Vỉa hè Hà Nội: Tuổi thọ 70 năm, 3 năm “chết yểu”

Những ngày cuối năm, nhiều tuyến phố ở Hà Nội ngổn ngang do việc đào đường để lắp đặt, sửa chữa hệ thống công trình ngầm. Đặc biệt, vỉa hè nhiều tuyến phố ở các quận nội thành như Hai Bà Trưng, Đống Đa, Ba Đình, Hoàn Kiếm, Thanh Xuân... bị xới tung.
Thi công lát đá vỉa hè trên phố Thái Hà, Hà Nội. Ảnh: VIẾT CHUNG
Thi công lát đá vỉa hè trên phố Thái Hà, Hà Nội. Ảnh: VIẾT CHUNG

Việc thay đá vỉa hè mới không chỉ gây ra nhiều phiền toái cho người dân tại các tuyến phố mà còn ảnh hưởng tới giao thông khiến người dân bức xúc. Bởi lẽ, nhiều tuyến phố như Lê Văn Hưu, Lê Hồng Phong, Trần Duy Hưng, Thái Hà, Mai Hắc Đế... đá lát vỉa hè còn tốt nhưng vẫn bị đào lên để thay mới. Trong khi đó, một số tuyến phố khác như Nguyễn Trãi, Tôn Đức Thắng, Phố Huế... đá lát vỉa hè mới được thay chưa đầy 3 năm đã hư hỏng, nứt vỡ. Trong khi cuối năm 2016, UBND TP Hà Nội ban hành quy định mới về cải tạo hè phố với mục tiêu đến năm 2020, vỉa hè của hơn 900 tuyến đường tại 12 quận nội thành được thay thế từ gạch truyền thống sang đá tự nhiên có kết cấu bền vững với tuổi thọ lên đến 70 năm.

Nhiều ý kiến cho rằng, việc triển khai chỉnh trang vỉa hè ở Hà Nội đang bộc lộ nhiều bất cập. Việc thay đá lát vỉa hè bằng đá tự nhiên phải đảm bảo chất lượng chứ không phải năm nào cũng đào đường, đào vỉa hè, thay sửa làm mất mỹ quan đô thị, ảnh hưởng đời sống người dân. Nhiều người dân cho rằng, TP Hà Nội phải làm rõ trách nhiệm và xử lý nghiêm cá nhân, tập thể có liên quan tới việc lát đá vỉa hè kém chất lượng. 

Ông Trần Ngọc Chính, Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam cho rằng, để bảo đảm độ bền vĩnh cửu của đá vỉa hè cần chú trọng khâu tư vấn, thiết kế, lựa chọn vật liệu phù hợp từng khu vực. Muốn làm được việc này, cần thành lập hội đồng thẩm định, đấu thầu, xem xét và nghiệm thu để tìm ra loại đá tốt. 

Đại diện Chi cục Giám định xây dựng, Sở Xây dựng Hà Nội cho biết, sau khi có kết luận của Thanh tra TP Hà Nội về lát đá vỉa hè, bắt đầu từ đầu năm 2019 đến nay, việc lát đá được tiếp tục triển khai tại các quận Ba Đình, Hoàn Kiếm, Hai Bà Trưng, Đống Đa. Có 2 loại đá tự nhiên được sử dụng là marble và granite. Qua 21 dự án kiểm tra, đánh giá sơ bộ về chất lượng lớp lót, độ dày bê tông đảm bảo, cơ bản đá đủ tiêu chuẩn cường nén uốn, mài mòn, thấm nước, lực ép bê tông, chiều dày... Tuy nhiên, quá trình thi công bị dàn trải, không làm xuyên suốt toàn tuyến do vướng mắc mặt bằng hoặc công trình ngầm. 

Ông Hoàng Cao Thắng, Phó Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội cho biết, đã có văn bản đôn đốc UBND các quận, huyện, thị xã thực hiện đúng hướng dẫn về tổ chức rà soát, lựa chọn chủng loại vật tư, vật liệu lát hè phù hợp cho từng tuyến phố. UBND quận, huyện, thị xã chỉ đạo các ban quản lý dự án, đội quản lý trật tự xây dựng đô thị, phòng quản lý đô thị tăng cường kiểm tra, giám sát việc thi công lát vỉa hè, thực hiện đầy đủ trách nhiệm quản lý theo phân cấp trên địa bàn.

Từ 2010 đến năm 2020, Hà Nội đã có 3 lần “đại tu” vỉa hè. Cụ thể, năm 2011, nền gạch đỏ trên vỉa hè tại các phố trung tâm được thay thế bằng gạch block tự chèn như terrazzo, lục giác. Tiếp đó, giai đoạn 2013-2014, vỉa hè được giao cho các quận chuyển sang lát gạch giả đá, bó vỉa hè là đá xanh tự nhiên. Đến năm 2017, Hà Nội bắt đầu thay thế gạch truyền thống sang đá tự nhiên có kết cấu bền vững với tuổi thọ lên đến 70 năm.

Tin cùng chuyên mục