Mặc dù đã được khám phá từ rất lâu, được đặt tên từ năm 1943 do Bác sĩ Tâm thần L. Kanner, và đã được nghiên cứu rất kỹ lưỡng nhưng cho đến nay Tự Kỷ vẫn còn là một tình trạng rối nhiễu tâm lý gây ra ngộ nhận cho khá nhiều người, kể cả giới chuyên môn.
Ngày 28-7-2019, Bệnh viện Nhi Đồng Thành Phố phối hợp cùng SaiGon Psych Talks tổ chức buổi Tọa đàm mang tên “FloorTime và câu chuyện giáo dục trẻ trong thời đại số”.
Buổi tọa đàm có sự tham gia của các diễn giả: Giáo sư Trương Nguyện Thành (Giáo sư Đại học Utah, Mỹ, nguyên Phó Hiệu trưởng điều hành Đại học Hoa Sen, Phó Hiệu trưởng Đại học Văn Lang, tác giả sách "Cha voi - Dạy con nên người ở thời đại số"). Bác sĩ Phan Thiệu Xuân Giang (Tu nghiệp tại khoa Thần kinh - Tâm thần - Phục hồi chức năng của Bệnh viện nhi Royal Alexandra Hospital for Children, Westmead, Úc, Giảng viên Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch, Đại học KHXH&NV TPHCM), Tiến sĩ - Bác sĩ Đặng Lê Như Nguyệt (Trưởng khoa Sức khỏe Trẻ em - Bệnh viện Nhi đồng Thành phố).
Trong buổi tọa đàm trao đổi xoay về phương pháp Floor Time trong giáo dục trẻ tự kỷ và kỹ thuật thực hành. Giới thiệu các phòng chức năng can thiệp sớm, tâm vận động, vật lý trị liệu, âm ngữ trị liệu, thủy trị liệu, trị liệu nghệ thuật dành cho trẻ tại Bệnh viện Nhi đồng Thành phố. Giới thiệu hành trình giáo dục con mắc chứng tự kỷ của Giáo sư Trương Nguyện Thành. Chia sẻ và thảo luận về giáo dục trẻ nói chung và giáo dục trẻ tự kỷ nói riêng trong thời đại số của tác giả sách "Cha voi" và các khách mời.
Trẻ nhỏ mắc tự kỷ - vấn đề cũ nhưng luôn mới?
Trẻ nhỏ mắc tự kỷ, đa phần đều xuất hiện dấu hiệu chậm phát triển trí tuệ. Nhưng bởi vì các kiểm tra IQ của trẻ đều được thực hiện qua lời nói, nên những thông số chính xác về trí tuệ vẫn còn là điều gây tranh cãi và nghiên cứu sâu. Trẻ tự kỷ có IQ thấp, thường kèm theo các khiếm khuyết nặng về kỹ năng quan hệ xã hội và có nhiều đáp ứng xã hội lệch lạc, có những hành vi định hình và tự gây thương tích bản thân.
1/3 trẻ tự kỷ chậm phát triển trí tuệ sẽ bị động kinh, còn trẻ tự kỷ có trí tuệ khá thì tỷ lệ này thấp hơn. Vì vậy, những bài trắc nghiệm IQ cũng phần nào có ý nghĩa tiên lượng. Tự kỷ xuất hiện không còn là vấn đề lạ lẫm trong xã hội hiện nay, nhưng làm sao để giáo dục con trẻ một cách đúng đắn và có hiệu quả thì đây luôn là vấn đề nhận được sự quan tâm của rất nhiều phụ huynh, cũng như các nhà nghiên cứu đã không ngừng tìm hiểu.
Tuy hệ thống phân loại của Hiệp hội Tâm Thần Mỹ đã xếp Tự kỷ vào nhóm bệnh tâm thần - Loạn tâm trẻ em, nhưng chúng ta không nên gọi đó là một chứng bệnh, vì hội chứng tự kỷ hay đúng hơn là các dạng rối loạn trong hiện tượng tự kỷ, bao gồm đến 5 loại khác nhau: Rối loạn tự kỷ sớm (Autistic Disorder), Hội chứng Aperger (Asperger’s Disorder), Rối loạn phát triển lan tỏa không đặc hiệu (Pervasive Developmental Disorder – Not Otherwise Specified), Hội chứng Rett (Rett’s Disorder) và Rối loạn nhân cách tuổi bé tí (Childhood Disintegrative Disorder). Đối với mỗi tình trạng nêu trên lại có những biểu hiện khác nhau và cũng không thể sử dụng cùng một phương pháp trị liệu.
