Tung tin xấu, tin độc, có thể bị xử phạt tù ​

“Dù đã đưa tin tiêu cực hay tích cực thì vẫn phải với mục tiêu khích lệ Việt Nam mạnh lên chứ không phải làm xói mòn sức mạnh đất nước”, người đứng đầu Bộ Thông tin và Truyền thông nhấn mạnh.
 Bộ trưởng Bộ Thông tin và truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng tại phiên chất vấn sáng 8-11. Ảnh: VIẾT CHUNG
Bộ trưởng Bộ Thông tin và truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng tại phiên chất vấn sáng 8-11. Ảnh: VIẾT CHUNG

Trực tiếp trả lời chất vấn tại Quốc hội sáng nay, 8-11, Bộ trưởng Bộ Thông tin và truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng cho biết, dưới sự chỉ đạo quyết liệt, sâu sát của Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ, ngành Công nghệ thông tin và truyền thông nước nhà đã có bước phát triển đáng kể, mặc dù bên cạnh đó vẫn còn nhiều vấn đề nhức nhối như vận chuyển hàng lậu hàng cấm qua kênh bưu chính; sim rác, tin nhắn rác, tin giả, tin xấu, tin độc… 

Nhận định rằng trong bối cảnh hiện nay, “mỗi người dùng mạng xã hội Việt Nam có thể tạo ra một cơ quan truyền thông, trong đó có nhiều trang mạng xấu, độc, nhưng cũng có một lượng độc giả lớn, hình thành các luồng dư luận tác động xấu đến đời sống xã hội”, ĐB Lê Công Nhường muốn biết giải pháp của Bộ trưởng.

Tung tin xấu, tin độc, có thể bị xử phạt tù ​ ảnh 1 ĐB Lê Công Nhường tại phiên họp sáng 8-11. Ảnh: VIẾT CHUNG

Ông Nhường cũng rất băn khoăn về việc định hình đô thị thông minh sao cho con người phát triển toàn diện, không lệch lạc, sống “ảo” nhiều hơn thực…

Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng khẳng định, tin xấu, tin độc trên mạng xã hội là câu chuyện mang tính toàn cầu, không chỉ riêng nước ta, mà cả thế giới đang phải đối diện.

“Tôi nghĩ đầu tiên là hành lang pháp lý. Ở các nước trong ASEAN, việc xử lý tin giả, tin xấu, độc rất được chú trọng và mang tính răn đe. Như Singapore, những người tung tin có thể bị phạt đến hàng triệu đô la, thậm chí phải đi tù đến 10 năm. Chúng ta cũng sẽ ban hành quy định pháp luật về vấn đề này. Thủ tướng Chính phủ đã giao cho Bộ Công an. Chúng tôi đang phối hợp rất chặt chẽ với Bộ Công an để sớm có quy định của pháp luật về xử lý vấn đề tin giả”, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng nói.

Bên cạnh đó, ông Hùng cho biết, sẽ tăng cường quản lý những công ty nền tảng xuyên biên giới. Bộ Thông tin và truyền thông đã có nhóm chuyên trách làm việc, Tổng cục Thuế, Bộ Công an, Ngân hàng Nhà nước để thường xuyên rà soát, đảm bảo các công ty này phải tuân thủ pháp luật.

“Một yêu cầu rất quan trọng là có thể tìm ra danh tính của các tài khoản trên mạng xã hội để tránh việc một số người nghĩ rằng trên mạng xã hội là không xác định danh tính, từ đó thiếu trách nhiệm khi đưa thông tin lên. Cũng cần có công cụ tự động để những tin xấu độc đã được định nghĩa tự động xoá bỏ”, ông Hùng cho biết.

Vị Bộ trưởng đề nghị toàn xã hội cảnh giác hơn với thông tin xấu, độc, nâng cao kỹ năng ứng xử trong không gian mạng, bởi lẽ “mỗi khi chúng ta đọc một tin xấu là vô hình trung nuôi tin xấu đó”. Nếu người đọc được trang bị kỹ năng phân biệt thật giả, đúng sai, thì tin giả, tin độc sẽ bọ vô hiệu hóa.

Được tái chất vấn, Bộ trưởng Hùng đề nghị mỗi người đọc khi phát hiện tin giả, tin xấu, độc, cần thể hiện rõ thái độ của mình bằng nút “dislike”.

Về đô thị thông minh, Bộ trưởng giải thích: “Vấn đề là chúng ta phải tìm ra một hình thái hài hòa. Đô thị thông minh phải xoay xung quanh con người, chẳng hạn như để cho người dân giao tiếp với chính quyền một cách thuận lợi hơn, nhanh hơn. Người dân cũng được tạo điều kiện để có tiếng nói tham gia vào các vấn đề của đất nước nhiều hơn. Trách nhiệm của Nhà nước, của các bộ, ngành là giải quyết hài hoà mối quan hệ này”.

