VIDEO: Nam Trung bộ hàng ngàn nhà tốc mái, nhiều tàu dạt bờ

Theo ghi nhận của PV Báo SGGP, bão số 12 đổ bộ vào khu vực Nam Trung bộ sớm hơn dự kiến, sức gió khu vực gần tâm bão đạt cấp 11-12 đã khiến hàng ngàn căn nhà của người dân ở Khánh Hòa, Phú Yên bị tốc mái, cây xanh gãy đổ hàng loạt. Nhiều người dân chủ quan chạy xe máy ra đường đã phải bỏ xe lại để tìm nơi thoát thân. Tại bãi tắm Quy Nhơn có rất nhiều tàu cá, tàu hàng bị đứt dây neo đang bị mắc cạn; trên tàu vẫn còn người, họ cố gắng trong khó khăn để điều khiển tàu thoát cạn...

Nhiều nhà dân tại thành phố Nha Trang bị tốc mái. Ảnh: VĂN NGỌC
Nhiều nhà dân tại thành phố Nha Trang bị tốc mái. Ảnh: VĂN NGỌC

* Khánh Hòa và Phú Yên

Theo ghi nhận của PV SGGP, cơn bão số 12 bắt đầu đổ bộ vào tỉnh Khánh Hòa và Phú Yên lúc 3 giờ sáng nay 4-11, sớm hơn dự kiến khoảng 1 tiếng đồng hồ so với dự báo. Ban đầu sức gió khoảng từ cấp 6-7, nhưng sau khoảng 2 giờ tăng lên cấp 11-12.

Đặc biệt, tại TP Nha Trang (tỉnh Khánh Hòa), sức gió mạnh nhất ghi nhận trên cấp 12.

VIDEO: Nam Trung bộ hàng ngàn nhà tốc mái, nhiều tàu dạt bờ ảnh 1 Cơn bão số 12 đổ bộ vào Khánh Hòa. Ảnh: VĂN NGỌC
>> Clip thành phố Nha Trang mưa lớn, sức gió mạnh nhất ghi nhận trên cấp 12. Thực hiện: VĂN NGỌC
Khi cơn bão đến, nhiều người dân chủ quan chạy xe máy ra đường đã phải bỏ xe lại để tìm nơi thoát thân.

Toàn thành phố đã mất điện cục bộ, hàng ngàn nhà dân bị tốc mái, cây xanh gãy đổ hàng loạt, nhiều xe máy bị gió thổi bay khắp nơi.

Người dân tỉnh Khánh Hòa không dám ra đường vì tôn bay tung tóe khắp nơi, cây xanh gãy đổ hàng loạt.
>> Video người dân bỏ lại xe chạy thoát thân khi bão đến (Nguồn: FB Trọng Phạm)
>> Clip cây xanh tại thành phố Nha Trang bị gãy đổ hàng loạt. Thực hiện: VĂN NGỌC:
Bão đổ bộ vào Khánh Hòa với sức gió trên cấp 12. Ảnh: VĂN NGỌC

Ông Lê Đức Vinh, Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa cho biết, trong các địa phương của tỉnh thì TP Nha trang là nơi có sức gió mạnh nhất, trên cấp 12. Toàn thành phố đã mất điện cục bộ, hàng ngàn nhà dân bị tốc mái, cây xanh gãy đổ hàng loạt. Ngoài ra, các địa phương khác như thị xã Ninh Hòa, huyện Vạn Ninh cũng đang trong tình cảnh tương tự.

VIDEO: Nam Trung bộ hàng ngàn nhà tốc mái, nhiều tàu dạt bờ ảnh 3
Hàng ngàn ngôi nhà bị tốc mái. Ảnh: VĂN NGỌC
Một cây me không chịu được sức gió quá mạnh. Ảnh: VĂN NGỌC

Theo người dân địa phương, cơn bão đã làm gãy đổ cả cây me có tuổi đời hàng trăm năm. Trong khi me là loài cây rất khó đổ gãy, chứng tỏ cơn bão này có mức tàn phá khủng khiếp.

