TPHCM sẵn sàng ứng phó và kiểm soát dịch theo 4 kịch bản

Chiều 25-10, Ban Chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 TPHCM tổ chức họp báo định kỳ thông tin về tình hình dịch bệnh trên địa bàn TP. Đồng chí Phạm Đức Hải, Phó Trưởng Ban Chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 TPHCM chủ trì họp báo.

Phòng chống dịch ở cấp độ 3

Theo Ban Chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 TPHCM, tính đến hết ngày 24-10, tổng số ca F0 của TP là 425.674 người bệnh, hiện đang điều trị 10.996 người. Đặc biệt trong tuần qua số ca bệnh nặng liên tục giảm, cùng với đó số ca tử vong cũng giảm và giữ ở mức 2 con số.

Như vậy căn cứ theo Quyết định 4800 của Bộ Y tế về “thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19”, tổng số ca mắc mới trong cộng đồng/100.000 dân/tuần trên địa bàn TP là khoảng 74 ca. Cùng với đó, tỷ lệ tiêm vaccine Covid-19 cho người từ đủ 18 tuổi trở lên đạt trên 99% (mũi 1) và trên 76% (mũi 2), TPHCM được xếp vào mức độ 2 (nguy cơ trung bình).

TPHCM sẵn sàng ứng phó và kiểm soát dịch theo 4 kịch bản ảnh 1 Phó Giám đốc Sở Y tế TPHCM Nguyễn Văn Vĩnh Châu thông tin tại họp báo
Bên cạnh kết quả tích cực nêu trên, Phó Giám đốc Sở Y tế Nguyễn Văn Vĩnh Châu khẳng định, dù được xếp vào mức độ 2 nhưng TP không chủ quan. Vì vậy, công tác ứng phó với dịch bệnh được ngành xây dựng ở mức độ 3 (nguy cơ cao) với 4 kịch bản thu dung, điều trị người bệnh Covid-19. Cụ thể:
Kịch bản 1: Nếu kiểm soát tốt dịch bệnh (tương ứng mức độ 1) thì F0 không triệu chứng hoặc triệu chứng nhẹ được cách ly, điều trị tại nhà. Trường hợp cần nhập viện sẽ được điều trị tại Bệnh viện dã chiến thu dung điều trị số 16 (quận 7), Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TPHCM, Bệnh viện Nhi đồng TP và Bệnh viện Từ Dũ.

Kịch bản 2 (tương ứng mức độ 2), các trường hợp F0, không triệu chứng hoặc triệu chứng nhẹ được cách ly tại nhà. Trường hợp nhập viện sẽ vào Bệnh viện Dã chiến số 13, 16. Ngoài ra, các bệnh viện dã chiến thu dung điều trị Covid-19 cấp quận huyện, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TPHCM, 2 bệnh viện chuyên khoa nhi (Bệnh viện Nhi đồng TP và Bệnh viện Nhi đồng 1), Bệnh viện Từ Dũ, Bệnh viện Hùng Vương sẽ tiếp nhận, thu dung điều trị bệnh nhân Covid-19.

Kịch bản 3 (tương ứng số ca mắc mới ở mức độ 3 – nguy cơ cao), các trường hợp F0 hoặc không có triệu chứng được điều trị tại nhà, 135 trạm y tế lưu động sẽ quản lý từ 50 đến 100 F0. Với bệnh nhân cần nhập viện, cả 3 bệnh viện dã chiến thu dung điều trị Covid-19 số 13, 14 và 16 tiếp nhận bệnh nhân. Ngoài ra, các Bệnh viện Chợ Rẫy, Bệnh viện Nhân dân 115 và Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TPHCM, 3 bệnh viện chuyên khoa nhi (Bệnh viện Nhi đồng TP, Bệnh viện Nhi đồng 1 và Bệnh viện Nhi đồng 2) và 2 bệnh viện chuyên khoa sản (Bệnh viện Từ Dũ, Bệnh viện Hùng Vương) tiếp nhận điều trị bệnh nhân nặng.

Ở kịch bản xấu nhất (tương ứng số ca mắc mới ở mức độ 4 - nguy cơ cực cao), số F0 tiếp tục cách ly tại nhà. Ngoài trạm y tế lưu động thì địa phương căn cứ số F0 để lập tổ Covid-19 cộng đồng. Trường hợp cần nhập viện sẽ huy động toàn bộ bệnh viện, trung tâm hồi sức tham gia điều trị. Quận, huyện nào chưa có cơ sở điều trị thì phải lập bệnh viện dã chiến 300-500 giường. F0 nặng và nguy kịch sẽ được chăm sóc tại bệnh viện dã chiến.

