Túi trữ nước ngọt, giải pháp hữu hiệu trong mùa hạn mặn

Sáng 10-1, qua buổi hội thảo giới thiệu túi trữ nước ngọt theo Chương trình KH&CN trọng điểm cấp Nhà nước GĐ 2014 – 2019 do Công ty CP Nhựa Tân Đại Hưng sản xuất, người dân xã Tân Phú, huyện Châu Thành, tỉnh Bến Tre đã có dịp tìm hiểu thêm một giải pháp hữu hiệu để ứng phó với tình trạng hạn mặn tại địa phương. 
Bà con địa phương tham dự hội thảo tìm hiểu túi trữ nước ngọt của Công ty CP Nhựa Tân Đại Hưng.
Bà con địa phương tham dự hội thảo tìm hiểu túi trữ nước ngọt của Công ty CP Nhựa Tân Đại Hưng.

Hạn hán và xâm nhập mặn hiện đang là vấn đề "nóng" của các tỉnh ĐBSCL. Các dữ liệu của Bộ Tài nguyên và Môi trường cho thấy trong mùa khô 2019-2020 ở ĐBSCL, tình trạng hạn hán, xâm nhập mặn sẽ ở đến sớm hơn, sâu hơn và gay gắt hơn so với trung bình nhiều năm.

Theo dự báo, sẽ có khoảng 158.000 hộ dân thiếu nước sinh hoạt trong thời gian tiếp theo của mùa khô. Do vậy, chính quyền các tỉnh ĐBSCL đã triển khai một số giải pháp cấp bách như xây dựng kịch bản ứng phó với nhiều cấp độ hạn mặn, thường xuyên đo độ mặn trên các sông, kênh rạch, các công trình đầu mối, các nhà máy nước để vận hành công trình lấy, trữ nước hợp lý… 

Tại xã Tân Phú, huyện Châu Thành, tỉnh Bến Tre, tình hình hạn mặn trên địa bàn xã đang diễn biến phức tạp, độ mặn tại các cửa sông ngày càng tăng. Do bà con ở xã Tân Phú hiện nay chủ yếu sống dựa vào nông nghiệp, dự báo năm nay có nguy cơ bà con sẽ thiệt hại lớn.

“Trước tình hình trên, địa phương đã liên tục cập nhật độ mặn hàng ngày trên các phương tiện truyền thông, đồng thời vận động bà con chủ động tích trữ nước mưa, nước ngọt phục vụ sinh hoạt và sản xuất” - ông Trần Hoàng Liêm, Chủ tịch UBND xã cho biết.

Túi trữ nước ngọt, giải pháp hữu hiệu trong mùa hạn mặn ảnh 1 Ông Trần Hoàng Liêm, Chủ tịch UBND xã Tân Phú nhận xét túi trữ nước là lựa chọn phù hợp để bà con tích nước ứng phó hạn mặn.

Đến dự hội thảo, anh Lê Văn Thai (ấp Phú Luông, xã Tân Phú) cho biết, nhà anh có 1ha trồng cây chôm chôm và sầu riêng. Trong đợt hạn mặn năm 2016, anh cũng như bà con ở đây bị thiệt hại nhiều. Năm nay, anh đã đào xong ao trữ nước, tuy nhiên với tình hình xâm nhập mặn hiện tại, anh vẫn lo là sẽ không đủ nước tưới tiêu.

Sau khi tìm hiểu thông tin về túi trữ nước sinh hoạt và sản xuất do Công ty CP Nhựa Tân Đại Hưng sản xuất, anh Thai nhận xét: “Tôi thấy loại túi này rất chắc chắn, dễ vận chuyển vào vườn để trữ nước, đúng là sản phẩm mà bà con địa phương đang cần. Chắc tôi phải gọi thêm mấy người quen ra đây tìm hiểu thêm”.

Theo ông Phạm Trung Cang, Phó Chủ tịch HĐQT Công ty CP Nhựa Tân Đại Hưng, đây là sản phẩm ứng dụng giải pháp công nghệ thân thiện với môi trường, được sản xuất theo Chương trình KH&CN trọng điểm cấp nhà nước giai đoạn 2014-2019 với tên gọi “Khoa học và công nghệ phục vụ phát triển bền vững Tây Nam Bộ”, phù hợp với quy chuẩn quốc gia về an toàn vệ sinh QCVN 12-1:2011/BYT.

Túi trữ nước ngọt có cấu tạo gồm 2 lớp. Lớp vỏ bên ngoài là vải địa kỹ thuật được dệt bằng sợi nhựa PP, có độ bền cao. Lớp bên trong là nhựa PE (ghép 3 lớp) được sản xuất theo tiêu chuẩn chất lượng ASTM của Mỹ và phù hợp với quy chuẩn quốc gia về an toàn vệ sinh. Sản phẩm có thể thích nghi với nhiều điều kiện môi trường lắp đặt khác nhau như mặt đất bằng, ao nước, rãnh nước... Tùy vào điều kiện của từng hộ gia đình và mặt bằng không gian rộng hay hẹp, túi có thể được thay đổi kích thước cho phù hợp.

So với các sản phẩm tích trữ nước khác, túi trữ nước ngọt có ưu điểm là giá thành hợp lý (khoảng 2,4 triệu đồng/chiếc túi trữ được tới 15m³ nước, đủ khả năng tưới 0,5ha), dễ dàng vận chuyển và lắp đặt, có thể gấp gọn sau sử dụng. Nếu bảo quản tốt, túi có độ bền từ 8 - 10 năm trong điều kiện trực tiếp tiếp xúc ngoài trời, một lựa chọn phù hợp để bà con trữ nước sinh hoạt và tưới tiêu để kịp thời ứng phó với hạn mặn năm nay và những năm sắp tới.

Tin cùng chuyên mục