tiếp xúc gần với những người đang nghi ngờ nhiễm bệnh.

Ngoài ra tiếp tục điều tra tìm kiếm, xét nghiệm kiểm tra người tiếp xúc với bệnh nhân 1.979. Bước đầu tiếp cận được 149 người tiếp xúc để cách ly y tế và xét nghiệm kiểm tra.

Kết quả xét nghiệm lại 20 người nghi ngờ đã xác định được 4 người nhiễm SARS-CoV-2 là nhân viên của đơn vị phục vụ sân đỗ tại sân bay Tân Sơn Nhất (bệnh nhân 2.002, 2.003, 2.004 và 2.005). Đây là những bệnh nhân làm việc tại sân bay Tân Sơn Nhất chung một đội xếp dỡ với bệnh nhân 1.979, giám sát hàng hoá tại sân đỗ máy bay, không tiếp xúc hành khách. Tiến hành điều tra dịch tễ, truy vết, khoanh vùng các trường hợp tiếp xúc tại sân bay, cộng đồng nơi các bệnh nhân sinh sống.

Tại nơi bệnh nhân 2.002, 2.003, 2.004 và 2.005 sinh sống đã xác minh tổng cộng 26 trường hợp tiếp xúc gần, chuyển cách ly và đang chờ kết quả xét nghiệm. Tiếp tục điều tra xác minh thêm 102 trường hợp tiếp xúc theo lời khai của 4 bệnh nhân này.

Xét nghiệm 149 người tiếp xúc với bệnh nhân 1.979 và 20 ca nghi ngờ, phát hiện 24 trường hợp dương tính lần 1 với SARS-CoV-2.

Các ca mắc tại TPHCM không có biểu hiện, triệu chứng

Theo PGS-TS Phan Trọng Lân, Viện trưởng Viện Pasteur TPHCM, hầu hết các ca mắc mới Covid-19 của TPHCM không có biểu hiện, triệu chứng nên việc gấp rút kiểm soát các địa bàn, xét nghiệm, tầm soát là vô cùng quan trọng. TPHCM đã phản ứng rất nhanh, lấy mẫu trên diện rộng. Các ca bệnh mới phát hiện không có triệu chứng, đây là giai đoạn đầu của các ca bệnh nên cần phải gấp rút kiểm soát các điểm xuất hiện ca bệnh. 

Phát biểu tại cuộc họp, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho rằng, các ca Covid-19 trong khu vực bốc xếp, vận chuyển hàng hóa của sân bay Tân Sơn Nhất có thể đã xuất hiện từ trước đây, đã có những ca nhiễm nhưng không phát hiện ra được.

Theo Bộ trưởng Bộ Y tế, ổ dịch trong khu bốc xếp đã có từ trước, 24 ca vừa báo cáo, 4 ca công bố sáng nay và bệnh nhân 1.979 chỉ là các ca mới mắc. Hiện tình hình dịch khá phức tạp vì đã trải qua các chu kỳ lây nhiễm, trong khi chưa xác định được điểm đầu lây nhiễm, TPHCM có thể sẽ có thêm các trường hợp nhiễm trong thời gian tới, không dừng ở con số 29 như hiện nay (bệnh nhân 1.979, 2.002, 2.003, 2.004, 2.005 và 24 ca nghi nhiễm – PV).

Mặc dù nhóm nhân viên vận chuyển hàng hóa không tiếp xúc, lây sang nhóm hành khách hoặc phục vụ mặt đất ở sân bay nhưng tiếp xúc của nhóm này với cộng đồng rất lớn, nguy cơ lây nhiễm khá phức tạp. 

Người đứng đầu ngành y tế yêu cầu TPHCM cần có hành động quyết liệt, nhanh chóng, cần nâng cao hơn 1 mức, mạnh hơn 1 mức. Phải xác định các trường hợp là công nhân, người thân trong gia đình nhân viên khu vận chuyển hàng hóa là nguy cơ cao nhất, coi đây là các trường hợp nghi nhiễm; phải truy vết tất cả các công nhân làm cùng nhau trong khu vực đó (khoảng 60 người), sau đó làm rộng ra.

TP phải khoanh vùng nhanh tất cả địa bàn có người nhiễm, lấy mẫu triệt để trên diện rộng các trường hợp liên quan đến ca bệnh, sau đó thu hẹp lại khoảng cách phong tỏa để đỡ ảnh hưởng đến người dân. 

