Tràn ngập mỹ phẩm dỏm

Mỹ phẩm nhái, mỹ phẩm không rõ nguồn gốc, xuất xứ vẫn được bán tràn lan tại các chợ trên địa bàn TPHCM. Nhu cầu làm đẹp là chính đáng, nhưng người sử dụng cần lựa chọn đúng mỹ phẩm để không trở thành bệnh nhân thường xuyên của bệnh viện hay chuyên khoa da liễu.
Tràn ngập mỹ phẩm dỏm

Mỹ phẩm nhái, mỹ phẩm không rõ nguồn gốc, xuất xứ vẫn được bán tràn lan tại các chợ trên địa bàn TPHCM. Nhu cầu làm đẹp là chính đáng, nhưng người sử dụng cần lựa chọn đúng mỹ phẩm để không trở thành bệnh nhân thường xuyên của bệnh viện hay chuyên khoa da liễu.

  • Loại nào cũng có

Dạo quanh các chợ tập trung đông khách nhất ở TPHCM như Bến Thành (quận 1), Vườn Chuối (quận 3), An Đông (quận 5), Kim Biên (quận 6) càng thấy rõ đối tượng khách hàng nữ được ưu ái với hàng trăm loại mỹ phẩm khác nhau của hàng chục nhãn hàng từ danh tiếng đến chưa danh tiếng. Mỹ phẩm bán ngoài chợ hầu hết là loại vừa giá tiền, phù hợp với đa số người dùng. Trong số đó, nhiều nhất vẫn là hàng dỏm, hàng nhái và không rõ xuất xứ.

Việc cả tin của khách hàng, cùng tâm lý muốn được đẹp nhanh, đẹp cấp tốc đã khiến thị trường đen này chưa khi nào kém sôi động. Mỹ phẩm dành cho chị em phụ nữ nhiều nhất là các mặt hàng: kem dưỡng da ngày và đêm, phấn trang điểm, phấn má hồng, chì kẻ mắt, son môi và nước hoa.

Qua Th., một dân buôn sỉ các loại quần áo và mỹ phẩm tại chợ An Đông dắt mối, tôi được tiếp xúc với nơi chuyên cung cấp mỹ phẩm dỏm. Th. giới thiệu với bạn hàng, tôi là người mua sỉ về Cần Thơ để giao cho các đại lý dưới miền Tây nên bạn hàng khá nhiệt tình. Nhân viên mang ra một hộp kem trộn không có tên nhãn hàng, hướng dẫn sử dụng là tiếng Anh, nói rằng đó là loại cao cấp, giá 220.000 đồng/hộp. “Đây chính là loại kem mà các tiệm spa và thẩm mỹ viện sử dụng nhiều cho khách đó chị”, người bán hàng nói.

Tôi mở nắp hộp, nhìn thấy hộp kem váng lên lớp dầu màu vàng như mỡ gà, đưa mắt ý hỏi có vấn đề gì không, cô gái nhanh nhảu: “Kem trộn thường như vậy. Da sẽ láng mịn và sáng bóng chỉ sau vài ba tuần sử dụng”. Rồi khẳng định chắc chắn: “Đây là hàng cao cấp, nếu muốn kem trộn loại rẻ tiền vài chục ngàn đồng, thì lấy mối ở chợ Kim Biên. Nhưng nói thật, chị mang về bán cho khách sẽ bị mắng vốn. Da trắng mịn được thời gian ngắn thôi rồi xỉn màu ngay”.

3 chai nước hoa này là hàng dỏm cực kỳ tinh vi. Ảnh: Đ.T.H.

3 chai nước hoa này là hàng dỏm cực kỳ tinh vi. Ảnh: Đ.T.H.

Thấy tôi có ý chê chưa muốn nhập hàng, cô gái ướm hỏi việc mua nước hoa. Tôi đồng ý nói rằng cần các loại nước hoa nhái của các hãng cao cấp. Sau cú điện thoại, một nhân viên mang hàng ra chào. Cả tôi và Th. đều ngỡ ngàng trước các chai nước hoa của các hãng Gucci, Givenchy, Marc Jacobs, Lotita Lempicka danh tiếng được nhái y như thật. Thậm chí đặt hai chai nước hoa Daisy Marc Jacobs, một thật, một giả bên cạnh nhau để so sánh, người bán hàng phải la lên cẩn thận không thì nhầm.

Hình thức đã vậy, mùi thơm còn khiến chúng tôi ngạc nhiên hơn: chai thật và giả gần như không phân biệt được. Thậm chí, chai nước hoa dỏm Givenchy còn ghi rõ dòng Limited Edition (dòng sản phẩm sản xuất rất hạn chế). Giá tiền của những chai nước hoa dỏm này thì rẻ khỏi phải bàn. Daisy Marc Jacobs 75 ml  hàng thật giá 2.394.000 đồng – hàng giả 150.000 đồng; Summer Vibrations Givenchy 75 ml hàng thật giá 1.435.000 đồng – hàng giả: 135.000 đồng; Lolita Lempicka Vaporisateur Natural Spray 100 ml hàng thật giá 1.800.000 đồng – hàng giả 150.000 đồng. Nếu mua số lượng nhiều, giá sẽ giảm hơn nữa.

