U70 học… Internet!

Xa mấy cũng đi
U70 học… Internet!

Không ít người cho rằng: Công nghệ thông tin chỉ phù hợp với giới trẻ, vì họ là đối tượng luôn thích tìm tòi, khám phá. Thế nhưng ở Trung tâm Tư vấn ứng dụng kinh tế (thuộc Viện Kinh tế TPHCM) có những lớp Internet miễn phí mà học viên toàn là các cụ, “nhỏ nhất” cũng đã… thuộc hàng U60, U70.

Xa mấy cũng đi

“Lên đây xa quá ông ơi. Hay mình xin học ở quê cho tiện, chứ đi về mất hơn trăm cây số, cực lắm”. “Không, bà về cứ về, tui học ở đây thôi”!

U70 học… Internet! ảnh 1

Học viên cao tuổi trong lớp học Internet

Mẩu trò chuyện của đôi vợ chồng già quê ở Long An khiến những người xung quanh phải phì cười. Mặc cho người vợ can ngăn, ông cụ vẫn một mực xin ghi tên đăng ký để học. Ông còn cho biết, phải cố gắng lắm mới thu xếp được thời gian nên nhất định phải đợi đến khi nào ông được “sờ” vào cái máy tính thì thôi.

Các cụ tìm đến đây học hầu hết là cán bộ, công chức nghỉ hưu, cũng có cả những người làm nghề xe ôm, buôn bán nhỏ… Có ông bà quê mãi Quảng Nam, Ninh Thuận, Bình Thuận, Cà Mau… hay tin cũng tìm đến lớp học. Có cụ vì nhà xa quá đành phải thuê nhà trọ để học, có cụ bận công việc gia đình nên chấp nhận đi xe đò từ miền Tây lên, học xong lại đón xe về.

Ông Lê Văn Quang ở Đức Hòa, Long An hàng ngày chạy xe gắn máy lên TP, cả đi cả về hơn 100km để lên lớp được nhìn cái máy tính, được học chat, gửi mail, đọc báo điện tử… là ông mê lắm.

Ông cho hay: “Hồi trước đâu biết “lích” chuột là gì đâu. Đụng vô máy sợ nó hư. Nay, được các thầy chỉ cho từng chút, ráng mày mò thêm nên giờ ghiền lắm”.

Anh Nguyễn Hữu Thọ (quận 5, TPHCM) 50 tuổi, làm văn phòng nhưng chẳng bao giờ anh sờ đến chiếc máy tính, thành thử mang tiếng là người thành phố nhưng anh mù tịt về vi tính. Gần đây, hay tin có lớp dạy vi tính cho người già, anh Thọ bàn với vợ phải đi học. Anh nói, “tưởng cả đời này sẽ chẳng bao giờ đụng đến cái máy tính nhưng học rồi mới thấy mê, thấy tiếc sao mình không học sớm…”.

Ông Đặng Hùng Anh, 65 tuổi (quận 7) là đại tá công an đã nghỉ hưu. Ông cho biết: “Con, cháu trong nhà đều thành đạt cả nhưng nhờ chúng chỉ cách xài máy tính thì chúng kêu bận. Tui phải lên đây học, quyết không chịu… thua tụi nó”.

Vui, buồn lớp học

Giảng viên Phan Phúc Thịnh kể: “Có lần tôi hướng dẫn một cụ hơn 70 tuổi, chỉ đi chỉ lại cụ không nhớ. Nói xong - quên, giảng xong - quên, chỉ xong cũng quên. Thất vọng quá, tôi hỏi sao chỉ hoài mà bác không nhớ gì hết, lúc đó ông cụ mới thều thào rằng bác bị bệnh mất trí nhớ. Vậy là phải dạy riêng cho bác ấy bằng cách sử dụng hình vẽ và màu sắc vì chữ và các ký hiệu thì ông cụ không nhớ nhưng màu sắc và hình vẽ thì cụ nhớ”.

Có cụ già quá, loay hoay không biết cầm chuột thế nào, nhìn lên màn hình đọc mãi không ra vì toàn tiếng Anh… nhưng đa phần ai cũng vui vì biết được nhiều điều hay.

“Trong giờ học nhiều cụ vui quá, cười phá lên, có cụ vỗ đùi cái đét, sung sướng như tìm ra được kho báu gì quý lắm. Cũng không ít cụ hiểu lầm, đang học bỗng đứng dậy bỏ về vì thầy giáo giảng nhanh quá. Có lần, máy tôi không nối được tới máy của bác đó, cả lớp nhìn tôi thực hành nhưng riêng máy của bác ấy lại không đọc được, vậy là bác đứng dậy, bỏ về luôn, lần sau không thèm đến nữa”, anh Thịnh nói.

“Hướng dẫn người già phải hiểu được tâm lý và trình độ của họ, phải nhẹ nhàng, từ từ. Chúng tôi cố gắng thiết kế những phần mềm, giao diện đơn giản, dễ học nhất để các cụ có thể đọc và dễ nhớ. Đa phần ai đến học cũng vui vì không những biết thêm kiến thức mà còn được kết bạn được tham gia vào câu lạc bộ của lớp”, giảng viên Thái chia sẻ.

Từ khi thành lập, trung tâm đã hướng dẫn Internet cho gần 3.000 cụ. Hiện nay, số lượng đến đăng ký ngày càng đông nên lớp phải tăng lên 7 ca/ngày, mỗi tháng đào tạo cho gần 500 cụ.

Chị Khổng Thị Minh Giang, trợ lý giám đốc cho biết: “Đây là một chương trình xã hội nên chúng tôi muốn nhân rộng ra các địa phương khác, để người già ở nông thôn, vùng sâu vùng xa cũng được học Internet. Nếu hợp tác được với các địa phương, trung tâm sẽ bàn giao lại chương trình học, nội dung giáo trình, các phần mềm cơ bản…, địa phương đó chỉ cần bố trí địa điểm học và giáo viên dạy”.

HOÀNG HOA

Tin cùng chuyên mục