Chiều 25-5, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày Tờ trình dự án Luật KBCB (sửa đổi).
Theo tờ trình của Chính phủ, sau hơn 11 năm thực hiện Luật KBCB, hiện nay cả nước có khoảng 52.000 cơ sở KBCB cả của Nhà nước và tư nhân (trong đó, có 306 bệnh viện tư nhân và 37.350 phòng khám tư nhân). Chính phủ cho rằng, quan điểm sửa luật là lấy người bệnh làm trung tâm cho mọi hoạt động cung cấp dịch vụ KBCB trên cơ sở tăng cường khả năng tiếp cận với dịch vụ KBCB chất lượng cao và phù hợp với thông lệ quốc tế; bảo đảm sự công bằng giữa các cơ sở KBCB của Nhà nước và tư nhân…
Dự thảo vẫn còn nhiều ý kiến khác nhau, trong đó về thẩm quyền cấp Giấy phép hành nghề, Chính phủ trình 2 phương án. Cụ thể: Phương án 1 là giao Hội đồng Y khoa quốc gia cấp, thu hồi giấy phép hành nghề. Phương án 2 là giao Hội đồng Y khoa quốc gia thực hiện việc kiểm tra đánh giá năng lực hành nghề KBCB của người đề nghị cấp giấy phép hành nghề và giao các cơ quan quản lý nhà nước (Bộ Y tế, Bộ Quốc phòng, Bộ Công an, Sở Y tế) căn cứ kết quả kiểm tra đánh giá năng lực hành nghề KBCB cũng như các điều kiện về sức khỏe, điều kiện về không thuộc trường hợp bị cấm để thực hiện việc cấp phép hành nghề.
Báp cáo thẩm tra dự án Luật KBCB (sửa đổi) do Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội Nguyễn Thúy Anh trình bày cho thấy, ủy ban nhất trí về sự cần thiết của việc sửa luật.
Về thẩm quyền cấp, thu hồi giấy phép hành nghề, Ủy ban Xã hội nhận thấy rằng, theo phương án 1, Hội đồng Y khoa quốc gia cấp, thu hồi giấy phép hành nghề thì sẽ thực hiện chức năng như các cơ quan quản lý nhà nước trong quản lý hành nghề KBCB, trong khi chưa rõ địa vị pháp lý của tổ chức này cũng như chưa quy định rõ cách thức tổ chức kiểm tra đánh giá năng lực hành nghề KBCB, do đó chưa phù hợp. Do vậy, Ủy ban Xã hội tán thành với phương án 2 vì quy định như vậy là phù hợp, đảm bảo tính khả thi trong bối cảnh hiện nay.
Về thời hạn của giấy phép hành nghề KBCB, Ủy ban Xã hội cơ bản nhất trí quy định giấy phép hành nghề có thời hạn 5 năm và đề nghị quy định thời hạn giấy phép hành nghề đối với chức danh lương y, người có bài thuốc gia truyền hoặc có phương pháp chữa bệnh gia truyền cho phù hợp với điều kiện hành nghề của các đối tượng này. Đề nghị cơ quan soạn thảo cân nhắc quy định “người hành nghề được tiếp tục hành nghề theo phạm vi chuyên môn đã cấp mà không phải cấp lại, gia hạn giấy phép hành nghề nếu từ đủ 60 tuổi trở lên vào năm 2025 và năm 2030” để đảm bảo việc kiểm soát trình độ chuyên môn, năng lực hành nghề, quản lý hành nghề và sự công bằng giữa những người hành nghề.
Về hệ thống tổ chức cơ sở KBCB, Ủy ban Xã hội thấy rằng, việc tổ chức lại hệ thống KBCB thành 3 cấp chuyên môn kỹ thuật: cấp KBCB ban đầu, cấp KBCB cơ bản, cấp KBCB chuyên sâu là cần thiết. Tuy nhiên, ủy ban đề nghị cơ quan soạn thảo xác định rõ việc phân cấp này được thực hiện theo chuyên môn kỹ thuật hay phân loại hệ thống tổ chức; quy định cụ thể về chức năng, nhiệm vụ, cơ cấu của mỗi cấp, cách thức kết nối của các cấp và mối quan hệ giữa hạng cơ sở KBCB với các cấp cơ sở KBCB trong chuỗi cung ứng dịch vụ KBCB cũng như lộ trình, việc chuẩn bị cho việc tổ chức lại hệ thống; bổ sung chế tài đối với cơ sở KBCB không đạt tiêu chuẩn chất lượng; nghiên cứu bổ sung quy định việc liên thông kết quả xét nghiệm, chẩn đoán hình ảnh, thăm dò chức năng giữa các cơ sở KBCB đạt cùng tiêu chuẩn, chất lượng.
Về KBCB và hỗ trợ chữa bệnh từ xa, ủy ban cơ bản thống nhất với quy định về vấn đề này, tuy nhiên, đề nghị bổ sung quy định về trách nhiệm của cơ sở KBCB trong hoạt động KBCB từ xa, cơ chế thanh toán và trách nhiệm của các cá nhân và cơ quan liên quan.
Về giá dịch vụ KBCB, Ủy ban Xã hội thấy rằng, dịch vụ KBCB là dịch vụ đặc biệt, liên quan đến lĩnh vực an sinh xã hội, do vậy, thẩm quyền quyết định giá dịch vụ KBCB vẫn cần thực hiện theo nguyên tắc Nhà nước thống nhất quản lý về giá.
Nhiều ý kiến trong ủy ban thống nhất với quy định cho phép cơ sở KBCB tư nhân được quyền quyết định giá dịch vụ KBCB theo quy định của Luật Giá nhưng cần bổ sung quy định nguyên tắc xây dựng giá dịch vụ y tế khối tư nhân. Tuy nhiên, một số ý kiến khác trong ủy ban thấy rằng, cần quy định khung giá dịch vụ KBCB tại cơ sở KBCB tư nhân để đảm bảo quyền của người bệnh.
Ủy ban đề nghị cơ quan soạn thảo nghiên cứu quy định giá dịch vụ KBCB theo hướng tính đúng, tính đủ chi phí cấu thành, đảm bảo tính phù hợp, toàn diện và khả thi.