Vẫn xác nhận giao dịch nhà đất qua vi bằng

Sở Tư pháp TPHCM vừa có văn bản yêu cầu trưởng văn phòng thừa phát lại không lập vi bằng việc mua, bán nhà đất thông qua hình thức ghi nhận việc giao nhận tiền, lập vi bằng ghi nhận việc giao nhận tiền để che giấu mục đích không phù hợp với quy định của pháp luật.
Nhiều căn nhà “3 chung” tại phường Thới An (quận 12) được giao dịch qua vi bằng, để lại hậu quả pháp lý khôn lường
Nhiều căn nhà “3 chung” tại phường Thới An (quận 12) được giao dịch qua vi bằng, để lại hậu quả pháp lý khôn lường
Qua đi thực tế tại các văn phòng thừa phát lại, chúng tôi ghi nhận thừa phát lại vẫn lập vi bằng xác nhận việc giao nhận tiền có liên quan đến giao dịch nhà đất bình thường như trước đây.
Giao dịch bình thường như trước
Chúng tôi đến Văn phòng Thừa phát lại huyện Hóc Môn lúc 9 giờ ngày 11-6 đã có hàng chục người dân đến yêu cầu lập vi bằng xác nhận giao nhận tiền mua bán nhà đất. Ông Hoàng, ngụ xã Xuân Thới Đông (huyện Hóc Môn) cầm tờ vi bằng vừa được đánh máy hoàn chỉnh nội dung giao dịch đang chờ thừa phát lại Nguyễn Văn D. ký xác nhận vợ chồng ông đã giao đầy đủ số tiền hơn 500 triệu đồng cho ông Phạm Thanh D. mua lô đất có diện tích 70m2 tại xã Tân Xuân. “Xong thủ tục này có cần ra công chứng nữa không?”, chúng tôi hỏi. Ông Hoàng quả quyết: “Vậy là xong rồi đó”.
Ở bàn bên cạnh có hơn 10 người đang bày hồ sơ ra sắp xếp, kiểm lại tiền để chờ tới lượt nộp cho thư ký thừa phát lại. “Phải kiểm tra lại cái nào bản chính, cái nào bản photocopy để họ còn biết. Giấy tờ nhà đất phức tạp lắm, nhưng được cái họ cũng dễ, nhiều cái không cần bản chính, miễn là mình có mua bán thật, giao tiền với nhau”. Bà Hà (ngụ xã Thới Tam Thôn, huyện Hóc Môn) giải thích với chúng tôi. Thư ký thừa phát lại tên T. nói chen vào: “Chúng tôi chỉ lập vi bằng giao dịch tiền thôi”. “Nhưng giao nhận tiền mua bán nhà đất được không?”, chúng tôi hỏi. Thư ký T. gật đầu: “Được!”. Nam thư ký này còn cho biết, giao dịch nhà đất mua bán giấy tay hoặc nhà “3 chung” (bản photocopy giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, giấy phép xây dựng và số nhà) vẫn được lập vi bằng. Nếu có tranh chấp, hoặc pháp lý không rõ ràng, hai bên tự giải quyết với nhau. 
Tại Văn phòng Thừa phát lại huyện Bình Chánh, chúng tôi cũng ghi nhận trong ngày 11-6 có hàng chục người dân đến yêu cầu lập vi bằng giao dịch nhà đất. Thư ký thừa phát lại tên H. nói: “Vẫn lập vi bằng giao dịch nhà đất bình thường, nhưng chúng tôi chỉ xác nhận hành vi có giao nhận tiền thôi, còn pháp lý nhà đất do hai bên tự xác định với nhau”.
TPHCM hiện có 11 văn phòng thừa phát lại được Bộ Tư pháp cấp giấy phép hoạt động thí điểm những năm qua. Tháng 3-2017, Văn phòng Thừa phát lại quận Gò Vấp bị đình chỉ hoạt động do có những sai phạm về thuế, tài chính. Thế nhưng, theo ghi nhận của chúng tôi vào sáng 8-6 văn phòng vẫn hoạt động bình thường tại số 22A Nguyễn Thái Sơn, phường 3 (quận Gò Vấp). Nữ thừa phát lại tên H. cho biết: “Văn phòng vẫn lập vi bằng chứng nhận giao dịch nhà đất bình thường theo nội dung chứng nhận việc giao nhận tiền, còn việc mua bán nhà đất, pháp lý thế nào hai bên tự thỏa thuận với nhau”. Thừa phát lại H. còn cho biết, phí cho việc lập vi bằng được xác định trên giá trị nhà đất. Căn nhà 1 tỷ đồng sẽ là 4 triệu đồng.   
Khó quản lý các giao dịch nhà đất qua vi bằng
Chủ tịch UBND phường Thới An (quận 12) Hồ Minh Hoàng cho biết, khó quản lý các giao dịch nhà đất qua vi bằng khi chúng tôi đề cập đến tình trạng rất nhiều căn nhà “3 chung” trên địa bàn được các văn phòng thừa phát lại lập vi bằng xác nhận giao dịch. Ông Hoàng nói: “Việc này chính quyền không thể biết được. Phường đã tuyên truyền đến người dân không mua bán các loại nhà đất pháp lý không rõ ràng qua việc lập vi bằng, nhất là nhà “3 chung”. Trên địa bàn những năm qua có tình trạng nhà “3 chung” mọc lên ở nhiều khu phố, để lại hậu quả vô cùng lớn, nhiều trường hợp mất trắng nhà. Vừa qua, Chủ tịch UBND quận 12 đã có văn bản chỉ đạo kiểm tra, quản lý chặt, không để xảy ra tình trạng xây nhà “3 chung”. Phường cũng đã lập biên bản xử lý vi phạm sai phép tại 3 khu nhà “3 chung” ở khu phố 5 và 7”.
Phó Chủ tịch UBND phường Hiệp Thành (quận 12) Nguyễn Hữu Hùng cũng cho biết, người dân mua bán nhà đất với nhau qua vi bằng chính quyền không thể biết được. Để ngăn chặn các giao dịch nhà đất pháp lý không rõ ràng, nhất là nhà “3 chung”, phường tăng cường kiểm tra, nắm địa bàn và vừa qua đã lập biên bản xử lý 2 trường hợp vi phạm xây dựng ở khu phố 6. Ông Hùng cho biết thêm, nhiều năm trước tình trạng xây dựng nhà “3 chung” diễn ra khá phức tạp, trên địa bàn có hàng chục khu nhà mọc lên được mua bán với nhau qua vi bằng, gây nên hậu quả không sao giải quyết được.
“Pháp luật chưa quy định thừa phát lại phải biết được mục đích của việc giao nhận tiền, do vậy, trong văn bản của Sở Tư pháp có yêu cầu thừa phát lại không được lập vi bằng để xác nhận sự kiện, hành vi liên quan đến đất đai, tài sản không có giấy chứng minh quyền sử dụng, quyền sở hữu nhằm mục đích chuyển quyền sử dụng, quyền sở hữu. Việc thừa phát lại lập vi bằng xác nhận giao dịch nhà đất mà giấy tờ không hợp pháp như kiểu nhà “3 chung”, giấy tay là sai. Tới đây, Sở Tư pháp sẽ tăng cường thanh tra, kiểm tra, phát hiện xử lý những trường hợp sai phạm này”
                                     PHAN THỊ BÌNH THUẬN, Phó Giám đốc Sở Tư pháp TPHCM

Tin cùng chuyên mục