Triển khai các khu đô thị hiện đại, sinh thái

Cùng với TPHCM, các tỉnh trong vùng Đông Nam bộ cũng đã có kế hoạch khai thác không gian dọc sông Đồng Nai. Nhiều dự án khu đô thị hiện đại, sinh thái đang dần rõ hình hài.

Hình thành nhiều khu đô thị mới

Sông Đồng Nai chảy qua địa phận tỉnh Đồng Nai (tên gọi sông Cái) dài 200km, qua các huyện Tân Phú, Định Quán, Vĩnh Cửu, TP Biên Hòa và 2 huyện Nhơn Trạch, Long Thành. Trong đó, đoạn giáp ranh Đồng Nai và TPHCM dài hơn 50km, thuận lợi để phát triển hành lang kinh tế và khai thác cảnh quan. Tỉnh Đồng Nai đang triển khai nhiều dự án chỉnh trang đô thị dọc đường trục ven sông Cái qua TP Biên Hòa nhằm cải thiện hạ tầng giao thông đô thị và tạo cảnh quan ven sông.

Một số huyện trong tỉnh có con sông đi qua cũng đã có kế hoạch khai thác cảnh quan ven sông, hình thành các khu đô thị mới. Điển hình phải kể đến là việc xây dựng 2 tuyến đường ven sông với tổng mức đầu tư 5.200 tỷ đồng, xuyên suốt từ huyện Vĩnh Cửu - TP Biên Hòa - Long Thành - Nhơn Trạch gắn với tổ chức các hoạt động giải trí đa dạng và phù hợp tại khu vực ven sông, đồng thời phục hồi các tài nguyên văn hóa và lịch sử ven sông.

Đây còn là tiền đề để phát triển các huyện Vĩnh Cửu, Nhơn Trạch khi có nhiều dự án nhưng chưa phát huy được giá trị đô thị. Đặc biệt, đường ven sông giúp huyện Nhơn Trạch kết nối với tuyến đường 319, tuyến cao tốc TPHCM - Long Thành - Dầu Giây và cao tốc Bến Lức - Long Thành. Cùng với đó, Đồng Nai chủ trương xây dựng cù lao Phố (phường Hiệp Hòa, TP Biên Hòa) thành hạt nhân của đô thị Biên Hòa có chức năng trung tâm lịch sử văn hóa, thương mại, tài chính, sinh thái cấp vùng với diện tích 293ha, quy mô dân số dự kiến 31.600 người.

Dự án có vốn đầu tư hơn 72.200 tỷ đồng, triển khai trong 12 năm (từ 2023-2035), với mục tiêu hình thành khu đô thị, khu phức hợp dịch vụ mới, mật độ xây dựng thấp, hiện đại, hài hòa với cảnh quan thiên nhiên, hướng đến phát triển du lịch bền vững, kết hợp đa dạng hóa các loại hình nhà ở, kết hợp với trung tâm thương mại dịch vụ công cộng. Bên cạnh đó, dọc tuyến sông Đồng Nai đoạn qua TP Biên Hòa, các huyện Long Thành, Nhơn Trạch đang hình thành nhiều dự án khu đô thị mới, các khu vui chơi giải trí, điểm du lịch như cù lao Tân Vạn, cù lao Ba Xê, Khu du lịch Bửu Long, Khu dân cư Aqua City Novaland 1.085ha, Waterfont Nam Long 170ha (TP Biên Hòa), Khu đô thị sinh thái Đại Phước 550ha và SwanBay 200ha (huyện Nhơn Trạch)…

Phát triển du lịch sinh thái ven sông

Tại tỉnh Bình Dương, sông Đồng Nai chảy qua địa bàn TP Tân Uyên và TP Dĩ An. Để khai thác lợi thế ven sông, tỉnh Bình Dương chủ trương phát triển khu du lịch sinh thái và khu đô thị mật độ thấp dọc theo dòng sông này. Nhiều đợt khảo sát, đánh giá về tiềm năng du lịch sinh thái đã được UBND TP Tân Uyên (địa bàn có nhiều khu vực được bao quanh bởi sông Đồng Nai) phối hợp thực hiện và đang từng bước triển khai hình thành các tuyến điểm du lịch sinh thái cảnh quan, thu hút du khách trong và ngoài nước.

z5a-571.jpg
Quảng trường khu dân cư ven sông Đồng Nai (TP Biên Hòa, Đồng Nai), đối diện phường Long Phước, TP Thủ Đức. Ảnh: HOÀNG HÙNG

Thành phố Tân Uyên có 6 xã nằm ven sông Đồng Nai và tỉnh Bình Dương đã sớm quy hoạch xây dựng hạ tầng với các trục đường ven sông, đưa vào quy hoạch nhà ở mật độ thấp, khu du lịch sinh thái ven sông tập trung cho 2 xã Bạch Đằng và Thạnh Hội. Tại các khu vực này, tỉnh Bình Dương sẽ không phát triển công nghiệp, khu đô thị mật độ cao, giữ lại những khu nông nghiệp công nghệ cao và các di tích lịch sử gắn liền với quá trình hình thành vùng đất. Theo ông Võ Hoàng Ngân, Giám đốc Sở Xây dựng Bình Dương, hiện tỉnh xây dựng kế hoạch phát triển 27 khu đô thị mới dọc theo các tuyến đường huyết mạch của tỉnh, dọc theo bờ sông Sài Gòn và Đồng Nai. Tỉnh đã làm việc và thống nhất với các tỉnh, thành lân cận để xây dựng quy hoạch hài hòa, phát triển các đô thị mới xanh, hiện đại, đáng sống, phục vụ tốt hơn đời sống vật chất và tinh thần của người dân.

Về quy hoạch hành lang kinh tế dọc tuyến sông Đồng Nai, tỉnh Đồng Nai chia làm 3 tiểu vùng động lực phát triển. Cụ thể, vùng phía Tây Nam gồm TP Biên Hòa, các huyện Long Thành, Nhơn Trạch, Trảng Bom và một phần huyện Vĩnh Cửu; vùng phía Đông gồm TP Long Khánh, các huyện Thống Nhất, Xuân Lộc, Cẩm Mỹ; và vùng phía Bắc là huyện Định Quán, Tân Phú, một phần huyện Vĩnh Cửu.

Việc phân vùng quy hoạch nhằm gắn kết đồng bộ và khai thác lợi thế cảnh quan ven sông giữa Đồng Nai và các tỉnh, thành lân cận trong xây dựng, triển khai nhiệm vụ quy hoạch vùng Đông Nam bộ theo Quyết định số 463/QĐ-TTg ngày 15-4-2022 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt nhiệm vụ lập quy hoạch vùng Đông Nam bộ thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Hiện trong báo cáo giữa kỳ Quy hoạch tỉnh Đồng Nai thời kỳ 2031-2030, tầm nhìn 2050, các cơ quan chức năng đang nghiên cứu để phát triển du lịch cảnh quan sinh thái dọc sông Đồng Nai, cảnh quan rừng, nông nghiệp đô thị với các khu đô thị sinh thái, các khu công viên cây xanh và các trung tâm dịch vụ vui chơi, giải trí…

Tin cùng chuyên mục