
Thiếu tướng Phùng Đình Ấm (tức Phùng Đình Cung) nguyên là Phó Tư lệnh Mặt trận 479, Phó đoàn chuyên gia quân sự Việt Nam tại Campuchia, Phó phòng Tuyên huấn Cục Chính trị Quân giải phóng miền Nam, Phó phòng Dân vận Cục Chính trị Miền. ông là một trong mấy chục cán bộ tập kết được điều về Nam rất sớm (từ năm 1959) với nhiệm vụ xây dựng cơ sở, bắt liên lạc nối thông đường Hồ Chí Minh từ trung ương vào đến chiến trường Nam bộ. ông được phong quân hàm Thiếu tướng năm 1985.
Đã 30 năm, nhưng những hồi ức về ngày 30-4-1975, một sự kiện trọng đại của cả dân tộc và riêng với mỗi cá nhân, lại vẫn luôn tươi mới... Tháng 1 năm ấy, Phước Long là tỉnh đầu tiên của miền Nam được hoàn toàn giải phóng. Phòng tuyến của địch ở phía Bắc Sài Gòn bị đập tan, mở đường cho những bước tiến quân chiến lược quyết liệt tiếp theo của quân giải phóng.

Về thăm đồng bào vùng chiến trường xưa. Ảnh: T.L.
Đồng chí Phùng Đình Ấm khi đó là Phó phòng Dân vận của Cục Chính trị Quân giải phóng miền Nam. ông được Cục Chính trị giao nhiệm vụ nắm tình hình dân chúng ở vùng phụ cận và nội đô Sài Gòn, để báo cáo cho các binh đoàn của Bộ Tổng tư lệnh từ xa mới đến.
Trong ký ức ông vẫn in đậm hình ảnh từng đoàn xe tăng, thiết giáp, pháo xe kéo, pháo tự hành, xe vận tải kẻ khẩu hiệu “Thần tốc, thần tốc hơn nữa. Táo bạo, táo bạo hơn nữa” ầm ầm tiến về hướng Nam, trên quốc lộ 14. Hành quân theo Sở chỉ huy chiến dịch Hồ Chí Minh về đóng quân ở rừng Căm Xe (thuộc Chơn Thành, tỉnh Bình Long), ông háo hức khi được tin 5 cánh quân của ta đang ngày càng áp sát, chuẩn bị sẵn sàng cho trận quyết chiến giải phóng Sài Gòn.
Ngày 28-4-1975, khi Bộ chỉ huy chiến dịch Hồ Chí Minh quyết định tổng công kích Sài Gòn - Gia Định, ông nhận được chỉ thị về Thanh An (Dầu Tiếng, tỉnh Bình Dương) - nơi đang có nhiều đồng bào nội thành tản cư ra vùng kháng chiến để tránh bom đạn trong thành phố - nhằm tìm hiểu tâm tư quần chúng.
Sáng 30-4-1975, ông về đến Thanh An, ghé nhà bác Tám, một cơ sở mà ông thường tá túc mỗi khi về đây công tác. Chính lúc đó, đài phát thanh Sài Gòn phát lời Dương Văn Minh, Tổng thống “bù nhìn” Việt Nam Cộng hòa, tuyên bố đầu hàng quân cách mạng vô điều kiện và kêu gọi các “chiến hữu” nhanh chóng hạ vũ khí. Tin chiến thắng nhanh chóng lan ra, mọi người đổ ra đường trong niềm vui mừng khôn xiết. Thời khắc đó đã ngưng đọng trong lòng ông một nỗi xúc động khôn tả. ông nôn nao nghĩ, giờ phút này đồng bào khắp nơi trong cả nước cũng đang chia sẻ niềm hạnh phúc, niềm tự hào đã đánh đổi bằng biết bao máu xương và nước mắt...
Trở về Sở chỉ huy chiến dịch ở Căm Xe, đêm 30-4 ấy với ông là một đêm không ngủ. 5 giờ sáng ngày hôm sau, 1-5, ông cùng lực lượng Sở chỉ huy tiền phương về Sài Gòn để phối hợp với các đơn vị khác tiếp quản Sài Gòn. Đoàn xe hằng trăm chiếc từ Căm Xe qua Dầu Tiếng, đến Trảng Bàng, dọc theo quốc lộ 1 (nay là quốc lộ 22) tiến về Củ Chi, đến đâu bộ đội cũng được đồng bào vẫy chào, reo mừng “Hoan hô quân giải phóng!”.
