Viện trưởng Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao Lê Minh Trí: "Gánh thêm trách nhiệm, ngành kiểm sát chịu áp lực rất lớn"

Các VKSND cấp huyện phải thực hiện nhiệm vụ kiểm sát hơn 10.500 đơn vị công an cấp xã, nhưng viện kiểm sát lại không có cấp xã, nên gây áp lực rất lớn đối với ngành kiểm sát.

Tiếp tục chương trình kỳ họp thứ 6, ngày 21-11, Quốc hội thảo luận về các báo cáo công tác của Chính phủ, Tòa án Nhân dân tối cao (TANDTC), Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao (KSNDTC); công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật; công tác thi hành án; công tác phòng, chống tham nhũng năm 2023.

Trình bày báo cáo công tác năm 2023, Viện trưởng Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao (VKSNDTC) Lê Minh Trí có cùng nhận định với Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm về tình hình tội phạm tiếp tục diễn biến phức tạp và tăng so với năm 2022, đặc biệt là sự xuất hiện nhiều phương thức, thủ đoạn phạm tội mới. Trong khi đó, theo ông, ngành kiểm sát chịu áp lực rất lớn trong thực hiện chức năng, nhiệm vụ.

“Đối tượng thành lập các doanh nghiệp lấy danh nghĩa công ty kinh doanh dịch vụ tài chính, công ty luật, công ty mua bán nợ để thực hiện hành vi đòi nợ trái pháp luật; một số vụ án về kinh tế, tham nhũng, chức vụ với tính chất nghiêm trọng, phức tạp, có tổ chức gây hậu quả đặc biệt lớn đã được phát hiện và khởi tố tại các tỉnh, thành phố trên cả nước”, ông Lê Minh Trí nêu ví dụ.

Viện trưởng Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao Lê Minh Trí báo cáo tại phiên họp của Quốc hội sáng 21-11

Viện trưởng Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao Lê Minh Trí báo cáo tại phiên họp của Quốc hội sáng 21-11

Dự báo trong thời gian tới tình hình tội phạm vẫn diễn biến phức tạp, nhất là tội phạm trên không gian mạng, tội phạm phi truyền thống; các tranh chấp dân sự, hành chính, kinh doanh thương mại kể cả có yếu tố nước ngoài ngày càng phức tạp, đa dạng. Trong khi đó, theo Viện trưởng Lê Minh Trí, một số quy định của pháp luật trong các lĩnh vực này còn chưa hoàn thiện, còn một số bất cập.

Theo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 thì VKSND phải thực hiện thêm nhiệm vụ thực hành quyền công tố và kiểm sát việc tuân theo pháp luật trong việc tiếp nhận, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm và kiến nghị khởi tố đến lực lượng công an cấp xã, phường.

Quang cảnh hội trường Diên Hồng

Quang cảnh hội trường Diên Hồng

Như thế, các VKSND cấp huyện phải thực hiện nhiệm vụ kiểm sát hơn 10.500 đơn vị công an cấp xã, nhưng viện kiểm sát lại không có cấp xã, nên gây áp lực rất lớn đối với ngành kiểm sát. Hiện nay, biên chế giữa điều tra viên ngành công an với kiểm sát viên chênh lệch rất lớn; số lượng công chức có chức danh tư pháp, kiểm sát viên các ngạch của VKSND các cấp chưa đủ về số lượng để đáp ứng được yêu cầu khối lượng công việc hàng năm tăng thêm, đã tạo áp lực và khó khăn trong thực hiện chức năng, nhiệm vụ.

Chế độ, chính sách đối với ngành kiểm sát còn bất cập; kinh phí chi cho hoạt động điều tra, thực hành quyền công tố và kiểm sát điều tra đặc thù của VKSND vẫn áp dụng theo kinh phí quản lý hành chính, chưa phù hợp với hoạt động đấu tranh tội phạm…

Ông Lê Minh Trí cũng cho biết, Viện trưởng VKSND Tối cao đã ban hành chỉ thị công tác năm 2023 với 4 mục tiêu lớn và 7 nhóm nhiệm vụ trọng tâm để tổ chức thực hiện. Trên cơ sở đó, đã yêu cầu VKSND các cấp ban hành kế hoạch tổ chức triển khai, thực hiện với nhiều biện pháp, giải pháp cụ thể, bảo đảm thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ; khắc phục những hạn chế, tồn tại năm 2022, phấn đấu hoàn thành chỉ tiêu, nhiệm vụ được giao.

Tin cùng chuyên mục