Theo Thứ trưởng Hà Công Tuấn, 1 năm trước, tại Hà Nội, Việt Nam đã tổ chức hội nghị về chống buôn bán trái pháp luật các loài động thực vật hoang dã. Hội nghị đã thông qua tuyên bố Hà Nội với quốc tế về cam kết bảo vệ các loài động vật, thực vật hoang dã trước nguy cơ tuyệt chủng bằng các giải pháp cụ thể mạnh mẽ.
Cụ thể là Việt Nam đã cam kết với 25 quốc gia về việc xoá bỏ "thị trường" buôn bán trái pháp luật các sản phẩm từ động thực vật hoang dã, trong đó nổi lên nhức nhối nhất nhiều năm qua là tình trạng buôn bán, nhập lậu ngà voi, sừng tê giác, tê tê... vào Việt Nam.
Theo đó, Việt Nam đã trở thành một mắt xích nóng để các đối tượng nằm trong đường dây buôn lậu xuyên lục địa đưa ngà voi và sừng tê giác “quá cảng”, sau đó tiếp tục xuất qua các nước thứ ba có chung biên giới. Trong đó, cơ quan chức năng xác định có cả những đối tượng liên quan đường dây rửa tiền, buôn bán ma tuý.
Tại buổi công bố, Cơ quan quản lý Cites Việt Nam thuộc Bộ NN-PTNT đã báo cáo tóm tắt 1 năm thực hiện cam kết. Giám đốc Cites Việt Nam Hà Thị Tuyết Nga cho biết, sau hơn 1 năm đưa ra tuyên bố, Việt Nam đã triển khai nhiều biện pháp mạnh mẽ để chung tay cùng thế giới xoá bỏ vấn nạn buôn bán ngà voi, sừng tê giác... Trong năm 2017, các lực lượng chức năng của Việt Nam đã bắt giữ được 483 vụ buôn bán, vận chuyển trái phép động thực vật hoang dã, tịch thu 11.554 cá thể và 10.125kg động vật hoang dã.
Viện KSND tối cao đã thống nhất với Bộ Công an, TAND tối cao phục hồi xét xử 6 vụ án liên quan đến buôn bán ngà voi, sừng tê giác.
Để ngăn chặn tình trạng vận chuyển ngà voi vào Việt Nam bằng đường hàng không, Bộ NN-PTNT đã đề nghị các doanh nghiệp vận tải hàng đầu như Vietnam Airlines thông báo không vận chuyển đối với một số loài động vật hoang dã nguy cấp từ tháng 7-2017.
Theo Thứ trưởng Hà Công Tuấn, Việt Nam đã hoàn thiện nhiều văn bản luật pháp phù hợp với các công ước quốc tế về bảo vệ động vật hoang dã, đa dạng sinh học, bảo tồn thiên nhiên. Trong đó Bộ luật Hình sự đã tăng chế tài xử lý theo quy định cũ là 5 năm tù lên 10 năm tù nếu buôn bán động thực vật hoang dã.
Liên quan đến vấn nạn buôn bán vận chuyển ngà voi từ châu Phi vào Việt Nam sau đó xuất qua Trung Quốc, theo bà Hà Thị Tuyết Nga cho biết, để kiểm soát chặt từ nguồn, hiện Việt Nam đã có chiến dịch yêu cầu các khách du lịch và người lao động Việt Nam đi làm việc tại các quốc gia châu Phi như Nam Phi, Angola, Mozambique... cũng như khách du lịch nước ngoài vào Việt Nam không tiếp tay cho hoạt động buôn bán, vận chuyển sừng tê giác.