Tuần qua, một số cơ quan thông tin truyền thông đã đưa thông tin hết sức trái chiều về một vấn đề trước nay vẫn được coi là hết sức nhạy cảm: thuế thu nhập cá nhân (TNCN).
Trong khi một số tờ báo đưa thông tin rất chi tiết về việc Bộ Tài chính đã trình Chính phủ để trình ra Quốc hội nâng mức khởi điểm chịu thuế từ 4 triệu đồng lên 10 triệu đồng và dự kiến thời điểm trình các phương án này là năm 2011, 2012. Ngược lại có cơ quan báo chí dẫn lời người phát ngôn của Bộ Tài chính Nguyễn Đức Chi khẳng định rằng cơ quan này chưa có đề xuất cũng như không đưa bất cứ thông tin nào liên quan đến việc sửa đổi luật này. Thậm chí, vị chánh văn phòng của bộ này còn cho biết, ngay cả các cuộc họp bàn liên quan đến việc có sửa luật hay không cũng chưa được thực hiện. Việc thông tin như trên đang tạo một hiệu ứng dư luận rất khác nhau liên quan đến đạo luật và quan điểm khác nhau tại cơ quan soạn thảo luật này.
Những biến động về giá cả các mặt hàng quan trọng như điện, xăng dầu kéo theo hàng loạt hàng hóa trên thị trường tăng giá đã đặt ra yêu cầu phải sửa Luật Thuế TNCN. Theo quy định hiện hành, cá nhân trong diện chịu thuế được giảm trừ cho mình 4 triệu đồng sau đó phần thu nhập tăng thêm mới phải chịu thuế, còn đối với cá nhân có hai người phụ thuộc thì mức giảm trừ tối đa là 7,2 triệu đồng (mỗi người phụ thuộc được giảm trừ 1,6 triệu đồng/tháng). Tuy nhiên, sự cứng nhắc trong việc áp mức khởi điểm chịu thuế, giảm trừ ngay trong luật (chỉ có lợi cho cơ quan thực thi mà thiếu đi sự linh hoạt như một số luật khác) đã khiến phát sinh những bất cập trong Luật Thuế TNCN mà muốn thay đổi bắt buộc phải sửa luật.
Không phải đến bây giờ vấn đề sửa đổi, bổ sung luật này mới được đề cập, thậm chí dù các hạn chế về khởi điểm, giảm trừ gia cảnh, thuế suất, các khoản đầu tư chịu thuế… đã từng được đề cập thay đổi ngay cả trước thời điểm luật có hiệu lực – năm 2008. Bởi lẽ kể từ khi Luật Thuế TNCN được thông qua từ cuối năm 2007, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) đã liên tục tăng mạnh từ năm 2007 đến 2010 lần lượt là 12,6%, gần 19,9%, 6,52%, 11,75%. Nghĩa là trong 4 năm qua giá cả đã tăng lên đến 50,77% và nếu năm 2011 CPI được giữ ở 7% (dù theo các dự báo CPI khó giữ được 7%) thì chỉ trong vòng 5 năm qua, lạm phát đã tăng đến hơn 57,77%. Hiểu một cách đơn giản, với 100.000 đồng trong túi, giá cả tăng đã làm “thổi bay” tới hơn 57%. Bên cạnh vấn đề khởi điểm chịu thuế thấp, nghịch lý của thuế TNCN hiện hành còn thể hiện ở việc hầu như chỉ nắm được “người có tóc” tức những người làm công ăn lương còn những người có thu nhập cao từ các nguồn khác như cho thuê nhà, thành lập công ty để chuyển thu nhập vào chi phí… để tránh bị đánh thuế đều bị bỏ sót. Chính vì vậy, đến thời điểm này, việc sửa đổi, bổ sung những điều khoản không phù hợp càng trở nên bức thiết hơn.
Theo các chuyên gia, việc điều chỉnh mức khởi điểm chịu thuế thu nhập theo mức lương tối thiểu của từng khu vực, theo hộ gia đình… là hoàn toàn hợp lý, tránh sự cào bằng giữa các đối tượng nộp thuế, tạo sự linh hoạt hơn cho sắc thuế. Trước các luồng thông tin khác nhau, cơ quan chủ trì việc soạn thảo này là Bộ Tài chính cũng nên có ý kiến chính thức, công khai về những vấn đề liên quan đến Luật Thuế TNCN để tránh những ý kiến tranh cãi khác nhau và thông điệp đưa ra cần rõ ràng hơn, tránh tình trạng “trống đánh xuôi, kèn thổi ngược”.
QUANG MINH