Về nơi Rừng Sác

Lâu nay, nói tới Rừng Sác, người ta nghĩ ngay đến Cần Giờ - nơi bạt ngàn rừng ngập mặn đã được công nhận là khu dự trữ sinh quyển thế giới. 

Nhưng gần đây, khi hàng chục hài cốt liệt sĩ được tìm thấy ở xã Phước An, huyện Nhơn Trạch, tỉnh Đồng Nai, nhiều người mới biết thêm độ bao phủ của Rừng Sác không chỉ có ở TPHCM. Thiên nhiên đã ban tặng cho vùng đất ngập mặn này nhiều sản vật phong phú, đặc sắc và triển vọng một điểm đến du lịch Đông Nam bộ.

Một góc làng bè Phước An
Nghĩa tình Phước An

Từ ngã tư thị trấn Hiệp Phước xuôi theo con đường liên xã khoảng 12km là đến Phước An, nơi có rừng ngập mặn và là một phần của Chiến khu Rừng Sác. Hai bên đường, nhà cửa tuy không san sát như gần trung tâm huyện, nhưng cũng khá đông đúc. Nếu chỉ bon bon trên đường nhựa, ít ai nghĩ nơi này lại có rừng ngập mặn bao quanh nhiều ấp và nơi đây đã từng bị bom đạn cày xới. 

Qua sự giới thiệu của anh Ba Thọ (người sinh ra và lớn lên ở xã Phước An, đang làm cán bộ Tư pháp xã Long Thọ, huyện Nhơn Trạch), chúng tôi được anh Hồ Mộng Linh (Phó Chủ tịch phụ trách khối Văn hóa - Xã hội UBND xã Phước An) tiếp đón niềm nở. Anh Linh và anh Quân (cán bộ phụ trách công tác thương binh - xã hội - văn hóa của xã) cung cấp thông tin ngay: Phước An có diện tích tự nhiên hơn 14.700ha, trong đó khoảng 3/4 là sông nước và rừng phòng hộ ngập mặn. Toàn xã có 2.700 hộ với 12.450 khẩu phân bổ ở 4 ấp. So với các xã ở trung tâm huyện, Phước An thuần khiết hơn khi số người nhập cư ít, chỉ chiếm 20% dân số, nên cuộc sống không quá ồn ào và phức tạp về an ninh trật tự. Người Phước An có cái chân chất của dân phương Nam, dễ tiếp xúc, không câu nệ và mến khách. 

Xã Phước An có 55 gia đình liệt sĩ (đều là hộ gốc), trong đó có 7 bà mẹ Việt Nam anh hùng (đã lần lượt qua đời). Anh Quân cho biết, hàng tháng xã phân công đoàn viên, thanh niên tổ chức dọn dẹp nhà cửa, vệ sinh bàn thờ ở những gia đình đối tượng chính sách, người cao tuổi, neo đơn.  

Anh Linh nói thêm: “Xã rất quan tâm đến công tác đền ơn đáp nghĩa, hàng năm đều khảo sát hoàn cảnh các gia đình chính sách để có hỗ trợ thiết thực. Đến nay, tất cả gia đình chính sách của xã đều có mức sống trung bình khá trở lên, không có hộ nghèo hoặc cận nghèo”. 

Về nơi Rừng Sác ảnh 2 Trung tâm xã Phước An

Bồng bềnh làng bè

Theo chân anh Linh, chúng tôi ra làng bè Phước An, chỉ cách trụ sở UBND xã khoảng 1km. Anh Linh dặn tài công cho ghe (vỏ lãi) dạo một vòng sông Đồng Kho để anh em được mục kích rừng ngập mặn. Màu xanh của đước, mắm, bần, sú, vẹt cuốn hút tầm mắt trải dài theo mặt sông xa tít tắp đến tận chân trời. Gió từ mặt sông thổi lên mát rượi làm tan biến cái nóng bức tháng 4. Chúng tôi quay về một cái bè để thưởng thức đặc sản nước lợ. Khi mọi người ngồi chưa ấm chỗ, anh Ba Thọ cũng vừa tới và không khí trở nên rôm rả.  

