Địa phương và viện nghiên cứu ủng hộ
Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang Phạm Vũ Hồng cho biết: “Dự án hết sức cần thiết với Kiên Giang và các tỉnh lân cận, đáp ứng yêu cầu cuộc sống, mang lại giá trị tích cực. Tuy nhiên, vì vẫn còn nhiều lo ngại nên có hội nghị này…”. Trong văn bản gửi Bộ NN-PTNT, Chủ tịch UBND các tỉnh Kiên Giang, Hậu Giang, Bạc Liêu thống nhất: “Hệ thống thủy lợi Cái Lớn - Cái Bé được triển khai là tiền đề xây dựng quy hoạch chung hệ thống thủy lợi ĐBSCL, góp phần thực hiện Nghị quyết số 120/NQ-CP ngày 17-11-2017 của Chính phủ về phát triển bền vững ĐBSCL”.
Theo Viện trưởng Viện Quy hoạch thủy lợi miền Nam Đỗ Đức Dũng, vùng dự án gồm 6 tỉnh và thành phố là Kiên Giang, Hậu Giang, Bạc Liêu, Cà Mau, Sóc Trăng và TP Cần Thơ (giới hạn bởi kênh Cái Sắn, sông Hậu, kênh Quản Lộ - Phụng Hiệp, sông Ông Đốc, biển Tây). Đây là vùng trũng, bị mặn xâm nhập sâu mùa khô và ngập lụt mùa mưa nên sản xuất khó khăn. Dự án nhằm góp phần chủ động khai thác tốt điều kiện tự nhiên, duy trì sản xuất tôm - lúa (đang phù hợp và có hiệu quả).
Ông Tăng Đức Thắng, Phó Viện trưởng Viện Khoa học thủy lợi Việt Nam, thông tin về kết quả nghiên cứu bổ sung đánh giá tác động của dự án, nhấn mạnh nghiên cứu này “hoàn toàn độc lập với dự án”, tập trung phân tích nguồn nước. Qua khảo sát thực tế nhiều năm gần đây, nước mặn xâm nhập sâu chủ yếu từ sông Cái Lớn, diễn biến phức tạp khác hẳn trước đây, gây ra nhiều bất lợi cho sản xuất và đời sống, kể cả nuôi tôm. “Nguồn nước diễn biến phức tạp làm cho lịch thời vụ không ổn định, hoàn toàn bị động và như thế không thể sản xuất theo kế hoạch, khó phát triển”, ông Thắng nói. Các báo cáo thống nhất, dự án khi đầu tư sẽ góp phần quan trọng kiểm soát nguồn nước, đáp ứng yêu cầu sản xuất ổn định, có kế hoạch, nâng cao đời sống người dân trong vùng dự án.
Cụ thể, dự án sẽ đạt được những mục tiêu: Kiểm soát nguồn nước (mặn, ngọt) một cách chủ động phục vụ sản xuất; chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, nước biển dâng, tác động bất lợi từ phát triển thượng nguồn sông Mê Công, đặc biệt trong những năm thiên tai (hạn hán, xâm nhập mặn cao, bão, lũ…); góp phần giảm tác động của sụt lún đất nhằm phát triển kinh tế - xã hội ổn định; tăng cường khả năng thoát lũ, tiêu úng, tiêu chua và cải tạo đất phèn, kết hợp phát triển giao thông thủy, bộ trong vùng.
Những phát biểu ủng hộ dự án khẳng định, các mục tiêu sẽ đạt được khi đầu tư xây dựng. Vốn cho dự án giai đoạn 1 là 3.310 tỷ đồng, thực hiện từ nay đến năm 2020.
Chuyên gia độc lập phản đối
Quan điểm đối lập lại cho rằng: “Dự án thủy lợi Cái Lớn - Cái Bé nếu được thực hiện sẽ phá vỡ gần như toàn bộ Nghị quyết số 120”. Đại diện cho quan điểm này là các chuyên gia nghiên cứu độc lập, gồm TS Lê Anh Tuấn, Dương Văn Ni, Nguyễn Hồng Tín, Đặng Kiều Nhân của Trường Đại học Cần Thơ và chuyên gia độc lập về sinh thái Nguyễn Hữu Thiện. Các chuyên gia có bản “Đánh giá các hệ thống ngăn mặn vùng ven biển châu thổ Cửu Long và Dự án thủy lợi sông Cái Lớn - Cái Bé”.
Bản đánh giá cho rằng, các công trình ngăn mặn ở vùng ven biển châu thổ Cửu Long trong mấy chục năm qua gây hại nhiều hơn lợi, như: cản trở giao thông, sản xuất bất ổn mặn - ngọt, làm thay đổi đặc điểm nguồn nước và nguồn lợi thủy sản, thay đổi cả chất lượng đất và sinh cảnh thực vật, thay đổi văn hóa - xã hội, kém hiệu quả kinh tế công trình và không có người chịu trách nhiệm. Bản đánh giá khẳng định: “Tất cả các lý do này đều thiếu thuyết phục”, bởi sự kiện cực đoan gây hạn - mặn như mùa khô 2016 không nên bị lạm dụng làm chuẩn tình hình chung để xây dựng công trình. Trong dự án, không thể hiện rõ dự báo nhu cầu giao thông thủy - bộ vùng trong tương lai và phương cách kết hợp phát triển giao thông thủy - bộ theo những kịch bản đi lại, vận chuyển khác nhau theo điều kiện con nước…
Từ đánh giá trên, các chuyên gia độc lập kết luận: “Dự án thủy lợi Cái Lớn - Cái Bé nếu được thực hiện sẽ phá vỡ gần như toàn bộ Nghị quyết 120, đặt mọi việc vào tình huống đã rồi. Công trình này sẽ gây ra vô vàn hệ lụy về môi trường cho một vùng rộng lớn Tây sông Hậu và hoàn toàn không cần thiết cũng như không thể đạt được mục đích ngăn mặn đưa ra trong dự án”.
Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Hậu Giang Nguyễn Văn Đồng cho biết: “Chúng tôi chờ đợi mòn mỏi chục năm rồi, rất cần dự án để thoát cảnh lùng nhùng không rõ ràng mặn ngọt, mỗi năm phải đắp tạm hàng trăm đập ngăn mặn mà vẫn không chuyển đổi được sản xuất”. Ngoài ra, các GS-TS Đào Xuân Học, Nguyễn Tất Đắc (chuyên gia thủy lợi, tài nguyên đất) và PGS-TS Lê Việt Dũng (Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Cần Thơ) đều ủng hộ đầu tư dự án để chủ động sống chung với thiên nhiên, đưa sản xuất nông nghiệp lên tầm công nghiệp. GS-TS Nguyễn Ngọc Trân đề nghị thảo luận thêm biện pháp phi công trình để tìm giải pháp “theo hướng tiếp cận hệ thống và động”, thích ứng với biến đổi khí hậu. |