
Từ năm 2016 đến nay, ngoài "Tấm chăn kỷ vật", SV Khoa Ngoại Ngữ, ĐH Mở đã nhiều lần cho ra mắt và tái diễn các vở kịch được chuyển thể từ tác phẩm kinh điển của văn học Anh, văn học Mỹ, tạo hiệu ứng tích cực khi đưa kịch tiếng Anh đến với khán giả ở Nhà hát Kịch TPHCM, Đường sách TPHCM...
"Chuyên nghiệp - tận tâm - hết mình” là những từ mà khán giả có thể nói về ê-kíp sinh viên này. Họ chỉn chu trong khâu chuẩn bị từ kịch bản, ánh sáng đến âm thanh, diễn xuất...

Giới trẻ thường nhanh nhạy nắm bắt những tri thức mới nên các sân chơi tri thức có sức hút khá mạnh với họ. Hơn hết, đây là một trong những hoạt động nhằm tạo điều kiện phát triển khả năng giao tiếp tiếng Anh cho SV nên lại càng được các bạn trẻ hào hứng đón nhận.
Bằng những hiểu biết về tác phẩm và kỹ năng diễn xuất thông minh, các SV đã khiến khán giả không khỏi trầm trồ, thích thú.

"Diễn kịch bằng tiếng Anh là phương pháp học được nhà trường đầu tư, cải tiến chất lượng giảng dạy, học tập. Chúng tôi luôn chọn những vở kịch mang nhiều giá trị nhân văn sâu sắc, nhằm hướng SV đến những bài học giản dị, ý nghĩa trong cuộc sống", Thạc sĩ Lê Quang Trực, giảng viên Khoa Ngoại ngữ, ĐH Mở TPHCM chia sẻ.
Với những suất diễn chưa đủ kinh phí để đưa ra nhà hát hay một sân khấu hoành tráng, SV tổ chức trong... giảng đường. Lấy giảng đường làm sân khấu tưởng chừng như là một điều quá sức với các bạn trẻ. Tuy nhiên, họ đã minh chứng một điều rằng, khi đam mê dẫn lối, không gì là không thể!

Những đêm diễn như thế không chỉ rèn luyện cho các bạn trẻ kỹ năng nói tiếng Anh lưu loát, trôi chảy hơn, mà còn giúp họ tăng cường kỹ năng làm việc nhóm. Họ cùng nhau dựng cánh gà, thiết kế sân khấu, làm poster...
Được đứng trên sân khấu, "phiêu” với từng nhân vật, khán giả có thể không biết điều gì đã thắp lên ước mơ đó của các "nghệ sĩ" SV. Chỉ áng chừng, khi sân chơi cho người trẻ chật hẹp, khan hiếm như hiện nay, giấc mơ về một khung trời tự do, được thỏa sức sáng tạo luôn thôi thúc những người trẻ. Bởi, họ đang ở độ tuổi đẹp nhất đời người.