Anh Ba Thọ vừa tròn lục tuần, sinh ra ở Phước An, năm 10 tuổi thì về Vũng Tàu sống và đến năm 1977 về lại xã làm nghề đánh lưới trên sông và làm ruộng. Sau đó, anh tham gia công tác ở xã và cách đây 5 năm được điều động về xã Long Thọ. Hồi mới giải phóng, dân còn thưa thớt, cá tôm còn nhiều, có cả cá heo, mà dân ở đây gọi là cá nược, bơi thành từng đàn; nếu tính theo giá bây giờ, mỗi đêm anh Ba Thọ kiếm được khoảng 500.000 đồng, đủ nuôi sống gia đình. 

Cái bè mà chúng tôi ngồi lai rai không có tên, nhưng dân địa phương gọi là bè Ngọc Giàu. Bà chủ quán vốn là người làm nghề nuôi hàu, cùng chồng sống trên ghe, sau đó làm thêm nghề mua gom hải sản của người dân xung quanh, bán lại cho thương lái. Khoảng 10 năm trước, vợ chồng mở quán và trở thành bè đầu tiên của làng bè trên sông. Từ cái bè khoảng 50m2, giờ quán đã nâng cấp thành một cái bè khá chắc chắn, đủ chỗ 20 bàn khách một lúc. Trên không gian mặt nước hơn 10.000m2 có thêm khoảng 10 bè, chưa kể các quán nằm trên đùng tôm.   

Cũng giống như bên rừng ngập mặn Cần Giờ - Rừng Sác, có 3 loại cây chủ lực ở Phước An là đước, mắm và bần. Rừng đước ở đây được trồng những năm 1982-1983. Anh Ba Thọ cũng chỉ dẫn chúng tôi về cách thức phân biệt  con cá ở vùng nước lợ (ngập mặn) với cá biển hay cá sông “như con cá da nâu đen là do sống chung với tầng lá cây rụng thành bùn đen nhiều năm, giống con cá phi. Thường thịt cá nước lợ bao giờ cũng ngon hơn cá biển hay cá nước ngọt”. Lâu nay, dân TPHCM chỉ biết đến con sò huyết nhỏ bằng ngón tay cái, nhưng ở đây sò huyết to bằng ngón chân cái và còn nguyên vị mặn mòi. Con nghêu cũng to lạ thường, bằng 2-3 ngón tay. Có lẽ do sông Đồng Kho này thông ra sông Đồng Tranh, chảy ra sông Lòng Tàu thông ra biển lớn nên sản vật ở đây rất chất lượng. Nếu xã Long Thọ bên cạnh chọn con cua thì Phước An chọn con tôm làm sản vật đại diện tham gia thị trường theo chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP). Tôm sú Phước An nhờ thông ra sông lớn nên to và ngọt, có màu đỏ au, thịt chắc. Chỉ với món tôm bằm um lên ăn với bún, một chút rau thơm, dưa leo ăn với nước tương là đã làm thực khách ngất ngây. 

Đồng hồ chỉ hơn 12 giờ trưa cũng là lúc ghe chở khách liên tục xuôi ngược đón khách ra các nhà bè, chủ yếu là khách trẻ tuổi đến từ TPHCM. Mỗi lần có ghe chạy qua thì bè lại bồng bềnh tạo cho khách cảm giác lâng lâng khó tả.

Chuyến đi này khiến chúng tôi được mở mang thêm khi biết, vùng rừng ngập mặn Phước An giáp với cả khu vực ngập mặn của sông Thị Vải trong hệ thống rừng ngập mặn Rừng Sác, rất thuận lợi cho việc hình thành các tour du lịch đường sông từ TPHCM đi Nhà Bè, Cần Giờ, Phước An liên tuyến xuống Vũng Tàu. Phước An cũng có 11km đường cao tốc Bến Lức - Long Thành chạy qua, là điều kiện để nối tuyến giao thông với miền Tây Nam bộ. 

Anh Hồ Mộng Linh bộc bạch: Trong định hướng phát triển du lịch giai đoạn 2021-2025, tỉnh Đồng Nai đã có kế hoạch xây dựng Khu di tích Rừng Sác với quy mô hơn 10ha ở ấp Bàu Bông (nơi vừa tìm được 28 hài cốt liệt sĩ) và hình thành các tuyến du lịch dọc sông Đồng Nai từ TPHCM qua Phú Hữu, Phước Khánh đến Phước An… 

Tin cùng chuyên mục