TPHCM sẽ có đường mang tên GS.TS Nguyễn Thiện Thành

Ngày 9-12, ngày làm việc thứ 3 trong khuôn khổ kỳ họp thứ 23 HĐND TPHCM khóa IX, các đại biểu (ĐB) đã biểu quyết thông qua nhiều nghị quyết.
Đại biểu HĐND TPHCM biểu quyết thông qua nghị quyết sáng 9-12. Ảnh: VIỆT DŨNG
TPHCM thu ngân sách 5 năm hơn 1,98 triệu tỷ đồng

HĐND TPHCM thông qua Nghị quyết về kế hoạch tài chính 5 năm, giai đoạn 2021-2025 của TPHCM. Trong đó, TPHCM đưa ra mục tiêu phấn đấu thu ngân sách nhà nước giai đoạn 2021-2025 khoảng hơn 1,98 triệu tỷ đồng. Tỷ trọng thu nội địa bình quân đạt khoảng 69% tổng thu ngân sách nhà nước. Trong khi đó, tổng chi ngân sách địa phương giai đoạn này khoảng hơn 420.000 tỷ đồng, riêng chi đầu tư phát triển khoảng 40%, còn chi thường xuyên khoảng 52,5%.

Nghị quyết này cũng nêu định hướng và các nhiệm vụ giải pháp thực hiện mục tiêu kể trên.

Đầu tư công năm 2021 gần 32.000 tỷ đồng

HĐND TPHCM cũng thông qua Nghị quyết về kế hoạch đầu tư công năm 2021. Cụ thể, thông qua nguồn vốn Trung ương bố trí cho TP năm 2021 theo thông báo của Bộ KH-ĐT là hơn 3.827 tỷ đồng. Trong đó, vốn trong nước gồm 4 dự án, kế hoạch vốn hơn 211 tỷ đồng; vốn ODA cấp phát từ ngân sách Trung ương là 6 dự án, kế hoạch vốn hơn 3.615 tỷ đồng. Đồng thời thông qua kế hoạch đầu tư công năm 2021 nguồn vốn ngân sách TPHCM là gần 32.000 tỷ đồng.

Nghị quyết này cũng đề nghị UBND TPHCM kiên trì kiến nghị Trung ương tiếp tục bố trí vốn với 2 bệnh viện tuyến cuối (gồm BV Ung bướu cơ sở 2 và BV Nhi đồng TP) vì hai bệnh viện này đã hoàn thành công trình đưa vào hoạt động nhưng chưa được bố trí đủ vốn để thanh quyết toán dự án.

Năm 2021, TPHCM vay hơn 16.000 tỷ đồng

HĐND TPHCM cũng phê duyệt kế hoạch vay, trả nợ chính quyền địa phương năm 2021 của TP với tổng mức vay là hơn 16.000 tỷ đồng từ nguồn Chính phủ cho vay lại. Trong đó, hơn 14.800 tỷ đồng là vay để bù đắp bội chi ngân sách, hơn 1.150 tỷ đồng là vay để trả nợ gốc. Tổng số trả nợ gốc, lãi và phí các khoản vay của TPHCM năm 2021 là hơn 2.577 tỷ đồng.

Nghị quyết giao UBND TPHCM trong quá trình triển khai thực hiện dự toán thu ngân sách nhà nước, thu – chi ngân sách TP năm 2021 phải đảm bảo không được vượt quá tổng mức vay, mức bội chi của ngân sách TPHCM đã được Quốc hội quyết định, Thủ tướng và Bộ trưởng Bộ Tài chính giao.

TPHCM sẽ có đường mang tên GS.TS Nguyễn Thiện Thành ảnh 2 Đại biểu HĐND TPHCM biểu quyết thông qua nghị quyết sáng 9-12. Ảnh: VIỆT DŨNG
Thông qua nhiều dự án cần thu hồi đất và chuyển đổi 1.365ha đất trồng lúa

HĐND TPHCM chấp thuận thông qua danh mục dự án cần thu hồi đất, dự án có chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa, dự án điều chỉnh tên gọi, diện tích thu hồi đất và diện tích chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa tại các nghị quyết HĐND TPHCM.

Cụ thể gồm: 25 dự án cần thu hồi đất; 13 dự án cần thu hồi đất và chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa; 4 dự án có chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa dưới 10ha; 21 dự án điều chỉnh tên gọi, điều chỉnh ranh.

