Tín hiệu tích cực hơn
Theo thống kê của Google Mobility Index (dựa trên định vị), số lượng người đến các trung tâm thương mại và mua sắm đã phục hồi 80% so với giai đoạn tháng 1-2020 (tháng mua sắm sầm uất để chuẩn bị cho dịp Tết Nguyên đán). Các tín hiệu tích cực này đến từ doanh thu hàng hóa, khi những mặt hàng như thực phẩm, đồ dùng thiết yếu, sản phẩm chăm sóc sức khỏe… tăng 10% so với cùng kỳ.
Trong một thống kê được Công ty CBRE Việt Nam công bố rộng rãi hồi đầu tháng 7-2020, doanh nghiệp này đã tiến hành khảo sát tại một số chuỗi nhà hàng và trung tâm thương mại ở TPHCM, kết quả cho thấy, doanh thu trong tháng 6 đã phục hồi 40%-70% so với giai đoạn trước dịch; tuy nhiên, mức độ hồi phục khác nhau cho các ngành hàng. Việc này không chỉ xuất phát từ các chương trình kích cầu của những doanh nghiệp bán lẻ, mà còn do sự thay đổi trong hành vi mua sắm của người tiêu dùng Việt.
Nhìn về triển vọng của thị trường bán lẻ trong các tháng cuối năm, bà Phạm Ngọc Thiên Thanh, Phó Giám đốc Bộ phận Nghiên cứu và Tư vấn của CBRE Việt Nam, nhận xét, ước tính đến hết năm nay, tâm lý người tiêu dùng vẫn dè dặt chi tiêu và ưu tiên các mặt hàng thực phẩm, sản phẩm thiết yếu, cũng như sản phẩm về sức khỏe.
Cũng như đại diện của CBRE Việt Nam, Giám đốc Marketing một siêu thị lớn ở TPHCM cho biết, hiện người dân vẫn ưu tiên mua nhu yếu phẩm nên các loại thứ yếu khác như thời trang hay điện máy, phi thực phẩm dù có hồi phục nhưng không đáng kể. Điều này được đánh giá sẽ mang đến cơ hội cho các nhà sản xuất địa phương. Thế nhưng, để chiếm được niềm tin, tăng sức mua thì các nhà cung cấp địa phương cần cung cấp sản phẩm tốt, có giá trị phù hợp với nhu cầu chung của người tiêu dùng và đảm bảo sự có mặt sản phẩm trên quầy kệ.
Thể hiện việc đi đầu trong chiến lược ứng dụng công nghệ vào bán hàng, Saigon Co.op đã triển khai thí điểm bán hàng qua các ứng dụng như Grabmart, Now và Baemin để bán sản phẩm thuận lợi nhất cho khách hàng. Với hình thức online, nhà bán lẻ này đã ra mắt gian hàng online Co.op Smile trên ví điện tử MoMo và đã nhận được sự hài lòng từ khách hàng. |
Bán lẻ chủ động vượt khó
Từ những tín hiệu trên, nhiều doanh nghiệp bán lẻ cho biết, đang có sự linh hoạt hơn trong cách bán hàng để thu hút người tiêu dùng. Theo đó, các nhà bán lẻ ngoài thực hiện luân phiên những hoạt động khuyến mãi, giảm giá, tặng quà hoặc tích điểm cho khách hàng thành viên, còn đẩy mạnh mô hình cửa hàng nhỏ, linh động hình thức bán hàng từ online đến offline để đưa đến tận tay người tiêu dùng.
Điển hình là Saigon Co.op, gần đây đã triển khai gian hàng rau sạch, gian hàng bình ổn thị trường của Co.op Food tại các khu dân cư, nhằm đưa sản phẩm đến gần người tiêu dùng hơn và đa dạng hóa hình thức bán hàng. Đây là mô hình bán hàng rất linh động với những sản phẩm thiết yếu, được các bà nội trợ tích cực hưởng ứng ngay từ khi được triển khai. Hiện tại, nhà bán lẻ Saigon Co.op còn đang tích cực tìm kiếm mặt bằng nhỏ trong khu dân cư, gần trường học để mở cửa hàng thực phẩm tổng hợp. Bởi, mô hình này không mất nhiều chi phí, thời gian, thủ tục như mở siêu thị, đại siêu thị.
Trong khi đó, các nhà bán lẻ khác như Vinmart, Lotte Mart… lại đang thực hiện chiến lược địa phương hóa danh mục sản phẩm để phù hợp với sở thích của người tiêu dùng và xây dựng định vị thương hiệu, đồng thời ứng dụng nền tảng công nghệ vào quản lý hàng tồn kho theo thời gian thực và quản lý hiệu quả chuỗi cung ứng. Ngoài ra, các xu hướng bán hàng đã được triển khai từ thời điểm giãn cách xã hội như bán hàng online qua các kênh website, ứng dụng mobile banking của các ngân hàng và đặt hàng qua điện thoại… sẽ tiếp tục được các nhà bán lẻ triển khai mạnh mẽ hơn trong thời gian tới để kết nối với người tiêu dùng.
Với sự chủ động trên của các nhà bán lẻ, cùng hỗ trợ của chính sách mà TPHCM đưa ra, nhiều ý kiến cho rằng, bán lẻ cuối năm sẽ sáng hơn sau thời gian dài ảm đạm do dịch bệnh, như vừa qua.