Thảo luận ở hội trường về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính, các ý kiến ĐBQH đều nhất trí với sự cần thiết sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật nhằm khắc phục những bất cập, vướng mắc của Luật Xử lý vi phạm hành chính hiện hành, góp phần tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước; đồng thời bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân.
Tuy nhiên, quy định về các biện pháp cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính là chủ đề có nhiều tranh luận trái chiều. Loại ý kiến thứ nhất đề nghị bổ sung biện pháp cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính “ngừng cung cấp các dịch vụ điện, nước tại địa điểm vi phạm đối với cá nhân, tổ chức sản xuất, kinh doanh, dịch vụ vi phạm”. Dự thảo Luật thể hiện theo loại ý kiến này. Loại ý kiến thứ hai không đồng ý. Loại ý kiến thứ 3 đề nghị coi đây là biện pháp ngăn chặn hành vi vi phạm hành chính, trong đó điện, nước được sử dụng làm công cụ, phương tiện vi phạm hành chính.
ĐB Văn Thị Bạch Tuyết (TPHCM) thống nhất cao với các lý do mà Chính phủ nêu tại Tờ trình và Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Pháp luật về việc sửa đổi, bổ sung Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012. Để tiếp tục hoàn thiện dự án luật, ĐB đề nghị Chính phủ và Ban soạn thảo nghiên cứu, rà soát tăng mức tiền tối đa xử phạt vi phạm hành chính thuộc thẩm quyền của chức danh Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã và Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện để đảm bảo yêu cầu xử lý kịp thời, ngăn chặn ngay các hành vi vi phạm hành chính trên địa bàn.
“Nhiều hành vi vi phạm đã được Chính phủ điều chỉnh hoặc đưa vào dự thảo luật nâng mức xử phạt để tăng tính răn đe và phù hợp với tình hình mới nhưng chưa điều chỉnh thẩm quyền xử phạt cho phù hợp, nên nhiều hành vi vi phạm trước đây thuộc thẩm quyền của chủ tịch xã thì nay sẽ thuộc thẩm quyền chủ tịch huyện, một số hành vi vi phạm thuộc thẩm quyền xử phạt của chủ tịch huyện thì nay thuộc thẩm quyền của Chủ tịch thành phố, dẫn đến số lượng hồ sơ hành chính phải xử lý ở cấp thành phố và cấp huyện tăng cao, khó đảm bảo thời gian xử lý theo luật định”, ĐB Bạch Tuyết nhận định.
Bảy tỏ ủng hộ việc bổ sung biện pháp cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính theo điểm d khoản 2 Điều 86 dự thảo luật (là ngưng cung cấp các dịch vụ điện, nước tại địa điểm vi phạm đối với cá nhân, tổ chức sản xuất, kinh doanh dịch vụ vi phạm), ĐB Bạch Tuyết nhận xét, thực tế, nhiều quyết định xử phạt vi phạm hành chính không được các cá nhân, tổ chức vi phạm chấp hành việc dừng hành vi vi phạm hành chính, nộp phạt và khắc phục hậu quả. Nhiều đối tượng lựa chọn các giải pháp khác như chuyển đổi tên doanh nghiệp để trốn tránh việc thực hiện quyết định xử phạt vi phạm hành chính. Việc bổ sung 2 biện pháp cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính sẽ làm cho các chủ thể vi phạm hành chính phải chấp hành quyết định, để đảm bảo các hành vi vi phạm hành chính phải dừng và không gây hậu quả nghiêm trọng hơn hoặc khó khắc phục hơn.
Có quan điểm khác, ĐB Nguyễn Hữu Cầu (Nghệ An) phân tích, các biện pháp xử lý vi phạm hành chính đã được quy định ở 3 điều trong dự thảo luật với 22 biện pháp cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt và đình chỉ các vi phạm. Khoản 1 Điều 76 quy định thêm, người nào chậm nộp phạt thì mỗi ngày phải thêm 5,5% tiền phạt. “Như vậy đã có 23 biện pháp như thế này rồi mà bây giờ còn bổ sung thêm một biện pháp là ngừng cung cấp dịch vụ điện, nước; chẳng lẽ chúng ta vẫn không làm được. Hơn nữa, đưa biện pháp này vào trong luật thì dễ bị lạm dụng và hậu quả để lại vô cùng lớn”, ĐB Nguyễn Hữu Cầu phát biểu. Vấn đề nữa, liên quan đến hợp đồng dân sự. Lấy quyền lực của hành chính nhà nước để can thiệp vào một hoạt động dân sự của một cuộc sống bình thường của người dân ngoài xã hội thì rất không nên…
Cùng quan điểm với ĐB Bạch Tuyết, ĐB Nguyễn Văn Hiển (Lâm Đồng), Viện trưởng Viện Nghiên cứu lập pháp tranh luận với ĐB Nguyễn Hữu Cầu: “Một số đại biểu cho rằng hợp đồng cung cấp dịch vụ điện, nước là hợp đồng dân sự không nên can thiệp. Quan điểm của tôi là Nhà nước có thể can thiệp vào hợp đồng này, bởi lẽ bản chất của nó không thuần túy là hợp đồng dân sự. Điện, nước là mặt hàng thiết yếu, nhà nước có trách nhiệm phải cung cấp. Đây là một loại dịch vụ công, dù chủ thể cung cấp dịch vụ công này có thể là cơ quan nhà nước, có thể là tư nhân. Nếu cần, nhà nước vẫn có thể can thiệp vào loại hợp đồng này.
Gảii trình thêm sau đó, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long cho biết, so với Luật Xử lý vi phạm hành chính hiện hành dự thảo luật đã sửa đổi, bổ sung theo hướng tăng mức tiền phạt tối đa đối với 10 lĩnh vực, bổ sung mức tiền phạt tối đa đối với 6 lĩnh vực, giữ nguyên mức tiền phạt tối đa đối với các lĩnh vực khác. Bộ trưởng đề nghị Quốc hội cân nhắc mức tiền phạt tối đa tương xứng với tính chất, mức độ của vi phạm, đủ sức răn đe, hợp lý và phòng ngừa, hạn chế vi phạm hành chính, vì “nếu mức phạt quá thấp cũng không đủ sức răn đe và nếu như mức phạt quá cao, quá hà khắc thì khó khả thi trong thực tiễn”.