Để thực hiện được xét nghiệm nhanh, Bộ trưởng Bộ Y tế đề nghị các F1 phải xét nghiệm đơn còn cộng đồng làm gộp mẫu.

TPHCM cần phải lấy mẫu theo cụm gia đình, như khu Mả Lạng có 775 hộ gia đình, mỗi hộ sẽ lấy mẫu để chung trong 1 ống, nếu mẫu nào dương tính thì đưa toàn bộ gia đình đó đi cách ly và lấy mẫu lần 2. Như vậy mới đẩy nhanh được tốc độ xét nghiệm và tầm soát.

"Dịch đã lan ra cộng đồng, vì thế thành phố cần quyết định chọn địa điểm để áp dụng Chỉ thị 15 hoặc Chỉ thị 16 đối với từng khu vực để tăng cấp độ khoanh vùng, truy vết ổ dịch. Phải đi nhanh hơn dịch, không thể đi sau dịch. TP cần đảm bảo thực hiện theo đúng chỉ đạo của Chính phủ", Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long nhấn mạnh.

TPHCM dốc toàn lực chống dịch

Phát biểu chỉ đạo tại buổi làm việc, Chủ tịch UBND Nguyễn Thành Phong cho rằng, nguy cơ dịch bệnh lây nhiễm trên địa bàn TPHCM hiện nay là vô cùng phức tạp, các đơn vị cần điều tra, tìm hiểu kỹ nơi ổ dịch bắt nguồn, vì chỉ có nắm được nơi khởi phát mới có các biện pháp phòng, chống hiệu quả.

“Cần nhanh chóng kiểm tra các trường hợp tiếp xúc. Bắt đầu từ bệnh nhân 1.979 lây cho người thân, người tiếp xúc, chúng ta cần phải khoanh vùng sớm, chặn đứng chuỗi lây nhiễm. Ngoài ra, sân bay Tân Sơn Nhất có nhiều đơn vị bốc xếp, do đó, cần xác định dịch từ đâu để có biện pháp quyết liệt. Các quận: Bình Thạnh, 1, Gò Vấp, Bình Tân, Tân Bình cần khoanh vùng thật nhanh để tiếp tục truy vết, kiểm tra. Các đồng chí lãnh đạo không được ra khỏi TP, báo sớm với gia đình về việc không về quê, phải dành thời gian tập trung toàn lực cho TP để chống dịch”, đồng chí Nguyễn Thành Phong yêu cầu.

TPHCM phong tỏa nhiều khu vực ảnh 3
Liên quan đến các hoạt động vui xuân đón tết như: đường hoa Nguyễn Huệ, đường sách, Hội hoa xuân Tao Đàn, đường hoa Phú Mỹ Hưng và các chợ hoa xuân trên địa bàn, đồng chí Nguyễn Thành Phong yêu cầu, lễ khai mạc phải được tổ chức ngắn gọn, hạn chế người tham gia; đồng thời, mỗi sự kiện đều phải có cổng khử khuẩn, không cho người dân ra vào nếu không đeo khẩu trang và kiên quyết đóng cửa, hủy bỏ nếu không đảm bảo các quy định phòng dịch.

Hiện TPHCM đã tiến hành phong tỏa:

- Toàn bộ khu vực tứ giác Nguyễn Cư Trinh, quận 1 (đường Nguyễn Văn Cừ, đường Nguyễn Trãi, đường Nguyễn Cư Trinh, đường Cống Quỳnh); khoảng 2.000 dân

- Tổ 22, khu phố 3A, phường Thạnh Lộc, quận 12; khoảng 100 dân

- Tổ 47, khu phố 4, phường Trung Mỹ Tây, quận 12; khoảng 30 dân

- Quán Nam Bắc, địa chỉ 12A1 Bạch Đằng, phường 2, quận Tân Bình

- Quán Cây Bàng, địa chỉ B68 Bạch Đằng, phường 2, quận Tân Bình

- Quán gà ta Phương Nam, địa chỉ A3 Bạch Đằng, phường 2, quận Tân Bình

- Nhà bệnh nhân, đường Phạm Văn Hai, quận Tân Bình

- Khu nhà trọ, đường Nguyễn Phúc Chu, phường 15, quận Tân Bình

- Khu nhà trọ, đường Nguyễn Văn Cự, phường Tân Tạo, quận Bình Tân

Tin cùng chuyên mục