Giáo sư Trương Nguyện Thành cũng đồng tình: “Tự kỷ không phải là bệnh hay khuyết tật, mà tự kỷ chỉ là có một cái nhìn khác về thế giới mà thôi”.
Bên cạnh đó, điều quan trọng là khi chúng ta gọi đó là bệnh, có thể khiến cho nhiều người, nhất là các phụ huynh của trẻ tự Kỷ có ngay một suy nghĩ trong đầu: Là bệnh nghĩa là có thuốc chữa, từ đó có thể dẫn đến việc tìm kiếm một cách vô vọng những loại thuốc hay kỹ thuật trị liệu để mong mỏi con mình có thể bình thường trở lại. Trong khi đó, tự kỷ vẫn còn là một thách thức lớn cho nền y học hiện đại vì cho đến nay, tình trạng này vẫn chưa có một loại thuốc đặc trị hay một kỹ thuật trị liệu chuyên biệt nào.
Tự kỷ có phân biệt theo giới tính?
Theo nghiên cứu của các nhà chuyên môn tại Thụy Điển, tỷ lệ trẻ bị tự kỷ là 4 nam/1 nữ. Tuy chiếm tỷ lệ ít hơn nhưng trẻ nữ lại thường bị nặng hơn và hơn nữa, do tính cách thụ động thường được coi là bình thường ở trẻ nữ nên khi thấy một bé gái ít nói, không thích tiếp xúc với người khác khi còn nhỏ, các phụ huynh thường bỏ qua vì thế các rối loạn ở trẻ nữ thường khó nhận biết hơn và việc chẩn đoán thường chậm trễ khiến cho việc trị liệu gặp nhiều khó khăn hơn.
Nguyên nhân xuất hiện tự kỷ
Bác sĩ Đặng Lê Như Nguyệt chia sẻ: “Đối với mỗi gia đình thì con cái như là sợi dây gắn kết, chính con cái giúp chúng ta luôn cố gắng để trở thành một người cha người mẹ hoàn hảo nhất. Mà chúng ta cũng luôn tạo mọi điều kiện để con có thể phát triển về mọi mặt cả về vật chất lẫn tinh thần”.
Vậy nên, khi nghe chẩn đoán chính xác con của mình mắc chứng tự kỷ, bất cứ một cá nhân nào, gia đình nào cũng băn khoăn không biết đâu là nguyên nhân. Đây là một vấn đề có nhiều quan điểm trái ngược nhau nhất, vì tình trạng tự kỷ có đến 3 nguyên nhân đều được xem là chủ yếu nhưng lại không xác định được đâu là nguyên nhân chính, và đôi khi có những trường hợp không tìm ra được bất cứ nguyên nhân nào.
Với nhà thần kinh học, tự kỷ là do những tổn thương rất nhỏ của não bộ. Với các nhà di truyền học thì tự kỷ có thể là do những biến dị của gien, còn với các nhà tâm lý thì lại cho rằng do những sang chấn tâm lý khi mang thai của người mẹ, nhất là do sự thiếu quan tâm trong giai đoạn sơ sinh có thể dẫn đến sự rối loạn này. Điều này khiến cho một số nhà chuyên môn cho rằng, nếu phát hiện và can thiệp sớm thì trẻ sẽ có khả năng ổn định, bình thường sau một thời gian trị liệu.
Trên thực tế thì việc quan tâm chăm sóc, phát hiện và trị liệu sớm nếu tiến hành đúng cách sẽ giúp cho trẻ thích nghi tốt hơn, điều này có thể làm giảm bớt những rối loạn nhưng trẻ vẫn không thể ổn định để trở nên bình thường như những trẻ khác. Còn việc bỏ bê, không quan tâm thì không chỉ riêng tình trạng tự kỷ, mà với bất cứ rối nhiễu tâm lý nào cũng sẽ làm cho đối tượng trở nên khó khăn hơn, bất ổn hơn.
Bác sĩ Như Nguyệt cũng cho biết: “Trẻ em có nhu cầu chăm sóc và giáo dục đặt biệt rất khác với người lớn về nhu cầu tâm lý cũng như sinh lý. Trẻ em không phải là người lớn thu nhỏ”. Vì vậy, việc tiến hành hàng loạt các xét nghiệm chỉ có thể đạt được mục tiêu là loại trừ hoặc xác định các tổn thương thực thể trên hệ thần kinh và các giác quan như nghe, nói,… để có thể có cái nhìn rõ ràng hơn về tình trạng của trẻ, chứ không giúp ích gì nhiều cho việc điều trị.