Đặc biệt có những chiếc xe đò chứa đầy hành khách cả ở trên mui xe, nhiều người chỉ mặc áo lót. Đó chính là những toán binh sĩ ngụy quân Sài Gòn đã trút bỏ quân phục, tìm về nhà. Ông còn nhớ mãi, khi đoàn xe tiến vào nội ô Sài Gòn, đến ngã tư Bảy Hiền, một người đạp xích lô đeo băng đỏ trên cánh tay chở đầy một xe cơm vắt thịt kho và nước đến mời bộ đội ăn và tự giới thiệu là đại diện ủy ban tự quản. Được nhận sự tiếp tế ân cần của đồng bào vùng mới giải phóng, lòng người chiến sĩ cách mạng vô cùng xúc động.
Hơn 50 năm tham gia cách mạng qua hai cuộc kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ, chiến tranh bảo vệ Tổ quốc ở biên giới Tây Nam, làm nghĩa vụ quốc tế - trong đó 2/3 thời gian công tác dân vận, với những chiến công thầm lặng - ông đã trải đủ gian khổ lẫn vinh quang, thậm chí có những lần suýt chết. Ở tuổi 76 “anh bộ đội Cụ Hồ” ấy vẫn đầy nhiệt huyết, dù ông đã từng một lần tai biến mạch máu não và bây giờ là suy thận mãn tính. Được sự tin cậy của bà con khu phố ông sẵn sàng nhận một công việc khiêm tốn nhưng cũng rất bận rộn - làm tổ trưởng dân phố tại quận Tân Bình suốt 16 năm qua. Gần đây, ông còn nhận phụ trách chi hội khuyến học. Qua 3 tháng hoạt động, chi hội đã vận động được 5 triệu đồng gây quỹ học bổng.
Qua hàng chục năm sống và chiến đấu kề cận đồng bào dân tộc thiểu số, ông thông thạo nhiều thứ tiếng (Khmer, M’Nông, Ê đê S’Tiêng). Oâng vẫn hay nhắc câu ngạn ngữ của đồng bào M’Nông: “Đừng chia rẽ nồi với cơm. Đừng chia rẽ chóe rượu với hèm. Đừng chia rẽ con thoi với chỉ. Đừng chia rẽ thuốc nhuộm với hàm răng”. Vị tướng ấy đã từng viết những dòng thơ trữ tình về cô gái dân công tải đạn người M’Nông: “Tôi gặp rú (1) một chiều đông sáu mốt (2). Mười tám xuân tròn, tuổi hẹn tiếng đàn môi. Ánh mắt long lanh chúm chím nụ cười. Tóc dợn sóng, cổ khoe cườm năm sắc”.
Có lẽ quê hương Bình Định với truyền thống văn hóa dân gian đã tạo nên một “hồn thơ” trong vị tướng này. Ông vừa cầm súng vừa làm thơ, viết báo. Mặt trận cầm súng ông đã có 16 huân chương các loại của cả ba nước Việt Nam, Lào, Campuchia. Mặt trận cầm bút ông cũng có một số tác phẩm như: Cơn gió lốc giữa rừng núi M’Nông, Kôông và Keng (chuyện thần thoại), Một thời để nhớ (hồi ký), Nhớ Nam Nung (thơ) và nhiều bài viết đăng trên các báo trung ương và địa phương...
Từng kinh qua những khốc liệt của chiến tranh, trải đời mình cho sự nghiệp thống nhất và bảo vệ Tổ quốc, nghĩ về sự nghiệp phát triển đất nước hôm nay ông tâm sự: “Nhìn tổng thể tình hình đất nước, tôi thấy vừa mừng vừa lo. Mừng là kinh tế nước ta ngày càng phát triển trong xu hướng hội nhập thế giới. Gần đây có nhiều chính sách hợp lòng dân. Nhiều tài năng trẻ Việt Nam đã khẳng định được mình trên trường quốc tế. Nhưng bên cạnh đó có cái lo là nạn tham nhũng hiện nay khá nghiêm trọng, bởi kỷ cương phép nước chưa nghiêm. Theo dõi tin tức thấy nay bắt giám đốc này, mai bắt giám đốc nọ nhưng xét xử cù nhầy, quần chúng không hả dạ...” - Vị tướng “hưu nhưng chưa nghỉ” vẫn trăn trở cùng thời cuộc.
______________
(1) Rú : Chị
(2) Năm 1961
PHẠM UYÊN BÍCH