Ông Hùng cũng khẳng định, trong tháng 11, Bộ Thông tin và Truyền thông sẽ ban hành hướng dẫn về phát triển đô thị thông minh trong cấu phần công nghệ thông tin.

Cũng tại phên họp sáng 8-11, đề cập đến mạng xã hội của riêng Việt Nam, các ĐB Tô Thị Bích Châu (TPHCM), Nguyễn Thị Mai Hoa (Đồng Tháp) nhìn nhận, tỷ lệ người Việt Nam tham gia mạng xã hội nước ngoài cao hơn rất nhiều so với mạng xã hội trong nước và trên thực tế, công tác quản lý đối với mạng xã hội nước ngoài gặp rất nhiều khó khăn.

“Tôi muốn Bộ trưởng trả lời, theo dự báo thì đến lúc nào mạng xã hội trong nước của chúng ta đủ mạnh để có thể thay thế được mạng xã hội nước ngoài”, bà Nguyễn Thị Mai Hoa chất vấn.

Trước đó, ĐB Tô Thị Bích Châu cũng thẳng thắn phát biểu: Tôi thật sự lấy làm tiếc về trả lời của Bộ trưởng về vấn đề 50 triệu người dân Việt Nam sử dụng Facebook, nhưng Bộ trưởng chưa đưa ra một giải pháp thực sự hiệu quả để ngăn chặn những tin xấu, độc. Mới chỉ có giải pháp tình thế chứ không phải là giải pháp lâu dài”.

Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng trả lời: “Trong số hơn 200 nước và vùng lãnh thổ trên thế giới, có rất ít nước đặt ra vấn đề chỉ sử dụng mạng xã hội riêng. Về việc xây dựng mạng riêng, nâng cao mức độ tự chủ của nền kinh tế thì sau khi nhận nhiệm vụ Bộ trưởng 15 ngày sau, tôi đã cho thành lập tổ công tác hỗ trợ phát triển mạng xã hội Việt Nam. Việt Nam có thuận lợi là có rất nhiều công ty công nghệ thông tin. Các mạng xã hội Việt Nam hiện cũng có tổng cộng khoảng 65 triệu tài khoản sử dụng và nếu tiếp tục đẩy mạnh, cộng với sự hỗ trợ của người dân ưu tiên dùng hàng Việt Nam thì đến năm 2020 cũng đạt 90 triệu tài khoản, tương đương với các mạng xã hội nước ngoài”.  

Ông Hùng giải thích, cần phải đặt mục tiêu số tài khoản sử dụng mạng trong nước tương đương nước ngoài là để phân tán dữ liệu, đảm bảo cho người sử dụng không bị một mạng nào hoàn toàn chi phối. Thế nhưng, nếu đặt mục tiêu mạng “nội” thay thế hoàn toàn mạng “ngoại” thì rất ít nước làm được việc này.

“Chúng ta kêu gọi đầu tư nước ngoài, không cản trở họ, ai vào đây làm ăn cũng được, làm nhiều càng tốt, nhưng chỉ có mỗi một điều kiện là tuân thủ luật pháp Việt Nam. Vào đây làm ăn thịnh vượng, đồng thời phải làm cho Việt Nam thịnh vượng. Mạng xã hội Việt Nam song song tồn tại với các mạng nước ngoài, với điều kiện nước ngoài ngoài tuân thủ luật pháp Việt Nam như các mạng xã hội Việt Nam về ngăn chặn thông tin xấu một cách hiệu quả”, người đứng đầu ngành Thông tin truyền thông nhấn mạnh.

ĐB Nguyễn Lân Hiếu (An Giang) chất vấn Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng: “Sáng đăng, trưa gặp, tối gỡ”, tình trạng này Bộ trưởng xử lý thế nào?

Theo Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng: Chuyện gỡ bài thì đúng là chúng ta cũng đã nghe. Bây giờ với hàng ngàn cơ quan báo chí, nếu chúng ta ngồi rà soát bằng tay thì không khả thi. Theo quy định hiện hành, tất cả các báo, tạp chí đều phải có trách nhiệm nộp lưu chiểu và đưa về trung tâm lưu trữ dưới dạng điện tử. Vừa qua, Bộ Thông tin và Truyền thông đã có một công cụ phân tích, phát hiện chuyện sửa bài, gỡ bài.

Công cụ này không chỉ riêng Bộ mà cả Hội nhà báo, Ban Tuyên giáo, một số Sở Thông tin và truyền thông cũng sử dụng. Những trường hợp gỡ bài có dấu hiệu tiêu cực thì phải làm rõ, xử lý. Bên cạnh đó, chúng ta đã có hẳn một bộ quy tắc về đạo đức nghề báo. Hội Nhà báo và cơ quan quản lý Nhà nước là Bộ Thông tin và Truyền thông cần phối hợp để làm mạnh mẽ hơn nữa việc này.

Tin cùng chuyên mục