Việt hóa kịch bản: Cứu cánh của phim truyền hình?

Sau thành công của hàng loạt phim truyền hình được Việt hóa kịch bản từ các tác phẩm ăn khách của nước ngoài như Sống chung với mẹ chồng, Người phán xử… trong tháng 12 tới, khán giả trong nước chuẩn bị đón nhận tiếp một seri phim dài 32 tập Cả một đời ân oán được chuyển thể từ phim truyền hình ăn khách Cô dâu bạc triệu của Đài Loan...
 Đạo diễn Đỗ Thanh Hải, Giám đốc Trung tâm sản xuất phim truyền hình Việt Nam (VFC) đã trao đổi về vấn đề này.
° PHÓNG VIÊN: Sự xuất hiện hàng loạt seri phim truyền hình có kịch bản nước ngoài trong thời điểm này phải chăng do nguồn kịch bản trong nước đã cạn?
Việt hóa kịch bản: Cứu cánh của phim truyền hình? ảnh 1 Đạo diễn Đỗ Thanh Hải
 ° Đạo diễn ĐỖ THANH HẢI: Không hẳn như vậy. Trên thực tế, có nhiều kịch bản phim, kịch bản truyền hình đề cập đến những vấn đề không phải của riêng một quốc gia, một dân tộc, mà đó là mối quan tâm chung của nhiều quốc gia. Vì thế, việc chia sẻ những câu chuyện làm phim, bản quyền phim là xu hướng khá phổ biến. Hàng năm trong khu vực có nhiều hội chợ phim lớn để các nhà sản xuất, nhà làm phim có thể cùng nhau trao đổi kịch bản.
Thực tế đã có nhiều chợ phim nổi tiếng tại Singapore, Pháp, Mỹ, Trung Quốc… là địa chỉ quen thuộc của nhiều nhà sản xuất phim từ khắp nơi trên thế giới. Tại đây, nhiều dự án phim, kịch bản, format gameshow, mà thậm chí còn rất nhiều format trên nội dung số, trên internet cũng được chào bán. Các nhà sản xuất từ khắp nơi và cả Hollywood cũng tham dự để tìm kiếm những kịch bản phù hợp. Chuyển nhượng bản quyền kịch bản giờ đã trở thành một nền công nghiệp. Không chỉ VFC, nhiều nhà sản xuất như BHD, Cát Tiên Sa… đều tham gia các hội chợ phim để tìm kiếm kịch bản phù hợp.
° Phải chăng việc mua lại kịch bản của những bộ phim từng rất thành công ở nước ngoài là cách làm tránh mạo hiểm?
° Thực tế có những dự án phim mua kịch bản nước ngoài về nhưng đã không thành công. Cho nên việc lựa chọn kịch bản như thế nào để Việt hóa là rất quan trọng, đôi khi còn rất mạo hiểm. Có rất nhiều kịch bản được chào bán, tuy nhiên việc tác phẩm nào được mua còn tùy vào nhu cầu, tiêu chí lựa chọn của mỗi nhà sản xuất. Việc thành công của một kịch bản phụ thuộc vào nhiều yếu tố, như tính phát hiện khai thác đề tài của nhà sản xuất, khả năng tiếp cận vấn đề của đạo diễn, trình độ diễn xuất của diễn viên và đôi khi còn phụ thuộc vào yếu tố may mắn.
° Kinh phí mua kịch bản nước ngoài và tìm kiếm kịch bản trong nước có “đội” lên nhiều không?
° Việc cao hay thấp phụ thuộc vào câu chuyện mình có phát hiện như thế nào để lựa chọn. Như Người phán xử chẳng hạn, ai đã từng xem kịch bản gốc sẽ thấy phiên bản Việt khác hoàn toàn. Quan trọng là tính phát hiện vấn đề từ kịch bản ấy. Đơn vị chuyển giao kịch bản đưa đường dây câu chuyện, từ đó mình sáng tác tiếp.
Ngoài hội chợ về kịch bản, còn có các hội thảo về truyền hình trong việc nghiên cứu, chuyển đổi từ kịch bản gốc về thành tác phẩm của mình. Điều này lý giải tại sao đối với VFC, một kịch bản khi mang về mất tới nhiều năm để Việt hóa (Người phán xử mất 3 năm và Cả một đời ân oán mất 4 năm). Thêm nữa, với kịch bản trong nước, đôi khi có thể đưa vào làm ngay được, nhưng với kịch bản Việt hóa phải lật đi lật lại câu chuyện để thấy được xã hội Việt Nam trong đó.
Việt hóa kịch bản: Cứu cánh của phim truyền hình? ảnh 2 Người phán xử - một trong số các phim truyền hình được Việt hóa kịch bản từ các tác phẩm ăn khách của nước ngoài 
 ° Ông có thể chia sẻ về các nguồn kịch bản mà VFC đang khai thác?
° Nguồn từ tác giả chuyên nghiệp hoặc do VFC đặt của các nhà văn, nhà báo viết và cả của các cộng tác viên gửi đến. Ngoài ra, trung tâm bản quyền của đài truyền hình đều tham gia các hội chợ và giới thiệu cho VFC; hoặc chúng tôi đi tìm kiếm kịch bản trực tiếp. Năm 2017, con số ước tính khoảng 40-60 kịch bản. Trong đó, kịch bản nước ngoài được Việt hóa là 40%. Những năm trước tỷ lệ ít hơn. 
Bên cạnh đó, chúng tôi cũng đặt hàng kịch bản như Thương nhớ ở ai (đặt hàng đạo diễn Lưu Trọng Ninh khai thác kịch bản đó ở phiên bản truyền hình); Zippo - Mù tạt (phim đo ni đóng giày cho Hồng Đăng và Mạnh Trường)… Có phim lựa chọn diễn viên, có phim lựa chọn tác giả viết theo đề tài nhà sản xuất mong muốn.
Chúng tôi luôn luôn trong tình trạng thiếu kịch bản hay, chúng ta cũng phải thẳng thắn nhận ra rằng, đào tạo người viết kịch bản phim truyền hình chuyên nghiệp của chúng ta chưa nhiều. Trong trường chủ yếu đào tạo biên kịch điện ảnh - tức là kịch bản ngắn… 
° Là đơn vị sản xuất phim Việt Nam, VFC làm gì để cải thiện tình trạng khan hiếm kịch bản hay trong nước?
° Bản thân VFC là đơn vị làm phim Việt, những câu chuyện gắn với đời sống Việt, tâm sinh lý người Việt là vô cùng quan trọng. Giữa tháng 12-2017 chúng tôi có một cuộc phát động thi viết kịch bản phim truyền hình Việt. Ngoài mong muốn có kịch bản chất lượng, thì đó cũng là một cú hích để tạo ra cơ hội, sự tham gia cộng hưởng của những người viết kịch bản chuyên nghiệp và không chuyên. 
° Trong bối cảnh hội nhập toàn cầu, lý do mà phim Việt khó xuất ngoại là gì?
° Khó khăn lớn nhất là vấn đề kỹ thuật. Công nghệ truyền hình của chúng ta chưa theo kịp với hạ tầng kỹ thuật mà nhiều nước đang sử dụng. Còn về kịch bản, hiện cũng có một số đối tác nước ngoài đang thương thảo với VFC để chuyển giao bản quyền một số phim truyền hình trong nước.

Tin cùng chuyên mục