Vì sao nhiều bác sĩ ở ĐBSCL rời bệnh viện công?

Những bác sĩ xin nghỉ việc đều có chuyên môn cao, thâm niên công tác tốt và qua đào tạo sau đại học. Hầu hết, người xin nghỉ việc đều lấy lý do vì hoàn cảnh gia đình...
Vì sao nhiều bác sĩ ở ĐBSCL rời bệnh viện công?
Theo báo cáo khảo sát năm 2017 của Trường Đại học Y Dược Cần Thơ, hầu hết các địa phương ở ĐBSCL đều không đạt tỷ lệ bác sĩ, dược sĩ/vạn dân theo Quyết định số 122/QĐ-TTg ngày 10-1-2013 của Thủ tướng Chính phủ về chiến lược quốc gia bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân. Trong khi đó, tại nhiều bệnh viện công, tình trạng các bác sĩ, dược sĩ xin nghỉ việc gia tăng.
Bác sĩ Văn Công Minh, Giám đốc Bệnh viện Đa khoa (BVĐK) tỉnh Vĩnh Long, cho biết: “Năm 2017, có 6 bác sĩ được giải quyết cho nghỉ việc theo nguyện vọng. Riêng từ đầu năm 2018 đến nay, có 7 bác sĩ đã nghỉ, ngoài ra còn 11 trường hợp đang nộp đơn xin nghỉ. Mỗi ngày, bệnh viện khám, điều trị ngoại trú cho khoảng 1.000 bệnh nhân và 600 trường hợp nằm viện. Bệnh viện hiện có khoảng 140 bác sĩ, thiếu hụt khoảng 30 người”. 
Theo Sở Y tế tỉnh Vĩnh Long, trong năm qua có 19 y, bác sĩ ở các cơ sở y tế công lập xin nghỉ việc. Trong đó có cả lãnh đạo phòng, khoa và trung tâm y tế.
Các bệnh viện, cơ sở y tế công ở Vĩnh Long đang thiếu hụt khoảng 300 y, bác sĩ.
Còn Sở Y tế tỉnh Cà Mau cho biết, chỉ riêng năm 2016 và 2017, ngành y tế của Cà Mau có 74 bác sĩ, dược sĩ bỏ việc, hoặc tự ý nghỉ việc. Tập trung nhiều nhất tại những cơ sở y tế tuyến đầu của tỉnh.
Tại tỉnh Kiên Giang cũng tương tự. Riêng từ đầu năm 2018 đến nay, ngành y tế Kiên Giang đã phải giải quyết cho 6 bác sĩ, 1 dược sĩ cao cấp và 1 thạc sĩ xin ra khỏi cơ sở y tế công lập. Nhiều bệnh viện tại ĐBSCL cho biết, trường hợp bác sĩ, dược sĩ sau khi được cử đi đào tạo sẵn sàng bỏ ra số tiền từ vài chục triệu đến hàng trăm triệu đồng để được “dứt áo ra đi”.
Bác sĩ Văn Công Minh cho rằng, những bác sĩ xin nghỉ việc đều có chuyên môn cao, thâm niên công tác tốt và qua đào tạo sau đại học. Hầu hết, người xin nghỉ việc đều lấy lý do vì hoàn cảnh gia đình, song thực tế là do thu nhập thấp ở bệnh viện công.
Theo lãnh đạo BVĐK tỉnh Vĩnh Long, 1 bác sĩ 10 năm công tác, lương chỉ khoảng 6 triệu đồng/tháng. Thu nhập này không đủ  trang trải cuộc sống gia đình, con cái học hành. Nhiều người xin nghỉ việc ở bệnh viện công để sang làm cho các bệnh viện tư, phòng khám tư nhân… nhằm có thu nhập cao hơn.
Ông Nguyễn Thanh Tùng, Giám đốc Sở Y tế tỉnh Hậu Giang, lo ngại: “Việc dịch chuyển bác sĩ giỏi, chuyên môn sâu từ bệnh viện công sang bệnh viện tư sẽ còn tiếp diễn. Mức thu nhập giữa bệnh viện công và bệnh viện tư chênh lệch quá lớn và rất khó giữ chân nếu các bác sĩ muốn ra đi”.

Tin cùng chuyên mục