Trăm năm thương nhớ dấu chân Người

Trăm năm thương nhớ dấu chân Người

Nhà xuất bản Văn hóa - Văn nghệ TPHCM vừa giới thiệu ra mắt bạn đọc tuyển tập thơ có nhan đề “Trăm năm thương nhớ dấu chân Người” tập hợp những tác phẩm thơ của các tác giả đã và đang sinh sống, làm việc, công tác tại vùng đất Sài Gòn - Gia Định - Chợ Lớn xưa và TP Hồ Chí Minh ngày nay.

Ban tuyển chọn thơ và biên soạn gồm các nhà thơ, nhà văn, nhà báo: Trương Chính Tâm, Lê Tú Lệ, Hoàng Đình Quang, Huỳnh Dũng Nhân cùng đại diện của Chi hội Hội Nhà văn Việt Nam tại TPHCM và Ban Biên tập NXB Văn hóa - Văn nghệ. Theo nhóm biên soạn, tập thơ này là một món quà mà những nhà thơ dâng lên Bác nhân dịp kỷ niệm 121 năm ngày sinh của Người và 100 năm ngày Bác ra đi tìm đường cứu nước.

Tuyển tập thơ được chia làm hai phần chính. Phần đầu “Gởi lòng con đến cùng Cha” gồm tác phẩm của những tác giả có tên tuổi đã từng sống, làm việc, công tác ở TP Hồ Chí Minh như Chế Lan Viên, Huỳnh Văn Nghệ, Lê Anh Xuân, Viễn Phương, Thu Bồn, Bảo Định Giang… và đã được phổ biến rộng khắp trên cả nước. Nhiều bài có tiếng vang lớn, đọng sâu trong lòng người đọc như: “Người đi tìm hình của nước”, “Viếng lăng Bác”, “Cụ Hồ”…

Phần thứ hai “Thành phố mang tên Bác” gồm các bài thơ của những nhà thơ đương đại, hầu hết là những sáng tác sau 30-4-1975, có nội dung bày tỏ tình cảm kính yêu đối với Bác Hồ. Một điều khá đặc biệt là do tính đa dạng của các nhà thơ đang sống và làm việc tại TP nên các tác phẩm cũng rất đa dạng, có bài thơ mang đậm chất Tây Nguyên như “Người Tây Nguyên nhớ lời Bác Hồ dạy” của tác giả Trần Thanh Pôn: Boók Hồ là tia nắng ấm/Đánh thức rừng xanh bừng tỉnh, hay bài “Cây cà phê trong vườn cây Bác Hồ” của Nguyễn Văn Tao: Những người con của vùng đất Tây Nguyên/vượt cả ngàn cây số mang cà phê về bên Bác…

Cũng có các vần thơ của những đứa con phương Nam ra thăm Bác: Hơn ba mươi năm đất nước thanh bình/Những người lính già phương Nam mới ra Hà Nội/Như kẻ mải đi xa nay tìm về nguồn cội/Chúng con vào Lăng để viếng thăm Người trong bài “Vào lăng viếng Bác” của tác giả Nguyễn Cứ. Hoặc dâng trào cảm xúc khi đến bên Người: Con trở về Hà Nội chiều nay/Nắng rải hoa vòm tre bên lăng Bác/Đã tự dặn lòng mình, đừng khóc/Mà trước Người sao cứ rưng rưng trong bài “Một lần bên Bác” của nhà thơ Trần Thế Tuyển.

Một số bài thơ được các tác giả viết ngay sau khi nghe tin Bác mất năm 1969, mỗi người, ở mỗi vị trí đã thể hiện những tình cảm thiêng liêng nhất như bài “Vòng hoa dâng Bác” của nhà thơ Văn Lê viết ngày 5-9-1969 tại Tây Ninh: Không thể tìm ra hoa nơi điểm chốt này/Để kết lại một vòng hoa viếng Bác/Đại đội con nhận danh hiệu Anh hùng/Bộ đội đứng thành vòng tròn mấy lớp/Đội hình hóa một vòng hoa.

XUÂN THÂN

Tin cùng chuyên mục