Tránh thông thầu, tiêu cực trong triển khai dự án đường cao tốc Bắc – Nam

Sáng 9-6, Quốc hội đã nghe tờ trình và báo cáo thẩm tra về việc điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc - Nam phía Đông, giai đoạn 2017-2020; dự thảo Nghị quyết về một số cơ chế, chính sách tài chính - ngân sách đặc thù đối với thủ đô Hà Nội.
Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thể. Ảnh: VIẾT CHUNG
Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thể. Ảnh: VIẾT CHUNG
Thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, trình bày tờ trình về việc điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc - Nam phía Đông, giai đoạn 2017-2020, Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thể cho biết, Chính phủ đề nghị Quốc hội xem xét 3 dự án thành phần chuyển đổi sang đầu tư công đối gồm: Vĩnh Hảo - Phan Thiết, Mai Sơn - Quốc lộ 45 và Phan Thiết - Dầu Giây; 5 dự án thành phần còn lại tiếp tục đầu tư theo hình thức đối tác công – tư (PPP). Tổng mức đầu tư điều chỉnh là 100.816 tỷ đồng, trong đó: vốn ngân sách Nhà nước (NSNN) khoảng 78.461 tỷ đồng (55.000 tỷ đồng đã bố trí theo Nghị quyết số 52/2017/QH14; cần bổ sung 23.461 tỷ đồng); vốn huy động ngoài ngân sách 22.355 tỷ đồng.
Trình bày tờ trình dự thảo nghị quyết về một số cơ chế, chính sách tài chính - ngân sách đặc thù đối với thủ đô Hà Nội, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng cho biết, dự thảo quy định cho thành phố Hà Nội được thí điểm một số cơ chế, chính sách về quản lý tài chính - ngân sách đặc thù thuộc thành phố quản lý; về quản lý thu NSNN; về quản lý chi NSNN; mức dư nợ vay và sử dụng quỹ dự trữ tài chính… Trong đó, quy định thời gian thực hiện thí điểm là 5 năm và xác định rõ trách nhiệm của thành phố Hà Nội, Chính phủ trong việc thực hiện nghị quyết. Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng cho biết, dự kiến nguồn lực tài chính, điều kiện đảm bảo cho việc thi hành nghị quyết bao gồm: ngân sách Trung ương bổ sung có mục tiêu; ngân sách địa phương theo phân cấp của Luật Ngân sách Nhà nước; nguồn tài chính hợp pháp khác.
Tránh thông thầu, tiêu cực trong triển khai dự án đường cao tốc Bắc – Nam ảnh 1 Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng. Ảnh: VIẾT CHUNG
Thảo luận về việc điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc - Nam phía Đông, giai đoạn 2017-2020, tại tổ TPHCM, đại biểu (ĐB) Trương Trọng Nghĩa đồng tình với đề xuất của Chính phủ và cho rằng, việc chuyển hình thức đầu tư sang dùng vốn ngân sách sẽ tạo động lực, sức sống cho nền kinh tế, tạo công ăn việc làm. Tuy nhiên, Chính phủ cần quan tâm chỉ đạo sâu sát, tránh tình trạng thông thầu, tiêu cực trong đấu thầu, để nhà thầu không đủ năng lực tham gia, đồng thời tạo cơ chế để nhà đầu tư trong nước liên kết được với nhau đầu tư. Trường hợp chỉ định thầu thì việc này chỉ thực hiện nếu phương án đó là tối ưu, mang tính hợp lý cao, song cũng cần phải kiểm tra, giám sát, tránh để tình trạng chạy chọt tham gia dự án. Đồng thời, ĐB Trương Trọng Nghĩa đề nghị, cần thúc đẩy ra đời Luật PPP để các nhà đầu tư bỏ vốn tham gia, nhất là tạo sự hấp dẫn cho các nhà đầu tư nước ngoài.
Tránh thông thầu, tiêu cực trong triển khai dự án đường cao tốc Bắc – Nam ảnh 2 ĐB Trương Trọng Nghĩa phát biểu tại tổ sáng 9-6
Theo ĐB Trần Hoàng Ngân, năm 2017, Quốc hội đã có nghị quyết về 11 dự án thành phần, trong đó có 3 dự án đầu tư công, 8 dự án đầu tư theo hình thức PPP. Như vậy, với phương án trình của Chính phủ thì sẽ có 6 dự án dùng vốn NSNN. Ủng hộ quan điểm chuyển thêm 3 dự án sang đầu tư công để đẩy nhanh đầu tư cơ sở hạ tầng vốn đang là điểm nghẽn lớn nhưng ĐB Trần Hoàng Ngân đề nghị, ngay từ đầu phải giám sát triển khai với sự tham gia của cả hệ thống chính trị, thông tin phải minh bạch hơn. Đôi lúc chỉ định thầu tốt hơn đấu thầu khi đấu thầu không được nhưng phải tăng cường giám sát.
Tổ Đại biểu Quốc hội TPHCM trong phiên họp sáng 9-6. Ảnh: VIẾT CHUNG
Về cơ chế đặc thù cho thủ đô Hà Nội, ĐB Nguyễn Thị Quyết Tâm cho rằng, những chính sách đưa trong nghị quyết không mới vì Quốc hội cũng đã từng có quyết sách như vậy với TPHCM. Chia sẻ về việc từng triển khai Nghị quyết 54 (về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TPHCM), ĐB Quyết Tâm cho rằng, trong nghị quyết cho những quy định thấy rằng tạo lợi thế cho địa phương đó nhưng triển khai được là vô cùng khó khăn, nhiêu khê, thời gian kéo dài. Ví dụ như việc cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước thực hiện chậm do chậm có quy định hướng dẫn nên việc hưởng cơ chế đặc thù chưa thực hiện được (theo Nghị quyết 54, ngân sách TPHCM được hưởng số thu từ cổ phần hóa, thoái vốn Nhà nước tại các doanh nghiệp Nhà nước, tổ chức kinh tế do UBND TPHCM quản lý, đại diện chủ sở hữu).

Hay như cơ chế cho phép Hà Nội được sử dụng tiết kiệm quỹ cải cách tiền lương chi cho đầu tư phát triển, theo ĐB Quyết Tâm, việc này nói dễ không dễ nhưng nói khó cũng không phải khó, bởi để làm được cần phải dự báo nguồn này có dồi dào như những năm vừa qua hay không. Từ đó, ĐB Nguyễn Thị Quyết Tâm đề xuất, đầu tư cho thủ đô Hà Nội phải tính toàn diện vì Hà Nội còn được đầu tư từ ngân sách Trung ương. Do vậy, cần có sự phối hợp giữa các bộ, ngành làm sao cho hiệu quả, theo quy hoạch, đảm bảo sự phát triển.

Tin cùng chuyên mục