(SGGPO).-Hôm nay 11-5, Tòa Phúc thẩm TAND Tối cao tại TPHCM đã đưa ra xét xử phúc thẩm vụ án họat động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân đối với 3 bị cáo: Trần Huỳnh Duy Thức (SN 1966, ngụ quận Tân Bình TPHCM), Lê Công Định (SN 1968, ngụ quận 7 TPHCM), Lê Thăng Long (SN 1967, ngụ TP Hà Nội).
Tại phiên xử sơ thẩm, bị cáo Long không chấp nhận sự bào chữa của luật sư Nguyễn Minh Tâm với lý do quan điểm giữa luật sư và bị cáo khác nhau. Tuy nhiên, tại phiên xử phúc thẩm, bị cáo Long đã chấp nhận để luật sư Tâm bào chữa cho mình. Riêng bị cáo Định vẫn từ chối luật sư do tòa án chỉ định, xin được tự bào chữa tại tòa.
Trước lời chối tội của bị cáo Thức, hội đồng xét xử cho công bố lời khai của bị cáo tại cơ quan điều tra: “Tôi đã mắc sai lầm, nay bị khởi tố để điều tra về tội hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân là đúng. Mong các cơ quan pháp luật xem xét giảm nhẹ, khoan hồng”.
Còn bị cáo Long đã nhận bị cáo yêu Đảng Cộng sản Việt Nam, yêu chế độ; bị cáo không muốn phá bỏ Đảng Cộng sản Việt Nam mà chỉ muốn xây dựng nhà nước tốt hơn, nhưng bị cáo đã chọn cách thể hiện sai lầm.
Cuối phiên xử buổi sáng, đại diện VKSND Tối cao giữ quyền công tố tại phiên tòa đã phát biểu quan điểm luận tội. Công tố viên cho rằng từ lời khai nhận của các bị cáo và chứng cứ khác có trong hồ sơ cho thấy các bị cáo này đã có nhiều hoạt động viết bài xuyên tạc, nói xấu gây chia rẽ nội bộ, kêu gọi đa nguyên đa đảng, tập hợp lực lượng nhằm lật đổ chính quyền Nhà nước CHXHCN Việt Nam. Từ đó, công tố viên đề nghị hội đồng xét xử bác kháng cáo, tuyên y án sơ thẩm đối với ba bị cáo.
Lúc 15 giờ 30 chiều nay, hội đồng xét xử đã tuyên án. Theo hội đồng xét xử, dù bị cáo Thức khai rằng hoạt động của mình là nhằm xây dựng đất nước nhưng có đủ căn cứ cho thấy chính bị cáo là người tổ chức, xúi giục và là người hoạt động đắc lực trong “Nhóm nghiên cứu Chấn”, tham gia tích cực trong tổ chức phản động có tên gọi là “Đảng Dân chủ Việt Nam” với mục tiêu thay đổi chế độ chính trị ở Việt Nam, lật đổ chính quyền nhân dân. Do vậy không có căn cứ chấp nhận kháng cáo kêu oan của bị cáo.
Về phần bị cáo Định, tuy bị cáo thành khẩn nhận tội, nhưng với vai trò đồng phạm tích cực trong vụ án, mức án 5 năm tù mà bản án sơ thẩm tuyên đối với bị cáo là có cơ sở; tình tiết bị cáo nêu ra để xin được giảm nhẹ hình phạt sẽ được xem xét trong giai đoạn bị cáo chấp hành hình phạt tù để được xét giảm án, tha tù trước thời hạn.
Riêng đối với bị cáo Long, hội đồng xét xử cho rằng việc bị cáo không nhận tội tại phiên xử sơ thẩm, làm đơn kháng cáo kêu oan nhưng tại phiên tòa phúc thẩm lại xin được hưởng sự khoan hồng của pháp luật đã thể hiện sự biến chuyển trong tư tưởng, bị cáo đã nhận thức được hành vi của mình là sai trái, cần giảm một phần hình phạt cho bị cáo.
Với những nhận định trên, hội đồng xét xử phúc thẩm đã tuyên y án sơ thẩm, xử phạt Trần Huỳnh Duy Thức 16 năm tù, Lê Công Định 5 năm tù; sửa một phần bản án sơ thẩm, giảm từ 5 năm tù xuống còn 3 năm 6 tháng tù đối với Lê Thăng Long cùng về tội “Hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân”.
ÁI CHÂN