Cùng với đó, HĐND TPHCM thông qua việc chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa của hộ gia đình và cá nhân tại 11 quận, huyện với tổng diện tích hơn 1.365ha. Trong đó, chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa nhiều nhất tại các huyện Củ Chi (gần 872ha), Hóc Môn (gần 234ha), Bình Chánh (gần 130ha)…

HĐND TPHCM giao UBND TPHCM trước khi ban hành quyết định thu hồi đất, chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa của từng dự án cụ thể, cần yêu cầu chủ đầu tư dự án sử dụng vốn ngân sách nhà nước cam kết về thời gian, tiến độ thực hiện dự án đảm bảo đúng tiến độ của Luật Đầu tư công, không làm tăng tổng mức đầu tư dự án nhằm tránh gây lãng phí. Đối với dự án sử dụng vốn ngoài ngân sách nhà nước, chủ đầu tư phải có trách nhiệm cam kết phối hợp thực hiện bồi thường theo đúng tiến độ; xem xét năng lực thực hiện của chủ đầu tư và ảnh hưởng của dự án đến quyền, lợi ích hợp pháp của người dân. Đồng thời, chỉ đạo sở, ban, ngành phối hợp UBND quận, huyện rà soát các dự án đảm bảo chặt chẽ thủ tục pháp lý theo luật định.

Đặt tên đường tại Khu đô thị mới Thủ Thiêm theo tên GS.TS Nguyễn Thiện Thành

Theo Nghị quyết về bổ sung Quỹ tên đường và đặt tên đường trên địa bàn TPHCM, HĐND TPHCM thống nhất bổ sung tên 4 nhân vật lịch sử vào quỹ tên đường tại TPHCM, gồm hai Bà mẹ Việt Nam Anh hùng là Lê Thị Truyền và Phan Thị So; GS.TS Nguyễn Thiện Thành và NSND Thái Ly.

Đồng thời, HĐND TPHCM thống nhất đặt tên 224 tuyến đường trên địa bàn các quận huyện. Trong số này, tên đường Nguyễn Thiện Thành được đặt cho đường ven sông Sài Gòn (R3) từ Đại lộ vòng cung đến đường vòng quanh khu 2C, với chiều dài 2.787m, lộ giới 28,1m (quận 2). Tên đường Thái Ly cũng được đặt cho đường số 41, từ đường Quốc Hương – đường 44 đến đường 44 – khu Thanh Bình (quận 2).

Các tên danh nhân như Tố Hữu, Trần Bạch Đằng cũng được đặt cho các đường thuộc quận 2, Trần Đức Thảo (quận 9), Trần Văn Khê (quận Bình Thạnh)…

Tham quan địa đạo Củ Chi, Rừng Sác: 35.000 đồng/người lớn

Nghị quyết về ban hành phí tham quan Khu di tích lịch sử địa đạo Củ Chi, Khu di tích lịch sử căn cứ Rừng Sác, huyện Cần Giờ: phí tham quan với khách trong và ngoài nước là 35.000 đồng/người lớn. Người cao tuổi, người khuyết tật, lực lượng vũ trang, người có công với cách mạng, Hội Cựu Chiến binh, hộ nghèo, trẻ em dưới 7 tuổi được miễn phí tham quan. Trẻ em từ 7 đến dưới 16 tuổi, học sinh - sinh viên được giảm 50% phí tham quan.

Tại kỳ họp này, HĐND TPHCM cũng đã thông qua Nghị quyết phê duyệt biên chế công chức trong cơ quan, tổ chức hành chính, tổng số lượng người làm việc trong đơn vị sự nghiệp công lập; Nghị quyết về thành lập Văn phòng Đoàn ĐBQH và HĐND TPHCM là cơ quan tương đương Sở.

Đồng thời thông qua một số chính sách hỗ trợ cho các nạn nhân bị buôn bán trở về; hỗ trợ người cai nghiện ma túy tự nguyện tại gia đình, cộng đồng và tại cơ sở cai nghiện ma túy trên địa bàn TPHCM; hỗ trợ chi phí mua thẻ BHYT cho người nhiễm HIV/AIDS và hỗ trợ chi phí cùng chi trả thuốc kháng virus HIV cho người nhiễm HIV/AIDS có thẻ BHYT trên địa bàn TPHCM.

Tin cùng chuyên mục