Tôn bay la liệt, người dân không dám ra đường. Ảnh: VĂN NGỌC

* Bình Định

Tại Bình Định, mưa lớn kèm theo gió đã khiến cây cối đổ gãy, các tuyến đường của thành phố bị chìm ngập trong nước... Theo ghi nhận của PV Báo SGGP tại bãi tắm Quy Nhơn có rất nhiều tàu cá, tàu hàng bị đứt dây neo đang bị mắc cạn; nhiều tàu vẫn đang hoạt động, thuyền viên đang cố gắng điều khiển tàu để thoát cạn; khói bốc từ tàu lên nghi ngút.
Theo một số người dân sống gần bãi tắm Quy Nhơn thì từ sáng nay không biết từ đâu hàng chục tàu dạt vào bãi tắm; cứ tầm 1 giờ đồng hồ thì sóng biển lại đánh dạt 1 vài con tàu vào gần bờ. 
>> Video hàng loạt tàu thuyền bị bão số 12 đánh dạt vào vùng biển Quy Nhơn:
Trong số đó có 2 tàu cá Phú Yên bị đứt dây neo, một chiếc mang số hiệu SH PY 92369 TS (Phú Yên), chiếc còn lại không rõ số hiệu.
Ngoài ra, cũng theo 1 số người dân ở phía Nam tỉnh Bình Định còn rất nhiều tàu hàng đang mắc cạn dần dạt vào bờ biển. 
Theo ghi nhận tại vị trí vùng biển gần bờ đoạn trung tâm TP Quy Nhơn, có 1 tàu hàng đang bị sóng đánh sát bờ, tàu đang có thuyền viên đang cố điều khiển để thoát cạn, bị sóng dập mạnh nên nghiêng ngả, khói đen bốc lên nghi ngút; ngoài biển đang có mưa kèm theo gió đập mạnh.
Ông Trần Văn Phúc, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Bình Định, đơn vị đang triển khai lực lượng để thống kê số lượng tàu bị đứt neo, mắc cạn. Cùng với đó là hỗ trợ các ngư dân, thuyền viên di chuyển ra khỏi vùng nguy hiểm. Trước mắt theo thống kê ban đầu có 1 tàu bị chìm, 1 tàu hàng đang mắc cạn ở vùng nguy hiểm. Đơn vị này sẽ tiếp tục cập nhật tình hình và tìm cách hỗ trợ các ngư dân, bảo vệ tài sản cho họ...
Nhiều tàu hàng bị chìm, mắc cạn ngoài vùng biển Quy Nhơn
Nhiều tàu cá ở Phú Yên bị đứt neo từ đêm 3-11 kéo dạt vào bãi biển Quy Nhơn. Ảnh: NGỌC OAI

Tuy không phải tâm bão nhưng từ tối 3-11 đến sáng 4-11, tại tỉnh Bình Định xảy ra mưa lớn kèm theo gió lốc giật mạnh đã khiến nhiều cây cối, công trình, đường giao thông, nhà cửa bị đổ gãy, ngập hư hại…

Hàng loạt cây cổ thụ đổ gãy tại TP Quy Nhơn khiến giao thông qua lại khó khăn. Ảnh: NGỌC OAI
Cây cổ thụ đổ gãy chắn ngang đường đi. Ảnh: NGỌC OAI

Tại các vùng thôn quê cũng như thành phố Quy Nhơn cây cối bên đường, trong vườn gãy, ngã rạp. Những ngôi nhà lợp tôn bị gió giật tốc mái, bay tơi tả, chủ nhà phải cấp tập dùng tôn đóng kín cửa chắn gió.

Ghi nhận vào sáng ngày 4-11, tại TP Quy Nhơn nhiều tuyến đường bị ngập, cây cối, trụ điện, tường rào đổ gãy ra đường cản trở giao thông qua lại ở các tuyến đường trọng điểm…

Lúc 10 giờ sáng 4-11, tại tại TP Quy Nhơn (Bình Định) dàn đèn trang trí tại đầu đường Nguyễn Tất Thành nối dài (gần đường sắt) bị ngã đổ nằm bẹp, chắn ngang trên đường, cản trở giao thông; bảng quảng cáo điện tử trên Quảng trường Nguyễn Tất Thành cũng bị quật ngã. 
Dàn đèn trang trí tại đầu đường Nguyễn Tất Thành (TP Quy Nhơn, Bình Định) nối dài (gần đường sắt) bị ngã đổ nằm bẹp, chắn ngang trên đường, cản trở giao thông. Ảnh: NGỌC OAI
Công trình đổ gãy gây ách tắc giao thông tại Bình Định. Ảnh: NGỌC OAI

Tại các địa phương ở huyện miền núi như Hoài Ân, thị xã An Nhơn vào sáng 4-11 bị mất điện. Do bị mất điện nên hoạt động của Công ty TNHH Khai thác công trình thủy lợi Bình Định cũng gặp khó khăn trong việc báo cáo số liệu.

Cây cối đổ gãy vào nhà dân tại  thị xã An Nhơn (Bình Định). Ảnh: NGỌC OAI
VIDEO: Nam Trung bộ hàng ngàn nhà tốc mái, nhiều tàu dạt bờ ảnh 16 Cán bộ, nhân viên vượt bão để cắt cây không để ngã đổ vào nhà dân. Ảnh: NGỌC OAI

Sáng ngày 4-11, ông Phan Trọng Hổ, Giám đốc Sở NN-PTNT Bình Định cho biết: Hiện Bình Định đang chịu ảnh hưởng trực tiếp từ cơn bão số 12 nên trên địa bàn có gió to, cấp 7 cấp 8; mưa rất lớn, tập trung địa bàn phía Nam. Hiện mực nước các sông phía Nam của tỉnh đang dâng cao. Đến sáng 4-11 mực nước trên sông Hà Thanh đạt đỉnh báo động 2, sông Kôn tại đập Thạnh Hòa trên báo động 2.

* Bình Thuận, Ninh Thuận

Từ đêm 3-11 đến thời điểm hiện tại nhiều nơi có mưa, sức gió nhẹ, tình hình vẫn đang trong tầm kiểm soát.

Ông Nguyễn Trung Trực, Phó Chủ tịch UBND huyện Tuy Phong (tỉnh Bình Thuận) cho biết, địa phương được dự đoán là sẽ chịu ảnh hưởng của cơn bão số 12. Tuy nhiên, thời điểm hiện tại, nơi đây chỉ có mưa nhẹ, sức gió không mạnh. Trung tâm Nhiệt điện Vĩnh Tân đã chủ động mọi phương án nếu có bất kỳ sự cố nào xảy ra do ảnh hưởng bởi cơn bão.

Tin cùng chuyên mục