Văn hóa ở trọ

Vì mang tâm lý ở trọ, thích thì ở, không thì tìm chỗ khác nên nhiều người sống bàng quan với xung quanh. Họ đâu biết rằng chỉ một sự vô ý nhỏ cũng có thể đem đến sự khó chịu cho hàng xóm. 
Một ký túc xá sinh viên. Ảnh minh họa
Một ký túc xá sinh viên. Ảnh minh họa
“Cuộc sống trong môi trường sinh viên chỉ 4 năm nhưng thi vị lắm! Nếu bạn không ở ký túc xá hoặc nhà trọ thì có lẽ sự thi vị đó giảm đến 2/3”, đó là nhận xét mà hầu hết giới sinh viên đều gật gù khen đúng. Bởi những năm tháng ở trọ, sinh viên sẽ được chứng kiến và trải nghiệm nhiều phong cách sống được cho là không giống ai của các bạn cùng trang lứa.

Sinh viên là một trong những lực lượng ở trọ đông nhất, nhiều khu nhà trọ mọc lên chỉ để phục vụ sinh viên, có thể là dãy trọ hoặc nhà nguyên căn chia ra nhiều phòng cho sinh viên thuê trọ. Không chỉ phải “sẵn sàng chiến đấu” với những chủ nhà xấu tính, hay xoi mói chuyện riêng tư; tăng tiền nhà, điện, nước vô cớ mà hàng xóm cũng là một “đối thủ” mà nhiều sinh viên phải than trời khi chung sống cùng nhà, khác phòng với họ.  Nhìn bề ngoài thấy các xóm trọ sinh viên khá bình yên, các phòng chung sống với nhau hòa thuận, đoàn kết nhưng bên trong lại đủ kiểu bức bối. 

Vì mang tâm lý ở trọ, thích thì ở, không thì tìm chỗ khác nên nhiều người sống bàng quan với xung quanh. Họ đâu biết rằng chỉ một sự vô ý nhỏ cũng có thể đem đến sự khó chịu cho hàng xóm. Trên nhiều diễn đàn dành cho sinh viên, đề tài “bất hòa với bạn cùng xóm trọ” thu hút rất nhiều câu chuyện được chính các bạn kể lại. Có bạn than phiền, vì chung vách, chung tường, phòng này nói lớn là phòng kia nghe rõ mồn một, thế nhưng những chàng trai phòng bên cạnh vẫn vô tư đưa bạn về tụ tập nhậu nhẹt. “Rượu vào, lời ra” rồi lôi những chuyện tế nhị của phụ nữ ra “chém gió” khiến mọi người phật ý. Nói ý có, nói thẳng có nhưng các chàng hàng xóm không rút kinh nghiệm, cuối cùng chịu không nổi với phiền phức đó, họ đành phải viết “tâm thư”, thậm chí ghi âm lại cuộc vui để sang nói lại về những điều mình phải chịu đựng mới được yên ổn.

Vấn đề vệ sinh chung được bàn tán nhiều nhất. Nhiều nhà trọ không cho nấu ăn trong phòng, chỉ có một bếp chung. Chính kiểu “cha chung không ai khóc” nên nhiều người nấu nướng rồi bày ra đó, ai thấy chướng mắt thì dọn, không cứ để đó từ ngày này qua ngày khác, cần dùng đến cái nào mới rửa cái đó.

Hay quần áo mặc xong không giặt ngay mà treo trên móc đến bốc mùi, đến khi hết sạch quần áo mới gom lại giặt một lần và chiếm toàn bộ dây phơi đồ của cả xóm trọ. Đến khi mọi người bàn nhau làm gãy dây phơi, hay đem đồ nướng ra nướng ngay dưới dây phơi (khi quần áo còn ướt)… mới cải thiện được tình hình.

Có bạn còn hài hước chia sẻ: “Hàng xóm nhà em tiếc cả rác, rác để nửa tháng cũng không đi đổ, cái thùng đựng rác cao 50cm nhưng rác phải cao chất cả mét. Có hôm bạn ấy đi về, thấy bịt mũi kêu mùi gì hôi thế, tụi mình bấm bụng cười rồi ngó ra bảo: “Bạn tiết kiệm rác lâu quá không đem qua ngân hàng gửi nên nó bốc mùi đấy”. Cũng không ít bạn nữ phải đỏ mặt với sự vô tư của bạn nam. Các phòng trọ thường có chung lối đi, cửa chính đối diện nhau nên từ đó cũng nhiều chuyện dở khóc dở cười. Tại cái tật vô tư hay tính đãng trí mà phòng mở cửa nhưng vẫn mặc nội y đi lại trong phòng…

Chuyện ở trọ của sinh viên luôn gắn liền với 1.001 câu chuyện bi, hài. Học là để trưởng thành, học kiến thức phải đi đối với rèn luyện về nhân cách sống, biết dung hòa các mối quan hệ, có như vậy thì khi ra trường các bạn sẽ vững tin hơn để bước vào đời.

Tin cùng chuyên mục