Trở lại trái tim mình

Có lẽ trong con tim mỗi người dân đất Việt hẳn ai nấy đều có một Hà Nội của riêng mình. Tôi không có cái may mắn được sinh ra và lớn lên ở chốn kinh kỳ, nơi tụ hội của bốn phương, cũng chưa từng có khi nào sống ở đây trọn năm, thời gian neo lại lâu nhất thường cũng chừng vài tháng, vậy mà ấn tượng về Hà Nội vẫn luôn ắp đầy trong tâm khảm. Không biết tự bao giờ, những câu thơ của Bằng Việt cứ thấm cả vào hồn tôi và khe khẽ ngân lên mỗi khi nỗi nhớ Hà Nội dâng trào: “Tôi trở lại những bờ đường mùa xuân/ Cây già trắng lá/ Ôi thành phố tôi yêu kỳ lạ”.

Sau chiến tranh, vào cuối năm 1975, từ một đơn vị bộ binh chúng tôi được điều chuyển về Quân chủng Phòng không - Không quân. Chuyến tàu hỏa khởi hành từ ga Vinh đưa chúng tôi đến ga Hàng Cỏ vào sáng sớm. Lần đầu tiên được thấy diện mạo phố phường Hà Nội sau chiến tranh vào một buổi sớm tinh sương, đám lính trẻ đã không kìm nén được lòng mình. Giống như chim chích lạc rừng, những gã trai lộc ngộc tuổi mười tám đôi mươi mỏi cổ ngó nghiêng, ngắm phố phường qua ô cửa con tàu. Và xuýt xoa khi bắt gặp bóng hình những cô gái Hà thành xinh đẹp. Tha hồ mà bình phẩm, mà tán hươu tán vượn và ao ước… Chưa có dịp để nện gót trên đường phố, sau hơn một giờ chờ đợi, chúng tôi được chuyển sang một chuyến tàu khác, ngược về mạn Bắc Ninh, Bắc Giang. Tới ga Sen Hồ, cả đoàn đổ quân xuống và chuyển sang ô tô tải về phố Thắng, Hiệp Hòa.

Từ cuối năm 1975, hàng quý tôi lại xuôi về Hà Nội một lần để nộp báo cáo. Ngày ấy, cơ quan Cục Kỹ thuật Quân chủng PK-KQ đóng trên đường Tàu Bay, con đường cũ kỹ đầy bụi bặm rợp bóng xà cừ. Ngoại trừ thi thoảng mới được bám theo xe đơn vị, còn thì cứ phải rồng rắn xếp hàng mua vé xe ca đi hai chặng mới về tới bến Nứa. Từ đây tìm cách lần về trạm khách tồi tàn ngay lối vào kho gạo Ngã Tư Sở, cạnh cái hồ nước mọc đầy cây đại bi. Sau này, một đôi lần hăng hái, tôi mượn xe đạp guồng từ phố Thắng, vượt bến đò Lo sang chợ Chờ, băng qua Từ Sơn xuôi về Hà Nội. Bao giờ cũng vậy, sau khi hoàn tất công việc tôi thường tản bộ ra gò Đống Đa đón tàu điện về Bờ Hồ. Mỗi chuyến tàu chỉ có hai hoặc ba toa màu sơn vàng có viền đỏ cũ kỹ, chạy cà rịch cà tàng, nhưng tiếng chuông leng keng… leng keng, nghe thật vui tai. Ngồi tàu điện có cái thú là tha hồ quan sát cảnh vật và con người, từ phố Tây Sơn đến Hàng Bột, rồi Hàng Bông… Điểm đến đầu tiên của tôi bao giờ cũng là Bách hóa tổng hợp Tràng Tiền, vốn trước kia là nhà hàng Godard của dân Tây, dạo một vòng hết tầng dưới lên tầng trên, thỏa sức ngắm nhìn nhưng không bao giờ mua nổi một thứ gì bởi dòng chữ rất đẹp nằm chình ình trong tủ kính: “Hàng mẫu, không bán”. Vậy mà vẫn cứ sướng vì mãn nhãn.

