Vật liệu tái chế cần được tiếp sức

Việc phát triển vật liệu không nung (VLKN) góp phần giảm được lượng khí CO2 từ các nhà máy gạch thủ công nhỏ lẻ, tro bay từ các nhà máy nhiệt điện và tiết kiệm tài nguyên đất sét, than đá... Tuy nhiên sau 10 năm triển khai Đề án 567 của Chính phủ về sử dụng VLKN, kết quả chưa như kỳ vọng. 
Sản xuất gạch không nung tại nhà máy của Công ty Hoàng Sơn Fly Ash and Cement
Sản xuất gạch không nung tại nhà máy của Công ty Hoàng Sơn Fly Ash and Cement

Xu hướng phát triển tất yếu

Thống kê cho thấy, ngành sản xuất VLKN hiện có khoảng 2.500 doanh nghiệp, đảm bảo khoảng 30% nhu cầu cho ngành vật liệu xây dựng. VLKN ra đời với những đặc tính ưu việt trong thiết kế xây dựng, tận dụng tối đa nguồn phụ phẩm dôi dư trong khai thác, sản xuất, góp phần làm giảm ô nhiễm môi trường, giảm thiểu khí phát thải gây hiệu ứng nhà kính, tiết kiệm nhiên liệu than, dầu, khí, điện. 

Ông Trần Phương Đông, Giám đốc Công ty CP Vật liệu xây dựng Bách Việt, cho biết, một điều rất rõ ràng là việc sử dụng gạch nung tràn lan, gây mất đất nông nghiệp, gây ô nhiễm môi trường không thể kéo dài mãi được. Dù còn một số tồn đọng, song với những lợi ích mà VLKN mang lại cho môi trường, cho xã hội, việc phát triển VLKN được xem là “chìa khóa vàng” trong bối cảnh hiện nay. Với mong muốn đáp ứng chủ trương của Chính phủ về phát triển kinh tế bền vững, công ty đã đầu tư nhà máy sản xuất gạch không nung ở huyện Vĩnh Cửu (Đồng Nai), với dây chuyền và công nghệ của Đức, có công suất 20 triệu viên / năm. 

Phát triển theo xu hướng này, Công ty CP Hoàng Sơn Fly Ash and Cement (chi nhánh phía Nam - KCN Long Hậu, tỉnh Long An) cũng đã đầu tư xây dựng nhà máy gạch không nung có công suất 77 triệu viên/năm, sử dụng công nghệ rung ép không phát thải CO2 ra môi trường và ứng dụng triệt để các loại phế phẩm từ nhà máy nhiệt điện. Công ty cũng đầu tư nhà máy xử lý tro bay với công nghệ Christian Pfeiffer (Đức) tại Long An, góp phần cải thiện chất lượng không khí từ các cụm nhà máy nhiệt điện Vĩnh Tân, Duyên Hải. Năm 2015, Công ty Hoàng Sơn là đơn vị tiên phong đưa tro bay về TPHCM để ứng dụng vào quy trình sản xuất bê tông và nghiền xi măng. Ngày nay, đây là một phụ gia không thể thiếu tại các trạm bê tông tươi, nhà máy gạch không nung, trạm nghiền xi măng. 

Còn những khó khăn

Theo ông Hoàng Minh Truyền, Phó Giám đốc Công ty CP Hoàng Sơn Fly Ash and Cement, việc phát triển VLKN hiện nay còn gặp nhiều khó khăn. Nguyên do, đa số người dân chưa có thói quen sử dụng gạch không nung trong khi tính cạnh tranh kinh tế của sản phẩm này chưa cao so với gạch đất sét thủ công. Mặc dù Chính phủ đã ban hành nhiều quy định về khuyến khích sản xuất gạch không nung, xóa bỏ lò gạch thủ công nhưng các địa phương chưa thực sự triển khai triệt để nên việc khuyến khích sử dụng sản phẩm này còn gặp nhiều khó khăn. 

Thông tư 09/2012 ngày 28-11-2012 của Bộ Xây dựng về quy định sử dụng VLKN cho các công trình xây dựng yêu cầu tại các khu đô thị loại 3 trở lên phải sử dụng 100% loại VLKN từ ngày thông tư có hiệu lực; các khu vực còn lại phải sử dụng tối thiểu 50% (trước năm 2015) và phải sử dụng 100% sau năm 2025. Nhưng đến nay, số lượng công trình tư nhân sử dụng gạch không nung vẫn rất hạn chế. Thiết nghĩ, các bộ ngành liên quan nên chỉ đạo quyết liệt hơn nữa và đưa ra những chiến lược định hướng dài hạn cho việc sản xuất VLKN. 

Đồng quan điểm này, ông Trần Phương Đông cho biết thêm, tháng 2-2021, Chính phủ ban hành Nghị định số 09/2021 về quản lý vật liệu xây dựng nhằm thay thế Nghị định 24a/2016 và Nghị định số 95/2019. Tuy nhiên, nội dung về việc quản lý sản xuất và sử dụng VLKN hoàn toàn không phù hợp với Chương trình 567 về phát triển sản xuất và sử dụng VLKN thay thế gạch đất nung; cũng như không phù hợp với Quyết định phê duyệt Chiến lược phát triển vật liệu xây dựng Việt Nam thời kỳ 2021-2030, định hướng đến 2050.

Theo đó, nội dung về VLKN trong Nghị định 09/2021 hoàn toàn xóa bỏ những ưu đãi trong việc sản xuất, mở rộng sản xuất, cũng như các yêu cầu về sử dụng trong công trình cao tầng một cách đột ngột, khiến các doanh nghiệp càng thêm khó khăn. Thậm chí, tác động này có thể gây phá sản doanh nghiệp đã được gầy dựng bao năm. Một số doanh nghiêp đã gửi kiến nghị đến Thủ tướng Chính phủ, Bộ Xây dựng đề xuất tìm phương án giải quyết phù hợp. 

Để thật sự khuyến khích lãnh vực sản xuất VLKN, nhiều ý kiến cho rằng, chúng ta cần hoàn thiện cơ chế, chính sách phù hợp, có ưu đãi trong sản xuất, khai thác và sử dụng VLKN. Đồng thời, tăng thuế môi trường đối với các hoạt động sản xuất vật liệu xây dựng gây ô nhiễm môi trường. Đẩy mạnh nghiên cứu, làm chủ công nghệ sản xuất, ứng dụng các loại vật liệu xanh và tiết kiệm năng lượng trong các công trình xây dựng. Song song đó là chính sách khuyến khích người dân đẩy mạnh việc sử dụng VLKN, vật liệu xanh.

Tin cùng chuyên mục