“Ước tính trong tình huống này, TPHCM phải chuẩn bị từ 16.000 đến 19.000 giường, trong đó có 2.000 giường ICU. Cấp độ 4 là quay trở lại thời kỳ cách đây hơn 1 tháng khi TPHCM hoạt động với công suất tối đa để điều trị bệnh nhân Covid-19” – Bác sĩ Châu cho biết và khuyến cáo: “Sau khi TPHCM công bố dịch ở cấp độ 2, đã có một bộ phận người dân chủ quan, không tuân thủ “5K” và các quy định về an toàn của ngành y tế… Điều này rất dễ dẫn đến nguy cơ dịch lây lan, số các mắc Covid-19 tăng trở lại”.

TPHCM sẵn sàng ứng phó và kiểm soát dịch theo 4 kịch bản ảnh 2 Toàn cảnh buổi họp báo
9/22 địa phương đạt cấp độ 1 “vùng xanh – bình thường mới”

 Theo thống kê của UBND TPHCM, đến hết ngày 24-10, TPHCM có 9/22 địa phương đạt cấp độ 1 “vùng xanh – bình thường mới” gồm: TP Thủ Đức, các quận 1, 7, 8, 10, Gò Vấp, Tân Bình và huyện Cần Giờ, Củ Chi. Có 12/21 quận, huyện đạt cấp độ 2 “vùng vàng – nguy cơ trung bình” gồm: quận 3, 4, 5, 6, 11, 12, Phú Nhuận, Bình Thạnh, Tân Phú và các huyện Nhà Bè, Bình Chánh, Hóc Môn. Riêng quận Bình Tân đạt cấp độ 3 “vùng cam – nguy cơ cao”. Ngoài ra, TPHCM cũng đánh giá cấp độ dịch ở cấp phường, xã, thị trấn. Theo đó, có 199/312 địa phương ở cấp độ 3 “vùng cam – nguy cơ cao”.  

UBND TP đề nghị các sở ban ngành, UBND quận huyện và TP Thủ Đức căn cứ cấp độ dịch được công bố để triển khai các biện pháp hành chính “thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19” trong lĩnh vực và trên địa bàn phụ trách.

Về kế hoạch thanh kiểm tra các địa phương, hỗ trợ cho người dân bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh, Phó Giám đốc Sở LĐTB-XH TP Nguyễn Văn Lâm chia sẻ, theo Kế hoạch số 3456 của UBND TPHCM ngày 16-10, sở đã thành lập 3 đoàn kiểm tra tại 21 quận huyện và TP Thủ Đức. Nội dung thanh kiểm tra chia làm 3 đợt, xoay quanh việc các địa phương có thực hiện đúng Nghị quyết 09 và Công văn số 2209 (gói hỗ trợ đợt 1); tiếp đó kiểm tra theo Công văn số 2627, 2799 của UBND TP (gói hỗ trợ đợt 2) và cuối cùng là kiểm tra theo Nghị quyết số 97 và Công văn số 3181 (gói hỗ trợ đợt 3).

Thời gian thực hiện thanh kiểm tra bắt đầu từ ngày 1 đến 15-11; từ ngày 6 đến 20-11, các đoàn tổng hợp báo cáo gửi UBND TP. Ngày 23-11, Sở LĐTB-XH TP trình báo cáo lên UBND TPHCM.

Sở TTTT TPHCM cho biết, từ ngày 25-10, Cổng thông tin Covid-19 TPHCM bắt đầu cung cấp thông tin chính thức cấp độ dịch cho lãnh đạo và người dân TP. UBND các cấp thuộc TPHCM có nhiệm vụ thường xuyên rà soát và cập nhập lên Cổng thông tin Covid-19 khi có biến động, thay đổi về cấp độ dịch trên địa bàn.

Về phần mềm hỗ trợ quản lý và cung cấp thông tin cấp độ dịch lên Cổng thông tin Covid-19 TP, sở đã triển khai và cấp tài khoản sử dụng phần mềm cho đơn vị để phục vụ đánh giá cấp độ dịch theo quy mô quận huyện, TP Thủ Đức, phường xã, thị trấn, tổ dân phố... Người dân, tổ chức có thể truy cập và theo dõi thông tin cấp độ dịch trên Cổng thông tin Covid-19 tại địa chỉ:  https://covid19.hochiminhcity.gov.vn/bando hoặc https://bando.tphcm.gov.vn.

Tin cùng chuyên mục