Rời cửa hàng bách hóa, đi dọc vỉa hè, thể nào cũng phải tạt vào quầy kem Tràng Tiền làm một hai cây kem. Thực khách xếp hàng mua một nắm cây kem bốc khói trên tay, không có chỗ ngồi, thì cứ đứng mà lẻm ngay tại chỗ. Hít hà, mà ngon lạ thường. Quanh quầy kem, dưới sàn nhà la liệt những que tre, nước kem chảy đọng thành vũng. Mặc, khách bộ hành vẫn cứ chen nhau vào ra, mắt sáng ngời vì được thưởng thức món quà tự do. Chút ngọt lành cỏn con ấy, thật khó ai cầm lòng cho đặng! Từ đây, dấn thêm một quãng ngắn, đã nhìn thấy cái cửa hàng sách quốc văn khá đồ sộ. Và xa hơn, ở cuối đường là Nhà hát Lớn, thánh đường của nghệ thuật… Thời bấy giờ, có lẽ sách là món hàng duy nhất được bày bán tự do không cần phải qua kênh phân phối nào cả. Cho nên tha hồ mà lựa chọn, mà khuân, miễn là trong túi anh còn tiền.

Những khi nhớ bạn bè, tôi lại nhảy tàu điện về Hà Đông, đến Thanh Xuân rẽ phải thì vào khoa Văn Trường Đại học Tổng hợp, dấn thêm một đoạn rẽ trái là đến cổng Trường Đại học An ninh. Thời ấy, nghèo tiền bạc nhưng giàu tấm lòng bè bạn. Gặp nhau vui quấn quýt, trò chuyện thâu đêm, sáng ra chia nhau một ổ bánh mì suông rồi chia tay. Vậy mà cứ thương nhau, nhớ nhau hoài…

Đến Hà Nội mà không dạo quanh khu phố cổ thì coi như chưa đến. Chợt nhớ về câu ca dao cũ “Rủ nhau chơi khắp Long Thành/ Ba mươi sáu phố rành rành chẳng sai/ Hàng Bồ, Hàng Bạc, Hàng Gai/ Hàng Buồm, Hàng Thiếc, Hàng Bài, Hàng Khay”… mới nhẩm lên đã thấy đắm mình trong không khí cổ xưa, rất gợi.

Một lần đi dạo quanh Bờ Hồ, qua cầu Thê Húc, vào thăm đền Ngọc Sơn và ngắm cụ rùa trong tủ kính, từ nhà hàng Thủy Tạ đi lòng vòng tình cờ tôi nhìn thấy hiệu ảnh Quốc tế trên phố Hàng Khay. Thế là đánh bạo vào thử một pô làm kỷ niệm. Nhờ vậy mà cho đến tận bây giờ, tôi có được tấm hình mặc quân phục in trên giấy lụa thật đẹp.

Cứ mỗi năm tôi lại có dịp qua lại Hà Nội đôi lần, mỗi bận cũng chỉ đáo qua chừng dăm bảy ngày rồi lại đi, như là một cách nạp thêm năng lượng tinh thần cho dặm dài phía trước. Chốn hồn thiêng sông núi tụ về luôn sưởi ấm lòng những đứa con xa. Được thưởng thức hàng quà rong Hà Nội, từ cốm Vòng ủ trong lá sen, đến phở Bát Đàn, bánh cuốn Thanh Trì với nước mắm cà cuống, hay đơn giản chỉ là lát cơm nắm muối vừng… chao ôi nhớ. Máu chảy về tim. Với tôi chỉ riêng một việc luôn nghĩ và nhớ về đất và người Hà Nội cũng đủ hạnh phúc lắm rồi.

NGUYỄN MINH NGỌC

Tin cùng chuyên mục