Mới đây nhất, những ai có mặt trong buổi biểu diễn hòa nhạc ASEAN tại Nhạc viện TPHCM đã không khỏi xấu hổ khi những giai điệu của âm nhạc không biên giới vừa vang lên đã phải dừng ngay lại vì tiếng chuông điện thoại của một vị khách chủ nhà ngồi ở hàng ghế danh dự.
Chính chỉ huy dàn nhạc Yoshikazu Fukumura nổi tiếng người Nhật Bản đã ra hiệu cho những nghệ sĩ của mình im lặng khi tạp âm của chiếc điện thoại vang lên bất chợt. Không chỉ vị khách cảm thấy xấu hổ mà hầu như tất cả những khán giả ngồi trong khán phòng đều xấu hổ vì thái độ thiếu ý thức của chính những người được xem là chủ nhà trong một chương trình hòa nhạc lớn mang tầm vóc quốc tế.
Là nơi diễn ra những chương trình giao lưu âm nhạc, Nhạc viện TPHCM đã chứng kiến không ít lần những hành động thiếu văn hóa như thế trong những đêm biểu diễn âm nhạc. Trước đó, trong một đêm nhạc với sự xuất hiện của những nhạc công hàng đầu thế giới sang giao lưu và biểu diễn ở Việt Nam, trước giờ diễn, người được giao nhiệm vụ tổ chức chương trình đã nhắc đi nhắc lại yêu cầu tắt điện thoại di động, không vỗ tay giữa chương trình, vì đây là một chương trình có kết cấu liên tục, xuyên suốt. Thế nhưng, không hiểu vì lý do gì, những hạt sạn dù đã được cố gắng kiểm soát vẫn xuất hiện.
Cảm xúc của người nghệ sĩ là vô cùng quan trọng, nó mang đến thành công hay không cho một đêm diễn. Tất cả những ai đã tham dự những chương trình biểu diễn âm nhạc đỉnh cao đều ít nhiều muốn được thưởng thức giá trị tuyệt vời mà những nghệ sĩ tài năng mang lại. Thế nhưng, những tiếng chuông điện thoại vô ý thức trong những buổi biểu diễn này giống nhát cắt làm đứt dòng cảm xúc rất đáng tiếc.
Không chỉ trong những buổi hòa nhạc, nhiều người còn bắt gặp hình ảnh không đẹp này ở các rạp chiếu phim. Một lần tại rạp chiếu phim trên đường Cao Thắng, nơi được chọn chiếu phim tài liệu nhựa của Liên hoan phim Việt Nam, nhiều khán giả đã rất khó chịu khi một nhóm các bạn trẻ bước vô rạp vừa nói chuyện oang oang, vừa cười đùa thoải mái như ở chốn không người. Tất nhiên, điện thoại cũng được đem ra sử dụng một cách thản nhiên. Điều đáng nói là những người làm công tác bảo vệ tại rạp lại thờ ơ trước những hành động trái tai gai mắt đó. Nhiều vị khách đã phải bỏ về giữa chừng không phải vì phim không hay mà vì không thể tập trung để thưởng thức cái hay của tác phẩm.
Một nơi nữa việc sử dụng điện thoại không chỉ gây phiền hà mà còn là vấn đề an toàn tính mạng, là trên máy bay. Trước và sau khi máy bay cất cánh, các tiếp viên luôn nhắc nhở hành khách tuân thủ quy định tắt điện thoại di động trong suốt chuyến bay. Gần đây, trước những coi thường quy định của khách, các hãng hàng không đã phải đưa ra mức xử phạt 1 triệu đồng cho những hành khách thiếu ý thức. Tuy nhiên, xem ra với những người không có ý thức thì mức phạt trên vẫn chưa đủ để răn đe. Hình ảnh sử dụng điện thoại khi máy bay cất cánh và chuẩn bị hạ cánh vẫn còn, khiến cho nhiều người bực bội và lo lắng cho tính mạng của chính mình.
Có lẽ cũng đến lúc nên xếp hành vi sử dụng điện thoại vào việc đánh giá một con người có văn minh, văn hóa?
HÀ GIANG