Vì sao chưa khởi tố Alibaba?

Liên quan đến việc Công ty cổ phần địa ốc Alibaba (Alibaba) kinh doanh địa ốc bất hợp pháp tại các tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, Đồng Nai…, trong khi các cơ quan chức năng chậm xử lý thì theo các chuyên gia, đủ cơ sở để khởi tố hình sự.
Nhân viên Công ty Alibaba cản trở lực lượng cưỡng chế sai phạm ở xã Tóc Tiên. Ảnh: NÔNG NGÂN
Nhân viên Công ty Alibaba cản trở lực lượng cưỡng chế sai phạm ở xã Tóc Tiên. Ảnh: NÔNG NGÂN

Đủ yếu tố khởi tố hình sự

Chỉ ra nhiều bất hợp lý từ hoạt động của Alibaba, luật sư Nguyễn Tấn Thuấn, đoàn luật sư TPHCM, nói: Theo Bộ luật Hình sự sửa đổi, pháp nhân (tổ chức thương mại) không bị xử lý tội lừa đảo, chỉ truy cá nhân cụ thể.

Do đó, quy cho Alibaba tội lừa đảo là không ổn, nhưng nếu các thành viên của Alibaba có hành vi lừa đảo, thì người đó bị xử lý - ví như thông qua công ty để làm bức bình phong, dùng thủ đoạn xảo quyệt tạo niềm tin cho người khác để chiếm đoạt tài sản.

Để cấu thành của tội lừa đảo, phải có người bị hại, nếu không có người bị hại thì không thể xử lý. Do đó, đối với Alibaba thì dấu hiệu lừa đảo đã có nhưng sẽ khiên cưỡng khi xử lý Alibaba về tội lừa đảo.

Cùng chung nhận định, luật sư Trần Đình Dũng, Đoàn luật sư TPHCM, nhấn mạnh rằng, việc khởi tố Alibaba tội lừa đảo là không hội đủ các điều kiện. Bởi vì, Alibaba có nộp hồ sơ xin phê duyệt dự án cụ thể, có gặp chủ đất ký hợp đồng đặt cọc… 

Tuy nhiên, luật sư Trần Đình Dũng khẳng định, hoạt động của Alibaba đủ yếu tố để khởi tố theo Điều 228 Bộ luật Hình sự 2015 về tội “vi phạm các quy định về sử dụng đất đai”. Bộ luật Hình sự mới cho phép khởi tố tổ chức sử dụng đất trái pháp luật, khi chuyển nhượng, giao dịch, không tuân theo Luật Kinh doanh bất động sản, như phê duyệt dự án; làm cơ sở hạ tầng và phải có khâu nghiệm thu của Sở Xây dựng.

Theo quy định của pháp luật, hợp đồng loại gì không phải căn cứ vào tiêu đề mà căn cứ vào bản chất của các bên ký hợp đồng. Hợp đồng hợp tác kinh doanh phải có hai yếu tố: đưa vào tổng vốn đầu tư của dự án; chia sẻ lợi nhuận bằng tiền.

Đối với hợp đồng của Alibaba đã ký với khách hàng không có hai yếu tố này, mà lại có yếu tố một bên chuyển tiền cho Alibaba và quyền lợi nhận lại là từng nền đất cụ thể sau này - chưa được cơ quan thẩm quyền phê duyệt cụ thể. Như vậy, bản chất là chuyển nhượng quyền sử dụng đất chứ không thể hợp tác kinh doanh.

“Trong các vụ án kinh doanh thương mại, dân sự thì tất cả hợp đồng loại này khi ra tòa xác định là hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất. Rõ ràng việc Alibaba chuyển nhượng như thế là trái pháp luật, sản phẩm chưa đủ điều kiện nhưng tổ chức rao bán trên phương tiện thông tin đại chúng, quảng bá, làm sự kiện… là trái với quy định của điều 228 Bộ luật Hình sự. Như vậy, vấn đề ở đây là các cơ quan chức năng có khởi tố tổ chức Alibaba hay không? Khi khởi tố tổ chức thì mới tiến hành các hoạt động điều tra, mới làm rõ các tình tiết, lúc đó mới tìm được có hay không tội lừa đảo của các cá nhân?”, luật sư Trần Đình Dũng phân tích.

Chưa rõ hành vi “miệt thị” công an

Liên quan đến clip video trên mạng về phát ngôn miệt thị công an xã của ông Nguyễn Thái Luyện, Chủ tịch HĐQT Công ty CP địa ốc Alibaba, ngày 27-6, đại điện Công an tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu cho biết đang xem xét, đánh giá để có hướng xử lý. Cùng ngày, Sở TT-TT cũng đã cử thanh tra của sở đến công an tỉnh để phối hợp làm rõ những phát ngôn miệt thị của ông Luyện.  

Về việc này, theo luật sư Nguyễn Tấn Thuấn, trong video này, ông Luyện không nói trực tiếp đến cá nhân nào mà nói chung chung, do đó khi nói rằng xúc phạm đến cá nhân là không được, xử lý tội vu khống xúc phạm nhân phẩm của người khác là không ổn. Nếu cơ quan chức năng chứng minh phát ngôn của ông Luyện nhằm vào mục đích là ông chủ tịch UBND xã cụ thể, công an xã cụ thể thì mới đủ yếu tố cấu thành hình sự.

Đồng tình với quan điểm này, luật sư Trần Đức Phượng, Đoàn Luật sư TPHCM, bày tỏ quan điểm, nếu chính bản thân ông Luyện tung clip này lên mạng xã hội là sai, đủ yếu tố xử lý hình sự, còn không thì chỉ xem xét xử phạt hành chính.

Tin cùng chuyên mục