Tại chợ Bình Thới (quận 11), những hũ kem màu xanh rất thủ công ghi bằng dòng chữ nhợt nhạt được sản xuất tại lãnh thổ Đài Loan đang được chị em ưa chuộng với giá rất bèo: 50.000 đồng. Người bán hàng chỉ cách sử dụng “độc đáo” chưa từng thấy: lấy viên thuốc vitamin E, trộn cùng loại kem này, bôi lên mặt chỉ vài ngày sau là thấy da trắng mịn đẹp siêu tốc!

  • Thật giả khó lường

BS Trần Ngọc Ánh, Bệnh viện Da liễu TPHCM cho biết có nhiều bệnh nhân gần đây tới bệnh viện “cầu cứu” vớt vát lại nhan sắc do làm đẹp bằng mọi giá. Bệnh nhân T.N., 32 tuổi dùng kem sâm(?) được 3 năm. Lúc đầu da trắng mịn rất đẹp nhưng 1 tháng nay thì da bắt đầu khô, sần sùi, ngứa, xuất hiện đốm sậm màu khá nhiều. T.N. quyết định đổi sang một loại kem sản xuất trong nước. Thoa kem được hai lần thì bị ngứa dữ dội, da đỏ, khô, nhám, mặt sưng phù. Mặc dù đã uống thuốc chống dị ứng nhưng không khỏi, N. bèn vội vàng tới bệnh viện.

BS Ánh cho rằng, trường hợp của N. không phải do dị ứng kem sản xuất trong nước, mà chính là do sử dụng lâu ngày loại kem không rõ nguồn gốc khiến da khô dần, mất màng lipid giữ ẩm cho da. Da đã bị tẩy trắng quá mức khiến sự bảo vệ với ánh nắng kém, làm xuất hiện vết sạm trên mặt. Cũng chính vì dùng loại kem này đã lâu ngày nên da của N. đã trở nên nhạy cảm, dễ bị kích ứng, ngứa, nên khi chuyển sang dùng loại kem khác, làn da chưa ổn định khiến sưng tấy và ngứa dữ dội.

Theo số liệu thống kê của Chi cục Quản lý thị trường TPHCM, trong năm 2010 chỉ phát hiện được 135 vụ vi phạm liên quan đến mỹ phẩm thì trong 8 tháng đầu năm 2011, các cơ quan chức năng đã phát hiện tới 145 vụ, trong đó chủ yếu là mỹ phẩm giả, lậu và chất lượng mập mờ.

Dược sĩ Đỗ Ngọc Dũng, Phó phòng Quản lý Dược và Mỹ phẩm, Sở Y tế TPHCM cho rằng, công tác kiểm tra giám sát thị trường mỹ phẩm là trách nhiệm chính của Sở Y tế. Tuy nhiên, để việc quản lý thật sự có hiệu quả thì phải cần tới sự phối hợp đồng bộ và nhiệt tình của các cơ quan liên quan như Công an, Quản lý thị trường, Hải quan, Viện kiểm nghiệm thuốc TPHCM, Trung tâm Kiểm nghiệm Thuốc - Mỹ phẩm – Thực phẩm TPHCM, Sở Kế hoạch Đầu tư, Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch, Sở Thông tin và Truyền thông và trên hết là sự chỉ đạo thống nhất và hỗ trợ của UBND TPHCM.

Số liệu của Thanh tra Sở Y tế từ đầu năm 2011đến nay cho thấy, sau khi thanh, kiểm tra 3 doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh mỹ phẩm và 20 loại quảng cáo mỹ phẩm, những vi phạm chủ yếu tập trung vào việc chưa có tự công nhận thực hành tốt (GMP) trong sản xuất mỹ phẩm, chưa lưu trữ thông tin sản phẩm (PIF) đầy đủ theo quy định, nhãn mỹ phẩm chưa phù hợp, quảng cáo chưa đăng ký theo quy định hoặc quảng cáo không đúng nội dung đã đăng ký.

Dược sĩ Đỗ Ngọc Dũng cũng cho rằng, việc phân biệt mỹ phẩm thật và giả không hề đơn giản, vì trình độ in ấn bao bì, nhãn mác rất tinh vi nên nếu chỉ nhìn qua hình thức bên ngoài là rất khó. Việc thử dùng mỹ phẩm cũng chỉ là một trong những biện pháp để phát hiện qua sự khác biệt về màu sắc, mùi, độ mịn của sản phẩm. Tuy nhiên, điều này chỉ áp dụng đúng khi người tiêu dùng đã từng sử dụng sản phẩm này từ hàng chính hãng. Hiệu quả của sản phẩm mỹ phẩm là điều cuối cùng mà người tiêu dùng mong đợi thì lại không thể có được trong vài giờ hay vài ngày nên rất khó phát hiện hàng nhái.

Dược sĩ Dũng khuyên người sử dụng nên chọn mua mỹ phẩm từ những cửa hàng có tên tuổi, địa chỉ rõ ràng, có uy tín trong kinh doanh. Người mua hàng cũng cần tra cứu thông tin trên website chính thức của các nhãn hàng có tên tuổi để nắm được giá cả, mẫu mã cũng như quy cách đóng gói của sản phẩm.

Làm đẹp là nhu cầu chính đáng của tất cả mọi người. Tuy nhiên, không nên làm đẹp bằng mọi cách, mọi giá. Đừng đánh đổi nhan sắc nhất thời bằng sức khỏe của chính mình.

ĐINH THU HIỀN

Tin cùng chuyên mục