Lúc nhỏ, trẻ tự kỷ thường biểu lộ nhu cầu qua tiếng khóc. Lớn lên, trẻ biểu lộ ý muốn bằng cách kéo tay người lớn đến vật mong muốn. Thường khi đó, trẻ không diễn cảm qua nét mặt. Tuy nhiên, trẻ không biết chỉ tay, không biết gật đầu, lắc đầu, bé cũng không tham gia các trò chơi bắt chước, không có khả năng bắt chước làm theo những việc làm của bố mẹ như những trẻ bình thường vẫn làm. Đặc biệt, bé không hiểu được ý nghĩa của những cử chỉ, điệu bộ của người lớn. Khi lớn lên, đôi khi trẻ có thể sử dụng và có khi hiểu được cử chỉ điệu bộ của người lớn. Một số trẻ đạt đến khả năng chơi bắt chước, nhưng cách chơi thường vẫn có tính rập khuôn và lặp đi lặp lại.
Giáo sư Trương Nguyện Thành đứng ở góc độ một người cha có con mắc tự kỷ cũng chia sẻ rằng, trẻ tự kỷ vẫn có thể biểu lộ cảm xúc vui, sợ, giận dữ… nhưng cách thể hiện có khuynh hướng cực đoan. Nét mặt thường không diễn tả ý nghĩa. Một số trẻ hầu như thể hiện nét mặt vô cảm. Ở mức độ nhẹ, trẻ có thể tuân theo những chỉ dẫn đơn giản, nếu chỉ dẫn được đưa ra đúng bối cảnh tức thời, hoặc có kèm theo những cử chỉ, điệu bộ minh họa tương ứng.
Trẻ bị khiếm khuyết khả năng hiểu những ý nghĩa trừu tượng và tinh tế. Tính hài hước và diễn đạt thành ngữ cũng bị nhầm lẫn ngay cả ở những trẻ tự kỷ thông minh nhất. Nhiều trẻ tự kỷ ít bập bẹ trong năm đầu tiên. Nhiều trẻ gần như câm nín cho đến 5 tuổi. Khoảng 1/2 trẻ tự kỷ sẽ bị câm nín suốt đời. Nếu trẻ phát triển lời nói, thường lời nói cũng sẽ có bất thường.
Tác phẩm Cha voi và câu chuyện dành cả cuộc đời đồng hành với người con tự kỷ Mỗi một trẻ có nhu cầu đặc biệt là một cá thể riêng biệt, đòi hỏi những biện pháp giáo dục phù hợp vì trẻ không thể nào tiếp thu được các bài học theo các phương pháp giáo dục phổ thông, mà phụ huynh cần phải có sự tham khảo với một số chuyên gia để cùng nhau xây dựng một chương trình giáo dục phát triển cho trẻ. Giáo sư Trương Nguyện Thành dành lời khuyên cho các bậc cha mẹ trước tiên phải là tấm gương cho con cái học tập và noi theo. Đồng thời, cha mẹ phải tạo ra những "bài học tình huống cố ý" để con có cơ hội trải nghiệm và thực tập trước khi thực sự đối phó với những khó khăn trong cuộc sống. Giáo sư Trương Nguyện Thành cũng kể lại chuyện ông cố ý tạo ra những tình huống bất ngờ để các cậu con trai của mình tự tìm cách xử lý, giải quyết vấn đề. Như chuyện tác giả hướng dẫn cậu con trai mắc chứng tự kỷ không còn ăn vạ đòi quà khi đi siêu thị mua đồ cùng cha mẹ, hay ông rèn luyện cho cậu con lòng kiên trì qua những điều nhỏ nhặt và gần gũi trong cuộc sống. Tác phẩm Cha Voi của giáo sư không chỉ là cẩm nang tập hợp những phương thức giáo dục con trẻ mà còn là câu chuyện của tác giả trong quá trình chiêm nghiệm cách giúp con cái trưởng thành, đồng thời trưởng thành cùng con. Tác giả cũng muốn gửi gắm một thông điệp: Mục tiêu cuối cùng của việc dạy con chính là cha mẹ có thể an tâm con sẽ sống thành công và hạnh phúc khi không có họ kề bên. |