Ứng phó dịch Covid-19 năm 2022-2023: Chuyển từ phòng chống sang quản lý bền vững

Ngày 3-5, Bộ Y tế đã có công văn xin ý kiến góp ý dự thảo phương án bảo đảm công tác y tế ứng phó với các tình huống dịch Covid-19 năm 2022-2023. Trong phương án này, Bộ Y tế xây dựng 2 tình huống dịch Covid-19 trong giai đoạn chuyển tiếp từ phòng chống đại dịch sang quản lý bền vững.
Tiêm vaccine Covid-19 cho trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi tại TPHCM. Ảnh: THÀNH SƠN
Tiêm vaccine Covid-19 cho trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi tại TPHCM. Ảnh: THÀNH SƠN

Vaccine là ưu tiên hàng đầu

Tình huống thứ nhất là chủng virus SARS-CoV-2 vẫn tiếp tục tiến hóa nhưng do cộng đồng đã có miễn dịch nên số trường hợp nặng và tử vong giảm dần. Các ổ dịch không còn nghiêm trọng như trước hoặc xuất hiện biến thể mới của virus SARS-CoV-2 nhưng ít nghiêm trọng hơn. Tình huống thứ hai là xuất hiện biến thể mới của SARS-CoV-2 có khả năng làm giảm hiệu quả vaccine hoặc miễn dịch, khiến ca nhiễm có triệu chứng nghiêm trọng hoặc tử vong tăng lên, đặc biệt ở các nhóm dễ bị tổn thương.

Trong 2 tình huống trên, Bộ Y tế nhấn mạnh nguyên tắc vaccine là biện pháp hữu hiệu trong việc giảm nguy cơ chuyển nặng, tử vong. Tỷ lệ bao phủ vaccine cao ở tất cả các nhóm đối tượng, đặc biệt là nhóm dễ bị tổn thương và nhóm nguy cơ cao là nền tảng để từng bước nới lỏng các biện pháp y tế và biện pháp xã hội khác.

Bên cạnh đó, trong tình huống thứ nhất, Bộ Y tế đề xuất một số hoạt động tập trung, như: nghiên cứu tiêm vaccine mũi thứ 4 cho người lớn; tiêm mũi thứ 3 cho trẻ em từ 5 tuổi đến dưới 18 tuổi và tiêm cho trẻ em từ 3 tuổi đến 5 tuổi, sớm triển khai tiêm cho các nhóm đối tượng ngay trong năm 2022.  

Với tình huống thứ hai, Bộ Y tế sẽ phối hợp chặt chẽ với Tổ chức Y tế thế giới (WHO), các nhà sản xuất vaccine để cập nhật các loại vaccine phù hợp với biến thể mới, kịp thời báo cáo Chính phủ để cập nhật và cho phép mua bổ sung phục vụ tiêm chủng cho người dân; theo dõi sát diễn biến tình hình dịch bệnh trên thế giới, tăng cường công tác giám sát sự xâm nhập của biến thể mới tại các cửa khẩu; tiếp tục giám sát, phát hiện sớm các trường hợp mắc bệnh tại cộng đồng, tập trung giám sát các trường hợp nhập viện, điều trị tích cực và các trường hợp tử vong; thực hiện linh hoạt nguyên tắc “ngăn chặn - phát hiện - cách ly - khoanh vùng - dập dịch” theo quy mô và phạm vi hẹp nhất có thể...

TPHCM tổ chức lại các bệnh viện dã chiến

Ngày 3-5, Sở Y tế TPHCM cho biết, TPHCM sẽ giải thể các bệnh viện (BV) dã chiến, tạm ngưng hoạt động BV dã chiến 3 tầng số 14 và 16 và chỉ duy trì hoạt động BV dã chiến 3 tầng số 13; ngưng hoạt động tầng 3 của BV dã chiến 3 tầng quận Tân Bình.

Ứng phó dịch Covid-19 năm 2022-2023: Chuyển từ phòng chống sang quản lý bền vững ảnh 1 Tiêm vaccine Covid-19 cho trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi tại TPHCM. Ảnh: THÀNH SƠN

Theo PGS-TS Tăng Chí Thượng, Giám đốc Sở Y tế TPHCM, hiện tình hình dịch bệnh tại TPHCM đã được kiểm soát, tính đến ngày 3-5, toàn thành phố chỉ còn dưới 5.000 trường hợp F0 đang điều trị (chủ yếu là tại nhà), số ca nặng cần thở máy xâm lấn tiếp tục giảm (hiện nay chỉ còn dưới 20 ca) và hơn 3 tuần qua TPHCM không có ca tử vong do Covid-19. Thành phố chỉ còn 1 phường/xã có cấp độ dịch 2, tất cả đều đạt cấp độ 1.

Trong bối cảnh đó, TPHCM sẽ ngưng hoạt động các trạm y tế lưu động, việc quản lý F0 tại nhà hiện nay do các trạm y tế địa phương đảm trách với sự trợ giúp của các công cụ chuyển đổi số, tập trung chủ yếu vào việc quản lý và chăm sóc những người thuộc nhóm nguy cơ. Đối với các BV dã chiến tuyến huyện, trong giai đoạn cao điểm dịch đã sử dụng tạm một cơ sở chức năng làm BV dã chiến thì hoàn trả lại công năng ban đầu; đồng thời các quận, huyện phải có kế hoạch sẵn sàng mở lại BV dã chiến trong trường hợp số F0 tăng cao trở lại.

Bên cạnh đó, Sở Y tế cũng yêu cầu tất cả các BV trên địa bàn thành phố phải thực hiện đồng thời 2 chức năng, vừa khám, chữa bệnh thông thường vừa thành lập khoa/đơn vị điều trị Covid-19 để điều trị người mắc và có bệnh lý cấp, mạn tính hoặc bệnh lý nền kèm theo. Giao BV Bệnh nhiệt đới, Bệnh viện Nhi đồng 1, 2 và Nhi đồng Thành phố (cùng với các BV Trung ương trên địa bàn thành phố như: BV Chợ Rẫy, Thống Nhất, Quân y 175) là các bệnh viện tuyến cuối về điều trị Covid-19.

Ngày 3-5, Bộ Y tế cho biết, trong ngày, cả nước có thêm 1.825 người mắc Covid-19 được công bố khỏi bệnh, nâng số ca được điều trị khỏi lên hơn 9,27 triệu người. Đặc biệt, 63 tỉnh, thành không ghi nhận trường hợp tử vong nào do Covid-19 trong vòng 24 giờ qua. Như vậy, tính từ tháng 7-2021 tới nay, đây là ngày đầu tiên, Việt Nam không có người tử vong do Covid-19. Đến nay, số tử vong do Covid-19 tại Việt Nam vẫn là 43.044 ca, chiếm tỷ lệ 0,4% so với số ca nhiễm.

Cùng với đó, Hệ thống Quốc gia quản lý ca bệnh Covid-19 ghi nhận thêm 2.709 ca mắc Covid-19 (giảm 413 ca so với ngày trước đó). Cả nước đã tiêm được hơn 215 triệu mũi vaccine Covid-19 các loại, trong đó có hơn 1,5 triệu mũi tiêm cho trẻ từ 5 tới dưới 12 tuổi.

Tin cùng chuyên mục