Từ những thước phim học trò

Từ những thước phim học trò

2010 là năm sôi động của điện ảnh Việt Nam cả nghĩa rộng lẫn nghĩa hẹp. Bề nổi thì có thể thấy qua những tác phẩm đã công bố, tạo được dư luận xã hội. Nhưng đằng sau đó, ở một góc hẹp hơn, có những hoạt động tự phát cũng đã tạo nên sự quan tâm không nhỏ của giới trẻ. Chính điều này đã và đang tạo nên những cái nhìn lạc quan về điện ảnh Việt Nam trong tương lai gần.

  • Từ những sản phẩm tự phát...

Một bạn trẻ Trường Đào tạo mỹ thuật đa phương tiện Hà Nội - Arena nảy ý tưởng thành lập câu lạc bộ quay phim, nhiếp ảnh 4Cus Media. Cùng nhóm bạn của mình, bạn này đã thực hiện đoạn phim ngắn đầu tay mang tên “Locked”. Bất ngờ “Locked” lọt vào vòng chung kết cuộc thi ATV Media, do Trường Đào tạo lập trình viên quốc tế Hà Nội - Aptech phối hợp cùng Trường Đào tạo mỹ thuật đa phương tiện Hà Nội - Arena tổ chức.

Không chỉ được ban giám khảo đánh giá cao, “Locked” còn nhanh chóng lan truyền trên các diễn đàn và nhận được nhiều lời khen về khả năng diễn xuất, kỹ thuật quay phim, kỹ xảo.

Còn nhóm FU là các bạn trẻ nổi tiếng trên mạng với bộ phim “Try”. Họ là các thành viên của một lớp 12 Trường THPT Nguyễn Chí Thanh quận Tân Bình, TPHCM. “Try” là bộ phim về đời sống học trò khá thú vị, được các bạn học sinh chuyền tay nhau suốt một thời gian dài. Cơn sốt của bộ phim này còn khiến một số cơ sở in đĩa lậu copy bộ phim từ trên mạng vào đĩa để bán cho học sinh.

Tiếp sau đó là nhóm học sinh lớp 9 Trường Nguyễn Phong Sắc - Hà Nội, với đoạn phim có tên “Boy Over Powers - The Meteor Strike”, thu hút hàng trăm ngàn lượt truy cập vào trang web youtube để xem những pha hành động, kỹ xảo lạ và chưa từng có của điện ảnh Việt Nam.

Phải nói rằng, hầu hết những bộ phim của các bạn trẻ trên đây đều được thực hiện một cách tự phát, chủ yếu làm cho vui, để được thể hiện mình, để được thử sức với những công nghệ hiện đại... Do đó, phần lớn các phim có nội dung hết sức đơn giản, hoặc thậm chí không có nội dung, chủ yếu là những pha hành động, những màn biểu diễn kỹ xảo và đôi lúc quá đà dẫn đến những yếu tố bạo lực, gây phản cảm đối với người xem.

Tuy nhiên, nhìn dưới góc độ phát triển tài năng, đây có thể xem là những nhân tố tốt để định hướng, góp phần vào sự nghiệp điện ảnh trong tương lai.

Không chỉ những nhóm bạn đam mê “trò chơi điện ảnh” kể trên, gần đây xuất hiện một phong trào làm clip qua điện thoại di động, mà khởi đầu bằng cuộc thi “Điện ảnh trong tầm tay” do Nokia phối hợp với Công ty BHD và Saiga Films tổ chức. Nhiều bạn trẻ đã phát hiện ra đây là một cuộc chơi thú vị, mặc dù không tham gia cuộc thi nhưng các bạn vẫn thực hiện những clip của cá nhân mình, quay những gì mà các bạn quan sát được trong cuộc sống và đưa lên Facebook để bạn bè thưởng thức.

Một cảnh trong phim Try của nhóm học sinh lớp 12, Trường THPT Nguyễn Chí Thanh, quận Tân Bình, TPHCM. Ảnh: T.L.

Một cảnh trong phim Try của nhóm học sinh lớp 12, Trường THPT Nguyễn Chí Thanh, quận Tân Bình, TPHCM. Ảnh: T.L.

  • ... đến những cuộc thi kết nối

Điện ảnh có một sức hút rất lớn, đó là lý do vì sao những cuộc chơi mang tính nghề nghiệp này luôn được quan tâm. Cách đây vài năm, Đại sứ quán Nhật Bản tại Việt Nam cũng đã tổ chức liên hoan phim toàn quốc cho học sinh, nhằm tạo sân chơi và thúc đẩy tư duy sáng tạo những bạn trẻ đam mê điện ảnh.

Hội Điện ảnh Việt Nam cũng có một giải được tổ chức hàng năm mang tên “Cánh diều dành cho phim ngắn”. Tuy nhiên, cuộc thi này phần lớn mới chỉ thu hút các bạn sinh viên trường điện ảnh tham gia tranh tài. Có khá nhiều bộ phim từ cuộc thi này đã tạo tiếng vang trong và ngoài nước.

Và còn nhiều nữa các dự án làm phim, cuộc thi làm phim do các trung tâm văn hóa, điện ảnh, các trường đại học, Viện Goethe Hà Nội, Trung tâm Hỗ trợ phát triển tài năng điện ảnh - TPD Center... để tìm ra các nhân tố mới góp phần phát triển tài năng làm phim mới cho điện ảnh Việt Nam.

Gần đây nhất, một sân chơi điện ảnh đã làm được công việc kết nối những bạn trẻ đam mê nghệ thuật thứ bảy của Việt Nam ở khắp nơi trên thế giới cùng thi thố tài năng. Đó là sân chơi do YxineFF (một website phim trực tuyến) khởi xướng. Ra đời với mong muốn giới thiệu tác phẩm của các nhà làm phim mới và sáng tạo đến khán giả, đồng thời tạo dựng một cộng đồng các nhà làm phim để cùng giúp đỡ nhau phát triển tiếng nói độc lập của điện ảnh Việt Nam trên thế giới.

Những ngày đầu năm 2011, từ cuộc thi này đã xuất hiện một số gương mặt làm phim trẻ được công chúng chú ý. Đó không chỉ là những gương mặt đoạt giải như Vũ Quang Huy (Mỹ) với “Nghĩ về anh”, Đỗ Đăng Thường (Việt Nam) với “Cuộc hành trình không tên”, Vũ Ngọc Phượng (Philippines) với “Tình yêu”, Lê Quý Dương (Việt Nam) với “Trên ngọn cây”... mà còn là những gương mặt của hàng chục bộ phim được lần lượt giới thiệu để khán giả thưởng thức và bình chọn trong suốt cuộc thi.

Với 3 tiêu chí: “Rung cảm, độc đáo và nhân văn” của cuộc thi lần này, và cũng là tiêu chí chung mà các tác phẩm điện ảnh cần hướng tới, hy vọng năm 2011 sẽ mở ra những cánh cửa mới cho các bạn trẻ có thể sẽ góp phần tích cực làm thay đổi diện mạo điện ảnh Việt Nam

HÀ GIANG

Tin cùng chuyên mục